Nghe trắc thủ kể chuyện đánh B52

25/12/2012 06:56

"Đánh được B52 sướng lắm, nhất là mỗi khi tên lửa của ta bắn trúng mục tiêu khiến những chiếc B52 của Mỹ bốc cháy...", nguyên trắc thủ góc tà Trần Văn Côn kể.



 Ông Trần Văn Côn kể lại chiến công bắn rơi máy bay B52 của mình

Trong những ngày cả nước sống lại không khí hào hùng của 12 ngày đêm “Hà Nội- Điện Biên phủ trên không”, chúng tôi về thôn Quỳnh Khê, xã Kim Xuyên (Kim Thành), để nghe ông Trần Văn Côn kể chuyện về những ngày tham gia đánh "pháo đài bay" B52 trên bầu trời Thủ đô.

Gác việc nhà, lo việc nước

Tuy là con trai duy nhất trong gia đình có 2 anh em nhưng năm 1966, khi mới 16 tuổi, ông Côn đã “khai gian" thêm 1 tuổi để được nhập ngũ. Từ năm 1966 -1972, ông Côn đã trải qua một số đơn vị huấn luyện, phục vụ chiến đấu. Trong thời điểm giặc Mỹ sử dụng B52 tập kích bằng đường không đánh vào Thủ đô Hà Nội, ông là trắc thủ góc tà thuộc Tiểu đoàn 93, Trung đoàn 261, Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng không - Không quân). Nói về nhiệm vụ của một trắc thủ góc tà, ông Côn cho biết: "Tiểu đoàn có hàng trăm người nhưng để phóng được quả tên lửa trúng mục tiêu thì chỉ có 5 người quan trọng nhất: Tiểu đoàn trưởng, sĩ quan điều khiển và 3 trắc thủ là trắc thủ góc tà, trắc thủ góc phương vị, trắc thủ cự ly. Trên cương vị của mình, Tiểu đoàn trưởng xác định mục tiêu, quyết định cách đánh, hạ quyết tâm và lệnh thực hành; sĩ quan điều khiển thực hiện lệnh của tiểu đoàn trưởng; trắc thủ góc phương vị điều khiển góc phương vị của đài phát sóng theo góc của mục tiêu; trắc thủ cự ly xác định tọa độ cự ly giữa đài điều khiển và mục tiêu; trắc thủ góc tà điều chỉnh góc tà của đài phát sóng theo góc của mục tiêu. Như vậy, để tiêu diệt được mục tiêu, quan trọng nhất cần sự phối hợp ăn ý, hiệp đồng đồng bộ giữa 3 trắc thủ".

Ông Côn kể lại: "Ngày 17 - 12 - 1972, đơn vị cho một số thành viên trong kíp chiến đấu của chúng tôi về quê nghỉ tranh thủ 1 tuần để chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới. Trong kíp chiến đấu được nghỉ đó có tôi và anh Bùi Văn Tấn cùng ở xã Kim Xuyên. Tối 18 - 12, tôi và anh Tấn rủ nhau lên sân vận động của xã xem chiếu phim. Khoảng 19 giờ, bất ngờ tôi nhận được tin Mỹ dùng B52 đánh vào Hà Nội. Thời đó không có phương tiện liên lạc nên đơn vị không thể liên lạc được với chúng tôi. Nhận định tình thế cấp bách, tôi trao đổi nhanh với anh Tấn và thống nhất sáng sớm ngày hôm sau quay lại trận địa ngay. Thế là sáng sớm ngày 19 - 12, tuy đang trong thời gian nghỉ phép, tôi và anh Tấn lại khoác ba lô trở về đơn vị ngay".

Linh hoạt trong cách đánh B52

Ngay khi về đơn vị, ông Côn đã nhanh chóng vào kíp chiến đấu, cùng các đồng đội quyết tâm tiêu diệt B52. Mặc dù đã 40 năm trôi qua nhưng ông Côn vẫn nhớ tường tận từng đặc điểm, đường bay của B52. "Thằng B52 nó khôn lắm. Chúng bay từ Thái Lan vào để hạn chế hỏa lực của quân ta. Để đánh Hà Nội, chúng lấy Ba Vì, Tam Đảo làm điểm chuẩn. Máy bay B52 thường bay ở độ cao 12 km. Khi cần bỏ bom, chúng hạ thấp độ cao tầm 9 km. Những "pháo đài bay" của chúng cứ tưởng rằng quân ta không thể tiêu diệt được nên chúng cứ nghênh ngang tiến vào Hà Nội". "Khi đánh B52, các bác có  sợ không?", chúng tôi hỏi. "Trong thời gian luyện tập các phương pháp đánh, chúng tôi có phần lo lắng bởi sức mạnh của B52, nhưng được cấp trên động viên và sau một vài lần giáp mặt với địch, các anh em trong kíp chúng tôi thấy nó không đáng sợ như tưởng tượng ban đầu", ông Côn chia sẻ.

B52 của Mỹ chỉ đánh ban đêm, tuy nhiên, không vì thế mà ban ngày kíp chiến đấu của ông Côn nghỉ. Trong cách đánh B52, thời gian từ khi phát hiện đến lúc bấm nút phóng tên lửa thời gian chỉ được tính bằng giây, có những trận đánh chỉ trong 40 giây nên tất cả các trắc thủ phải nhanh, chấp hành nghiêm mệnh lệnh của chỉ huy. Trận đánh gây ấn tượng nhất đối với ông Côn chính là trận tiêu diệt "pháo đài bay" B52 vào đêm 20-12-1972. Ông Côn cho biết: 19 giờ 45, Tiểu đoàn 93 được lệnh chuyển trạng thái cấp 1. Sau khi kiểm tra khí tài, toàn kíp chiến đấu đã sẵn sàng. Sĩ quan điều khiển Hoàng Đức Vịnh mở máy thu kiểm tra nhiễu thấy có nhiều dải nhiễu phức tạp, xác định có khả năng đây là tốp máy bay B52 bèn lập tức báo cáo về sở chỉ huy của Trung đoàn. Trung đoàn liền giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 93 lập tức tiêu diệt mục tiêu. Lúc này, Tiểu đoàn trưởng cho đài phát sóng để phát hiện mục tiêu nhưng không thấy. Ông Côn cùng 2 trắc thủ khác nhanh chóng thống nhất dải nhiễu, xác định phần tử mục tiêu ổn định nằm trong phạm vi cho phép phóng. Tiểu đoàn trưởng lệnh cho phóng 2 quả đạn ở cự ly 32 km và 29 km, phương vị 325 độ, tuy nhiên mục tiêu chưa bị diệt. Được sự giúp đỡ của trợ lý Phòng Tên lửa quân chủng, kíp chiến đấu bắn “bồi” thêm 1 quả nữa ở cự ly 20 km, phương vị 300 độ, B52 bốc cháy trên bầu trời, rơi tại Yên Thường, Yên Viên (Gia Lâm - Hà Nội). Trận đánh đã sử dụng phương pháp “vượt nửa góc”, tức là khi còn bám mục tiêu B52 thì giữa quả tên lửa của ta và mục tiêu là một góc. Đến điểm góc bằng không là tên lửa đã bắn được B52. “Vượt nửa góc” nghĩa là quả tên lửa của ta điều khiển lên sao cho phải luôn luôn đón trước nửa góc với mục tiêu. Khi đến điểm bằng không là tên lửa tự động bắn mục tiêu.

Trong chiến dịch 12 ngày đêm, Tiểu đoàn của ông Côn đánh 19 trận, bắn rơi tại chỗ 3 máy bay. "Đánh được B52 sướng lắm, nhất là mỗi khi nhìn thấy tên lửa của ta bắn trúng mục tiêu khiến những chiếc B52 của Mỹ bốc cháy trên bầu trời", ông Côn cho biết. Với những thành tích đạt được, ông Côn được Sư đoàn tặng Bằng khen.

Sau năm 1972, ông Côn tiếp tục trải qua một số cương vị khác nhau, nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành. Năm 1999, ông Côn về hưu sau khi hoàn thành nhiệm vụ của một giáo viên khoa xạ kích - tên lửa của Học viện Phòng không - Không quân với quân hàm Thiếu tá.

NGUYỄN MẪN - THẠC HIẾU

(0) Bình luận
Nghe trắc thủ kể chuyện đánh B52