"Con đường nghệ thuật không có đỉnh nên càng giành được danh hiệu cao quý, mình lại càng phải nỗ lực" - Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thái cho biết.
Nghệ sĩ Trịnh Thái (quỳ) trong vở “Đạo học”, vở kịch đã làm nên tên tuổi ông
Là một trong hai nghệ sĩ đầu tiên của Hải Dương vừa được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), nghệ sĩ Trịnh Thái, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật và Tổ chức biểu diễn tỉnh nói: “Con đường nghệ thuật không có đỉnh nên càng giành được danh hiệu cao quý, mình lại càng phải nỗ lực”.
Trai phố cổ mê kịch
Gần trọn cuộc đời cống hiến cho sự phát triển của nghệ thuật tỉnh nhà, đến nay, NSND Trịnh Thái coi quyết định chọn con đường này như một cái duyên.
Nếu nói xuất thân, ông thuộc diện con nhà có điều kiện, là độc đinh của gia đình có truyền thống kinh doanh ở phố Hàng Lọng (phố Tuy An, TP Hải Dương ngày nay). Vì thế, khi tiếp xúc với ông ngoài đời hay trong vở diễn vẫn thấy ở Trịnh Thái cái chất phong lưu, lãng tử của trai phố cổ.
Vốn có năng khiếu ca hát, ngay từ nhỏ nghệ sĩ Trịnh Thái đã nhiệt tình tham gia phong trào văn nghệ ở trường. Năm 1971, vào quân ngũ ông lại tích cực tham gia các tiết mục văn nghệ của đơn vị, rồi mê kịch lúc nào không hay.
Năm sau, ông quyết tâm thi vào Trường Trung cấp Nghệ thuật quân đội, đến năm 1973 được tuyển vào đoàn Tổng cục Hậu cần và bắt đầu hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Cha mẹ không đồng ý, vì họ muốn người con trai duy nhất nối nghiệp kinh doanh của gia đình.
Ông đã phải mất rất nhiều thời gian thuyết phục, các cụ mới bằng lòng để con theo đuổi đam mê.
Năm 1980, ông quyết định chuyển công tác về đoàn kịch Hải Hưng, phần vì muốn phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già, phần vì muốn cống hiến cho quê hương.
Nói về bước ngoặt này, NSND Trịnh Thái bảo không hối tiếc vì xứ Đông vốn là cái nôi nghệ thuật và có “đất” để ông thể hiện khả năng. Quả nhiên, ngay từ thời mới về đoàn, Trịnh Thái đã là cái tên nổi bật.
Thời hoàng kim của kịch nghệ xứ Đông phải kể đến giai đoạn 1989 - 2000, Trịnh Thái luôn là tên tuổi được nhắc đến cùng thế hệ diễn viên tài năng như Xuân Ba, Thế Vinh, Trung Cường…
Những vở diễn kinh điển như Bỉ vỏ, Nàng Sita, Đạo học… đã đưa đoàn kịch “vượt cầu Long Biên” về làm mưa làm gió tại các sàn rạp ở Hà Nội - nơi được coi là thánh địa của kịch nói.
Không chỉ chinh phục khán giả Thủ đô, đoàn cũng đưa các vở đến sàn diễn ở Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Dù diễn ở đâu, đêm diễn nào rạp cũng chật kín khán giả.
Đó là thời điểm đoàn kịch nói của tỉnh làm nên hiện tượng trong đời sống sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc. Riêng nghệ sĩ Trịnh Thái, chính vai diễn nhà giáo Chu Văn An trong vở “Đạo học” đã giúp ông có được danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Đau đáu với nghề
Gần 40 năm làm nghề, kinh qua nhiều vị trí công tác, cũng là “thuyền trưởng” chèo lái đoàn kịch qua một số giai đoạn phát triển, nghệ sĩ Trịnh Thái bảo nhớ nhất là thời điểm năm 1991, khi chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, diễn viên đoàn kịch lũ lượt bỏ nghề.
Đoàn 30 người chỉ còn gần chục người, thu nhập bấp bênh, anh chị em nghệ sĩ phải làm thêm nghề tay trái kiếm sống, người làm xe ôm, người buôn gạo… Nghệ sĩ Trịnh Thái cũng phải đi buôn xe, buôn rượu để có tiền bám trụ với nghề.
“Thời ấy, khó khăn chất chồng. Đoàn ít người nên khi phải dựng vở mới thì ít nhân vật hoặc toàn phải kiêm nhiệm. Thế mà đoàn vẫn có vở đem đi biểu diễn đều, đúng là khó khăn nào rồi cũng qua”, NSND Trịnh Thái nói.
Nhắc đến theo nghề, ông bảo nghệ sĩ theo nghệ thuật truyền thống thời nào cũng có cái khó. Với lớp trẻ hiện nay, việc sống được bằng nghề cũng không đơn giản, nhất là khi sân khấu kịch đang èo uột. Vừa qua, không chỉ riêng Hải Dương mà các địa phương khác như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Nguyên… đoàn kịch đều phải sáp nhập.
Ông lo rằng sau khi sáp nhập thì "đất diễn" dành cho các diễn viên kịch càng ít, nghệ sĩ trẻ ít có cơ hội thể hiện, ít vở để trải nghiệm. Nếu không còn những buổi biểu diễn chính kịch, thay vào đó là biểu diễn tạp kỹ thì người trẻ dù có đam mê đến mấy cũng khó mà bám trụ với nghề.
“Tôi biết nhiều lứa học trò của tôi dù có khả năng nhưng hiện có người còn phải làm thêm MC đám cưới để kiếm sống. Nhưng tôi muốn nói với họ rằng theo nghề, phải kiên trì, bỏ mồ hôi có khi là nước mắt mới thành danh được”, ông chia sẻ.
Bản thân mình, dù đã ngót chục năm nghỉ hưu nhưng ông vẫn thường xuyên tham gia dựng vở, động viên thế hệ trẻ tiếp tục làm nghề. Ông còn tham gia làm diễn viên phim truyền hình…
Có những niềm đam mê mới nhưng ông vẫn dành riêng cho kịch một tình cảm trọn vẹn, bởi với ông sân khấu kịch là thánh đường mà không phải người nghệ sĩ nào cũng đủ tài năng để đứng trên đó.
Thế nên, khi được phong tặng danh hiệu NSND, ông bảo: "Có được vinh dự này cũng là công lao của đồng nghiệp và nhân dân Hải Dương, chính họ đã cho tôi cơ hội để đạt được danh hiệu cao quý này. Nghệ thuật vốn không có đỉnh, nên từ đây tôi càng phải rèn luyện, tu dưỡng có thể truyền dạy cho lớp trẻ, xây dựng sân khấu Hải Dương xứng tầm với sự phát triển chung của sân khấu kịch trên cả nước".
HUYỀN ANH
Nghệ sĩ Trịnh Ngọc Thái (nghệ danh Trịnh Thái, sinh năm 1950). Ông đã giành tổng cộng 9 huy chương vàng và 1 huy chương bạc tại các liên hoan sân khấu toàn quốc và khu vực. Gần đây nhất, phải kể đến huy chương vàng Liên hoan sân khấu toàn quốc năm 2004 với vai Đức Hoài trong vở “Nốt nhạc cuối cùng” và vai ông Bằng trong vở “Giải tỏa” năm 2009. Ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào tháng 8 vừa qua. |