Cuối cùng thì Minh đã gật đầu xác nhận rằng đúng là bố anh có nói không thích tôi vì tôi trông lúc nào mơ mộng, lơ ngơ. Anh nắm bàn tay tôi an ủi rằng điều đó không hề làm lung lay trái tim anh, nó vẫn trọn vẹn dành cho tôi, chính vẻ mơ mộng đến lơ ngơ của tôi mới khiến anh yêu tôi, anh sẽ thuyết phục ông cụ, tháng tám này, nhất định chúng tôi sẽ làm đám cưới.
Tôi cố mỉm cười, nhưng lòng đã nghẹn ngào. Gió rung như phất cờ mấy cành vải đỏ mọng nơi cuối vườn, lũ ve đang rà rã từ dưới đất đến đầu ngọn cây, nghe ù cả tai, nắng vàng chứa chan, nhảy nhót trong vườn, ngoài ngõ, những bông hoa dừa cạn tím nở rộ hai bên đường rung rinh như những chú bướm đang vỗ cánh bay lên.
Tôi dứt bông hoa dừa cạn lên miệng nhai để tránh tiếng thở dài. Dù sao thì anh đã không giấu giếm tôi chuyện này. Bà dì tôi đi chợ về đã to nhỏ ngoài cổng với bố mẹ tôi: Bố thằng Minh có nói với một ông bạn nối khố rằng con bé ấy học trường báo ra cái mặt cứ ngơ ngơ, chắc trong đầu lúc nào cũng chỉ nghĩ tới văn chương, báo chí thì làm sao có thể hợp với nhà buôn bán được đây. Thực lòng thì ông muốn một cô con dâu tháo vát, nhanh nhẹn, năng động để đảm đương cái sạp hàng ngoài chợ, ông bà đều đến tuổi nghỉ ngơi rồi, tôi thế này thì ông không thích.
Ngay tối hôm đó, mẹ kể lại cho tôi. Trưa nay, tôi rủ anh ra đầu ngõ, dò hỏi cho kỳ được. Lúc đầu, anh còn quanh co, sau thì cũng phải nói sự thật cho tôi biết. Mà sự thật vốn làm cho lòng người đau khổ. Tôi đang đau khổ lắm, vì bố anh đã nói đúng về nhược điểm của tôi. Lúc nào tôi cũng lơ ngơ, không chỉ có mặt tôi mà hồn tôi cũng vậy. Một chiếc lá rụng cũng làm lòng tôi xao động, một nụ hoa nở cũng làm lòng tôi bồi hồi, và tôi muốn viết, lại viết… Không hiểu vì sao, từ khi sinh ra đã thế, trời cho như thế. Tôi biết làm sao?
- Em lại buồn đúng không? Đã hứa là sẽ lắng nghe để tiến bộ mà, biết thế anh đã chẳng thật thà nói cho biết nữa.
- Bác nhìn người đúng thế cơ chứ, anh nhỉ? Anh có buồn khi em như vậy không?
- Buồn cái gì nào. Anh còn tự hào chưa hết kia kìa. Ngoài đình, người ta đang khen nức nở bài thơ của em được phát trên loa truyền thanh xã chiều qua đấy, nghe đâu trưởng thôn duyệt bài này cho biểu diễn trong đêm văn nghệ liên hoan đón làng văn hóa đấy, em vui không nào? Đúng là học sinh giỏi văn có khác. Mai mốt cưới về, khi nào em ra chợ bán hàng, chỉ cần cất lên mấy lời chào bằng thơ văn là đắt hàng như tôm tươi ấy chứ, anh đã nói với ông cụ như vậy.
Lời anh tếu khiến lòng tôi nhẹ hẳn.
- Em chẳng dám đâu, nơi chợ búa ai thích thơ văn, nói ra có người bảo hâm.
- Hâm được như thế thì càng tốt, cho thanh thản cõi lòng, có người muốn hâm mà chẳng được đâu. Dạo này, em có viết được bài nào mới chưa?
- Em chẳng muốn viết nữa đâu - Tôi dối.
- Chắc là chưa tìm được cảm hứng phải không? Cái bài báo “Ngõ dừa cạn” của em đăng trên báo tỉnh nhà, anh đọc đến thuộc lòng rồi đấy. Có bài nào được đăng nữa thì nhớ bảo anh biết, phải khao anh đấy.
- Chẳng có bài nào, cũng chẳng khao nữa.
Thấy tôi ngúng nguẩy, anh tủm tỉm cười.
- Thế là hết buồn rồi. Mà thực tình, trông em buồn lại càng xinh mới chết chứ, nên anh cấm em buồn trước mặt người khác nghe không?
Tôi bật cười. Anh vuốt tóc tôi.
- Sao có bông dừa cạn đậu trên tóc em này.
- Anh giỏi đùa.
- Mà đến giờ anh phải về đi lấy ít hàng cho mẹ đây.
Anh lên xe đi xa dần. Ngõ nhỏ như rộng mênh mang trong nắng chiều. Hai bên đường, những cánh bướm dừa cạn chấp chới.
Tôi và Minh đã cùng nhau đi dọc tuổi thơ bên con đường dừa cạn tím biếc này. Anh lên đường nhập ngũ vào đúng mùa dừa cạn li ti lên xanh, anh ra quân vào đúng độ hoa nở, hoa tím rực cả ngõ quê, màu tím lịm nhuộm lên trái tim mơ mộng, bảng lảng, hoang hoải của tôi. Tôi bắt đầu biết nhớ anh, nhớ vu vơ, nhớ ngẩn ngơ. Anh viết thư tỏ tình, nói đi bộ đội, nhớ nhất cái ngõ dừa cạn, nơi có dáng tôi hay ngồi tư lự làm thơ, nhớ đôi mắt nâu thăm thẳm nỗi khắc khoải, nhớ mái tóc đuôi ngựa, nhớ nụ cười xa xôi của tôi, đến cả những tính nết nhấm nhẳng, hay dỗi hờn con nít của tôi, cũng nhớ. Anh yêu tôi mất rồi. Dưới gốc dừa cạn, những trưa thanh vắng, tôi lén đọc những lá thư anh gửi, tôi ép hoa ngõ gửi cho anh. Những gốc dừa cạn bền đất hơn bởi tôi muốn dù bất kì khi nào anh về cũng sẽ được gặp mặt hoa. Không biết dừa cạn bén duyên ngõ nhỏ này từ bao giờ mà lúc nào cũng đầy hoa tím, chẳng cần tốn công chăm sóc, hoa dừa cạn khô, hạt rơi xuống đất, chờ mưa xuân lại nảy mầm, đâm hoa giăng đầy ngõ xóm, giăng đầy hồn tôi.
Đúng chỉ trong vòng một trưa tròn nắng như trưa nay, tôi viết xong bài về diện mạo nông thôn mới ở quê mình, vùng quê đầy hoa dừa cạn. Tôi gửi ngay đến tòa soạn, rồi hồi hộp chờ đợi. Đây không phải là lần đầu gửi bài đăng báo, tôi đã gửi nhiều lần và mới có một lần được đăng một bài nhỏ. Thế mà sướng cả tháng trời. Còn lại rất nhiều lần, tôi chẳng thể nhớ được, toàn là gửi đi mà không có một lần hồi đáp. Lần nào tôi cũng hồi hộp chờ đợi bài được đăng báo như chàng trai trẻ tuổi lần đầu tỏ tình chờ đợi cô gái gật đầu. Lần này cũng vậy. Thật không uổng công mong đợi, ba tháng sau, báo biếu về, tôi ôm chặt tờ báo có bài của mình trong lòng mà khóc nấc lên vì sung sướng, tựa như người mẹ ôm đứa con đầu lòng vừa chào đời vậy. Anh động viên tôi, dù công việc bận rộn nhưng đừng từ bỏ say mê của mình em nhé, cuộc đời sẽ đẹp hơn nếu ta có niềm say mê. Ngồi trong ngõ hoa, tôi tựa đầu vào vai anh, êm dịu, vững tin.
Ngõ hoa chiều nay vẻ trầm tư, những cánh hoa tím đang nhạt màu, tôi bó gối thẫn thờ trông xa xăm.
- Cháu gái, cho bác hỏi thăm nhà ông Thảnh, ngõ Dừa Cạn, thôn Vĩnh Lại.
Người đàn ông trông khá phong độ, trạc tuổi bố Minh đã đỗ xe máy đứng trước mặt tôi tự lúc nào. Tôi chỉ đường vào nhà anh. Bác cảm ơn tôi, trước khi lên xe còn thốt lên một câu: “Đúng là ngõ dừa cạn đây rồi, sắp được gặp thằng bạn chí cốt đây rồi!”. Có lẽ bác là bạn bè với bố anh, đã lâu không gặp nên nét mặt vui vẻ lắm, mấy bông dừa cạn bỗng tung tẩy vẫy cánh vui lây.
*
Chiều tối, đang giúp mẹ trẩy nốt mấy cành vải để mai mang ra chợ bán thì Minh hớn hở gọi điện bảo tôi sang nhà anh ngay, bố anh muốn gặp tôi gấp. Sao lại gọi tôi sang, chưa bao giờ bác sai Minh gọi tôi cả, tôi lo lắng hỏi lại, nhưng anh bảo chuyện vui lắm, cứ sang đã rồi sẽ biết vì sao.
Dừa cạn theo chân tôi tới tận đầu cổng nhà anh. Thấy tôi rón rén, thập thò chừng e dè chưa dám vào, anh chạy ra kéo tôi vào. Giữa sân, bố anh và ông khách lúc nãy hỏi đường tôi đang đứng ngắm mấy cây vải chín núc. Tôi cất tiếng chào hai người. Bác khách cười chào tôi như gặp lại người thân.
- Bác đã gặp cháu ở ngay đầu ngõ rồi.
Tôi còn ngạc nhiên chưa hiểu có chuyện gì xảy ra, thì bố Minh nói:
- Cảm ơn cháu. Nhờ bài báo của cháu về ngõ dừa cạn chúng ta mà bác Bảo đây mới có dòng địa chỉ tìm gặp được bác đấy.
Bác Bảo cười ha hả, kể. Bác và bác Thảnh cùng đơn vị trong Trường Sơn, sống chết có nhau bao nhiêu năm giữa rừng rú, bom đạn, thân thiết như ruột rà. Ấy thế mà khi hòa bình về quê làm ăn, muốn thăm lại thằng bạn thì quên mất địa chỉ. Chỉ nhớ như in câu chuyện cậu ta kể về sự tích ngõ hoa dừa cạn. Từ đời nảo đời nào ngõ nhà cậu ấy luôn có hoa dừa cạn nở trắng, cho đến lần trong ngõ có năm anh trai làng lên đường tòng quân ra trận và cùng hy sinh trong chiến trường Quảng Trị thì lập tức sau một đêm mưa tầm tã, sáng hôm sau dừa cạn nở hoa tím khắp ngõ. Cũng sáng hôm ấy, cậu Thảnh và hai người trai khác lại khoác ba lô tiếp bước đàn anh, tiễn chân họ không chỉ có người thân, bạn bè mà còn có dừa cạn vẫy chào các anh và hẹn ngày trở về. Chính câu chuyện của bác Thảnh năm xưa trong rừng xui bước chân bác Bảo nhất định tìm về ngõ quê thăm thằng bạn đã cùng vào sinh ra tử. Nhưng lâu ngày, chỉ nhớ tên huyện Cẩm Giàng, chẳng nhớ được tên thôn, xã, thì vừa may, mấy tháng trước đọc được bài báo về ngõ dừa cạn này, bác đã nhận ra ngay đó chính là cái ngõ năm xưa thằng bạn từng kể cho nghe mỗi đêm. Bác Bảo đã sắp xếp công việc rồi theo dòng địa chỉ đề trong bài báo mà tìm được đến đây gặp mặt đồng đội cũ. Vui lắm, hai người cứ cười khà khà suốt cuộc nói chuyện.
Bác Thảnh, quay sang tôi, ôn tồn:
- Không ngờ bài báo của con lại là cầu nối hai chúng ta gặp nhau, đúng là duyên kỳ ngộ. Thế mà bác từng nghĩ chuyện say mê viết lách của con chẳng hay ho chút nào. Giờ thì thấy nó hay lắm, ích lắm. Tối nay, con nhất định ở lại ăn cơm và trò chuyện với hai bác, nhiều chuyện hay lắm đấy con ạ, biết đâu con lại chẳng viết được bài nào đó nữa chứ nhỉ?
Trong khi tôi còn bẽn lẽn cúi xuống vì bất ngờ thì bác Thảnh ôm lấy bác Bảo mà cười: “Con dâu tương lai của tôi đấy!”. Nói rồi, bác dắt tay bạn ra ngõ, hai người bá vai nhau đi trong ngõ hoa trông mơ mộng như hai cậu bé con. Hoàng hôn đang dần xuống, ngõ hoa dừa cạn tím hơn bao giờ hết.
Truyện ngắn của NGUYỄN THU HẰNG