Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Mơ và duyên nợ với chèo

21/09/2019 18:07

Được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) ở tuổi 66, nghệ sĩ Thúy Mơ, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Chèo tỉnh coi đó là thành quả cả đời bà đã cống hiến hết mình với nghệ thuật.


Nghệ sĩ Thúy Mơ là một trong hai nghệ sĩ đầu tiên của tỉnh được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân

Bước ra từ chiếng chèo không chuyên

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nằm ngay cạnh Nhà hát Chèo tỉnh, NSND Thúy Mơ khiến người đối diện phải ngạc nhiên vì bà trẻ hơn nhiều so với tuổi. Tấm bằng vinh danh NSND vừa nhận, bà để trang trọng trong phòng khách.

Bà sinh ra trong gia đình có “máu” nghệ thuật, cha vốn là diễn viên nghiệp dư của đoàn văn công thuộc xã Tiên Động (Tứ Kỳ), nhưng cụ mất sớm khi con gái Thúy Mơ mới lên 6 tuổi. Cuộc sống thiếu cha, kinh tế gia đình một vai mẹ gánh vác nên tuổi thơ của bà gắn liền với nhiều khốn khó. Thế mà cả 3 chị em trong nhà đều mê chèo.

Năm 1971, bước ngoặt đến với Thúy Mơ khi bà biểu diễn trong hội diễn văn nghệ quần chúng của huyện Tứ Kỳ. Dù đã quen nghe Thúy Mơ hát chèo nhưng người dân xã Tiên Động khi ấy vẫn bất ngờ với hình ảnh anh bộ đội trẻ bước ra trong vở “Lá thư đầu”. Chỉ khi Thúy Mơ cất tiếng hát trong veo, ngọt lịm, người dân mới ồ lên nhận ra bà. Sau vở diễn ai cũng xuýt xoa mãi về anh bộ đội xinh trai, hát hay còn Thúy Mơ thì lọt vào mắt xanh của các cán bộ Ty Văn hóa Hải Hưng. Ngay sau buổi biểu diễn, Đoàn chèo Phú Hải cử cán bộ về tận nhà để nghe Thúy Mơ hát. Bà chỉ vừa cất nhịp hát bài đầu tiên đã chinh phục được mọi người. Từ đây, Thúy Mơ chính thức về đầu quân cho đoàn chèo của tỉnh.

Vai diễn đầu tiên bà được giao là Kan Bé trong vở “Dòng máu nghĩa tình” do tác giả Ngọc Phúng chuyển thể đã tạo ngay ấn tượng với khán giả. Sau đó, hai Đoàn chèo Phú Hải và Long Hưng sáp nhập, mặc dù có nhiều diễn viên khá chững chạc nhưng Thúy Mơ vẫn luôn được đạo diễn chọn vào vai chính. Với tài năng diễn xuất giọng hát hay, Thúy Mơ thể hiện một loạt các vai chính tạo được dấu ấn như Cúc Hoa trong “Tống Chân Cúc Hoa”, chị Bưởi trong “Hương Bưởi” hay Ỷ Lan trong “Nhiếp chính Ỷ Lan”… Hay những vai diễn làm nên tên tuổi Thúy Mơ như cô Làn trong “Câu chuyện làng Nhân”, cô Bến trong “Ni cô Đàm Vân”. 

Đau đáu với chèo

Thành công với nghề là thế nhưng ít ai biết để bám trụ với nghề bà đã trải qua nhiều vất vả. Thúy Mơ lấy chồng năm 1972 nhưng ông bà lại không được ở gần nhau. Chồng làm ở Tứ Kỳ, bà ở một mình trong khu tập thể của đoàn chèo. 3 người con lần lượt sinh ra cứ 2 tháng tuổi đã phải cai sữa, mẹ đi diễn ở đâu, con theo đến đó. Con được 7 tháng tuổi bà phải gửi về quê để chồng nuôi. Năm 1983, gia đình bà mới chính thức được đoàn tụ. Cũng như những gia đình nghệ sĩ nghèo khác, gia đình Thúy Mơ phải làm thêm nhiều nghề mưu sinh nhưng bà chưa từ bỏ một vai diễn nào. Những năm tháng đoàn chèo đi biểu diễn phục vụ quân và dân ta ở mặt trận Đông Hà (Quảng Trị) hay sau này đi phục vụ đồng bào vùng kinh tế mới Tây Nguyên… không buổi nào bà vắng mặt. 37 năm công tác, tên tuổi Thúy Mơ đã cùng các nghệ sĩ của Đoàn chèo Phú Hải, sau là Đoàn chèo Hải Dương, rồi Nhà hát Chèo Hải Dương đưa nghệ thuật chèo tỉnh nhà phát triển. Trước khi về hưu năm 2008, bà có hơn 3 năm giữ vai trò Phó Giám đốc Nhà hát Chèo tỉnh.

Dù đã nghỉ hưu nhưng NSND Thúy Mơ vẫn chưa khi nào thôi đau đáu với chèo. Bà bảo: “Nghệ thuật truyền thống bây giờ khó có chỗ đứng, giới trẻ cũng quay lưng với chèo” nên còn sống ngày nào bà vẫn tận tâm dạy dỗ lớp trẻ ngày ấy. Hiện bà có Câu lạc bộ Đàn hát dân ca, Câu lạc bộ Chèo Tâm Đức và lớp chèo cho người khiếm thị… Câu lạc bộ của bà quy tụ những người yêu chèo, thường xuyên đi biểu diễn miễn phí phục vụ người nghèo. Với bà, nghệ thuật không có chỗ cho sự lười nhác nên những ai đã yêu chèo, học chèo, bà đều dặn dò phải học và làm cho nghiêm túc. Vì thế, 3 người con chọn đi theo con đường nghệ thuật đến nay cũng đều thành danh. Nhất là người con cả Nghệ sĩ Ưu tú Minh Phương ngay từ rất sớm đã là gương mặt triển vọng của chiếng chèo xứ Đông, nay chị là Trưởng đoàn ca nhạc dân tộc, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam. Còn với NSND Thúy Mơ, bà tâm sự: “Cả cuộc đời đã cống hiến hết mình, sống trọn vẹn với chèo nên đến giờ tôi không có gì phải hối tiếc”.

HUYỀN ANH

Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Mơ tên thật là Nguyễn Thị Thúy Mơ, sinh năm 1953, tại thôn Quan Lộc, xã Tiên Động (Tứ Kỳ). Bà bắt đầu công tác tại Đoàn chèo Phú Hải (tiền thân của Nhà hát Chèo Hải Dương) năm 1971. Với những cống hiến cho nghệ thuật bà được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú năm 1993. Tháng 9 vừa qua, bà là một trong hai nghệ sĩ đầu tiên của Hải Dương được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân. 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Mơ và duyên nợ với chèo