Theo quan niệm của tôi, thời gian cầm bút và tuổi nghề trong sáng tác thực ra không quan trọng về mặt đánh giá trẻ hay không trẻ trong văn chương. Là một nghề, nhưng lại là nghề rất cô đơn, rất mong manh, có thể suốt đời không làm được cái điều mình muốn, nên tôi nghĩ, không ở nghề nào, lại cần sự động viên an ủi của người đời như là nghề văn, và vì thế, cũng ít nghề nào người đời thông cảm và thậm chí chấp nhận ở người làm nghề sự tự tin quá đáng mà bao giờ cũng cao hơn cái năng lực thực có của anh ta. Bởi vậy, sự hiếu thắng dường như được tự nuông chiều. Anh phải có niềm tin rất ghê gớm mới đủ can đảm bước qua cái sa mạc mênh mông của trang đời. Lại thêm cái đáng được đồng cảm ấy cộng vào nữa. Cho nên, người mới viết thường không tự nhận ra thơ mình dở ở chỗ nào, cũ ở chỗ nào. Các cụ dạy “vợ người thì đẹp, thơ mình thì hay” là chí lý lắm, trong cách cảm nhận đầy chủ quan của người sáng tác, nhất là người được gọi là trẻ. Bằng sự học hỏi và khả năng tự kiểm soát, cùng với độ chín dần về nghề, anh sẽ tự thấy thơ anh dở ở chỗ nào, cũ ở chỗ nào. Lúc tự nhận ra cái dở, cái cũ đó, là anh không còn trẻ nữa. Còn ở người đọc thì khác. Họ có thể nhận ra, anh không còn trẻ khi viết câu thơ đầu tiên và anh vẫn rất trẻ khi đưa in tập thơ cuối cùng. Trẻ hay không trẻ, căn cứ vào tính chuyên nghiệp của ngòi bút, kể từ khi anh có bài thơ đầu tay đăng báo, chứ không phải ở màu tóc hay thâm niên trong nghề.
Tôi muốn nói thêm ở khía cạnh khác của vấn đề này là cảm xúc trẻ. Khái niệm cảm xúc trẻ khác hẳn với khái niệm trẻ hay không trẻ, tính theo tuổi nghề hay sự chuyên nghiệp của ngòi bút. Cảm xúc trẻ thường là đặc sắc của những cây bút bước vào nghề khi tuổi còn rất trẻ và chỉ có rất ít người giữ được nó lâu hơn trong quá trình sáng tác của mình. Đó là cái cảm thấy rất rõ nhưng không dễ diễn đạt, nó ở trong hồn vía của câu chữ, ấy là cái mơn mởn lênh lang như ánh trăng non, như ngọn gió thu đầu mùa, như tuyết bay những sợi mỏng đầu tiên, như lần đầu mắt ta chạm vào da thịt người con gái ta say đắm… Nó… như thế. Càng lão luyện hơn trong nghề, nó càng mất đi, và thay dần vào đó là sự chững chạc đến xơ cứng, mặc dù ý tứ có thâm hậu hơn…
Thêm một điều này nữa, thơ trẻ thường đi từ bên ngoài vào. Thơ không trẻ thường đi từ bên trong ra. Khi anh biết bắt đầu phải đi từ bên trong ra, là lúc anh không còn trẻ nữa, dù anh vẫn còn rất trẻ… tuổi.
Ai đọc thơ Việt Nam hiện nay cũng đều nhận ra một điều. Thế hệ thơ chống Mỹ đang làm những phần việc cuối cùng. Trách nhiệm mới đã đặt lên vai thế hệ sau năm 1975, thậm chí sau năm 1986. Nhiều năm theo dõi lực lượng trẻ của cả nước, tôi nhận ra rằng: họ đang sung sức và có nhiều tìm tòi sáng tạo. Họ ít có nợ nần với quá khứ, tiếp nhận cũng không nhiều những giá trị của quá khứ, chẳng mấy băn khoăn trước những vui buồn thường nhật của dân sinh. Họ dường như chỉ biết có mình, lao thẳng tới cái họ cần, có khi quên cả bạn đọc, dù những cái cần đó là rất chính đáng. Họ đi đến tận cùng và rất ít nhân nhượng trước những giá trị mà họ cần đạt tới. Họ dứt khoát và quyết liệt trong quyết tâm đổi mới thơ, nhưng tiếc thay những đổi mới rõ rệt nhất của họ, lại chủ yếu là về mặt hình thức. Họ có công làm mới câu chữ và kết cấu bài thơ, nhưng không phải nhà thơ trẻ nào cũng có nội lực đủ mạnh để biến những ý tưởng mới đó thành thơ và những cấu trúc thơ phi truyền thống đó thành xúc cảm. Đường thơ của họ còn rất dài. Có lẽ ý thức được điều đó chăng, nên họ nôn nóng và ngay từ những bước đi đầu tiên, tôi đã thấy họ vội vã. Có người rất vội vã… Tôi tin là họ sẽ tự điều chỉnh được mình. Thời gian sẽ ủng hộ họ. Chính họ sẽ quyết định vóc dáng của nền thơ Việt Nam trong thế kỷ này…
Đây không chỉ là tương lai của nền văn học mà nhiều sáng tác của lực lượng này, đang tạo được những dấu ấn đáng trân trọng trong thơ đương đại Việt Nam.
TRẦN NHUẬN MINH