Nghịch lý giá tiêu dùng

18/09/2015 09:37

Giá xăng dầu trong nước đã giảm mạnh, song giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn giữ giá. Thậm chí một số loại thực phẩm còn tăng giá.



Giá xăng dầu giảm nhưng giá nhiều loại hàng hóa vẫn giữ nguyên


Nhiều mặt hàng giữ giá

Từ ngày 4-7 đến nay, giá xăng dầu trong nước giảm 5 lần. Giá xăng RON 92 giảm 3.380 đồng/lít (giảm 16,3%), còn 17.338 đồng/lít. Dầu diesel giảm 2.760 đồng/lít (giảm 17,21%). Cùng với giá xăng, thời điểm này giá gas cũng được điều chỉnh giảm 265.000 đồng/bình 12 kg (giảm 12.000 đồng/bình 12 kg). Tuy nhiên, các loại hàng hóa vẫn không có dấu hiệu giảm giá. Tình trạng này trái ngược với việc khi giá xăng tăng, các mặt hàng thi nhau tăng giá.

Tại chợ Đông Ngô Quyền (TP Hải Dương), giá các mặt hàng thực phẩm vẫn giữ nguyên. Cụ thể, giá rau muống, rau cải từ  4.000 - 5.000 đồng/mớ, bí xanh 12.000 đồng/kg, thịt lợn từ 90.000-110.000 đồng/kg tùy loại, thịt bò 250.000 đồng/kg... Giá một số loại hoa quả như bơ, thanh long, nhãn thậm chí còn tăng so với trước. Bơ loại ngon được bán với giá 45.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng so với đầu tháng trước. Nguyên nhân do một số loại hoa quả đang vào thời điểm cuối vụ nên khan hiếm hàng. Chị Nguyễn Thị Hương, chủ một cửa hàng kinh doanh thực phẩm cho biết: "Thực phẩm trong chợ phần lớn là do các địa phương trong tỉnh cung cấp nên giá ít bị ảnh hưởng bởi giá xăng. Thực phẩm bán ở đây phụ thuộc theo mùa vụ và thời tiết, nếu vào đúng thời vụ giá có thể rẻ hơn vài nghìn đồng, trái lại vào thời điểm khan hiếm và điều kiện thời tiết bất lợi thì giá lại tăng cao".

Giá các sản phẩm như đường, sữa, bánh kẹo… cũng chưa có biểu hiện giảm. Tại một đại lý kinh doanh bánh kẹo trên đường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương), giá sữa Optimum cho trẻ từ 1-3 tuổi từ 170.000-180.000 đồng/hộp 400 gam, sữa Friso gold pedia giá 510.000 đồng/hộp 900 gam, Frisomon gold giá 380.000 đồng/hộp 900 gam... không có nhiều biến động. Không chỉ có thực phẩm, hàng tiêu dùng “bất động” trước việc xăng dầu giảm giá mà vật liệu xây dựng vẫn giữ giá. Hiện xi măng Hoàng Thạch bán ra ở mức 1,3 triệu đồng/tấn, xi măng Hải Dương loại PCB30 khoảng 1 triệu đồng/tấn. Giá gạch, cát, đá cũng không biến động nhiều so với thời điểm trước khi xăng dầu giảm giá.

Người tiêu dùng ít được lựa chọn

Trước việc xăng dầu giảm nhưng giá hàng hóa khác vẫn đứng yên, chị Nguyễn Thị Ánh, một viên chức đang công tác tại một sở ở TP Hải Dương bức xúc: "Trước đây mỗi lần xăng tăng giá, tất cả các mặt hàng khác đều đồng loạt tăng theo. Nhiều khi không biết giá xăng tăng có ảnh hưởng trực tiếp đến mặt hàng đó không nhưng tất cả điểm bán hàng đều tăng giá, từ chợ truyền thống đến các cửa hàng đều tăng khiến chúng tôi không có lựa chọn nào khác mà vẫn phải mua".

Với mức giá cả hiện tại, đời sống của nhiều người lao động không có sự thay đổi nhiều so với trước khi xăng giảm giá. Chị Nguyễn Thị Hoài, công nhân tại TP Hải Dương cho biết: "Thu nhập của cả vợ chồng tôi chỉ từ 7-8 triệu đồng/tháng. Giá xăng giảm giúp chúng tôi bớt được một chút chi phí đi lại, nhưng còn bao nhiêu khoản khác như lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, tiền thuê nhà... vẫn không giảm nên đời sống vẫn rất khó khăn".

Lý giải cho việc hàng hóa giữ giá, nhiều chủ cửa hàng cho biết các nhà phân phối sản phẩm chưa có thông báo giảm giá, giá cước vận tải chưa giảm nên không có lý do gì để họ giảm giá thành sản phẩm.
Theo ông Vũ Minh Hải, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) tỉnh, cơ cấu giá cả được tạo thành từ cơ cấu giá của nhiều yếu tố như nguyên liệu, nhân công, cước vận tải... Trong trường hợp một yếu tố đầu vào giảm, doanh nghiệp cần tính toán lại cơ cấu giá để giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, hiện nay có thể các doanh nghiệp chờ đợi giá xăng dầu ổn định mới điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ. Trong trường hợp doanh nghiệp chây ỳ không giảm giá, cơ quan nhà nước cần vào cuộc để kiểm tra, xử lý, NTD cần sử dụng tốt các quyền lợi của mình, đặc biệt là quyền lựa chọn hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp đã điều chỉnh giá và tẩy chay các doanh nghiệp cố tình không điều chỉnh giá. "Chỉ khi có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng, ý thức của doanh nghiệp và NTD sử dụng tốt các quyền lợi của mình thì NTD mới không bị thiệt", ông Hải cho biết.

Với các mặt hàng được điều chỉnh theo cơ chế thị trường như lương thực, thực phẩm, hoa quả, thì khi xăng dầu tăng giá, nhiều tiểu thương đã "té nước theo mưa" để trục lợi, tăng giá sản phẩm dù chi phí đầu vào không tăng, nhất là các mặt hàng có xuất xứ trong tỉnh. Thế nhưng khi xăng dầu giảm giá, tiểu thương vẫn giữ nguyên giá cũ khiến người tiêu dùng chịu thiệt. Nghịch lý giá tiêu dùng này cần được các cơ quan chức năng quan tâm và có biện pháp kiên quyết chấn chỉnh.

VIỆT QUỲNH - TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghịch lý giá tiêu dùng