Đề tài tập trung nghiên cứu cơ sở lý luận về đào tạo và năng lực đào tạo nhân lực KHCN trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Chiều 4-4, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) tổ chức nghiệm thu đề tài "Nghiên cứu phát triển năng lực đào tạo nhân lực KHCN giai đoạn 2012-2020 của Trường Đại học Kinh tế, kỹ thuật Hải Dương (nay là Trường Đại học Hải Dương)" do tiến sĩ Phạm Đức Bình, Hiệu trưởng làm chủ nhiệm.
Đề tài tập trung nghiên cứu cơ sở lý luận về đào tạo và năng lực đào tạo nhân lực KHCN trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Đề tài tiến hành khảo sát 3.500 người thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau trong 2 năm 2012-2013. Hội đồng nghiệm thu đã thống nhất cho rằng đề tài đã làm rõ các khái niệm về nguồn lực và nguồn lực đào tạo. Tập trung khảo sát về thực trạng nhân lực KHCN của cơ quan đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Điểm mới của đề tài là đã đánh giá tỷ lệ việc làm của người lao động phù hợp với trình độ chuyên môn; đưa ra những dự báo về nhu cầu sử dụng nhân lực KHCN của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (xét trong mối tương quan của 9 ngành học mà Trường Đại học Hải Dương đang đào tạo), đồng thời xây dựng lộ trình giảng dạy, nâng cấp cơ sở sở vật chất của Trường Đại học Hải Dương đáp ứng yêu thực tế... Đề tài cũng đưa ra 5 kiến nghị tập trung vào việc đầu tư, quản lý tài chính trong giáo dục đại học; hỗ trợ liên kết đào tạo, đặc biệt là đào tạo đa quốc gia...
Hội đồng nghiệm thu đã nhất trí đánh giá đề tài xếp loại khá.
* Ngày 3-4, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức đánh giá Đề tài “Xây dựng mô hình thâm canh nâng cao hiệu quả sản xuất cây sắn dây trên địa bàn huyện Kinh Môn” do kỹ sư Nguyễn Ngọc Ngưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn làm chủ đề tài.
Đề tài thực hiện trong 2 năm 2012 và 2013 tại huyện Kinh Môn. Huyện đã chọn xây dựng mô hình thâm canh 12 ha ở các xã An Phụ, Thượng Quận, Hoành Sơn, Hiệp Sơn theo phương thức luân canh 1 lúa + sắn dây và xen canh rau màu + sắn dây. Chủ nhiệm đề tài đã chọn được 2 giống cây ưu việt là giống sắn dây vàng nhạt và sắn dây tía, nhân 4.200 bầu giống bằng phương pháp chiết mầm từ gốc cây mẹ, với tỷ lệ sống 98%, tăng 28% so với phương pháp nhân giống cũ. Qua 2 năm thực hiện, sắn dây đạt năng suất 232 tạ/ha, cao hơn 10 tạ/ha so với trồng tự do.
Hiện nay, huyện Kinh Môn duy trì thường xuyên 400 - 500 ha sắn dây với sản lượng 10 nghìn tấn củ tươi/năm.
PV