Nghệ nhân trẻ làm rạng danh làng nghề

30/04/2013 13:18

Với sự đam mê nghề truyền thống của cha ông, những người thợ trẻ của các làng nghề đã tiếp nối cha ông để sáng tạo ra những sản phẩm đặc sắc...


Anh Đào Văn Mão bên bức tranh chạm khắc gỗ “Hồn quê”

Tiếp nối cha ông


Một ngày cuối tháng tư lịch sử, chúng tôi tìm về xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) để gặp nghệ nhân trẻ nhất trong số 12 nghệ nhân vừa được UBND tỉnh vinh danh - đó là anh Lê Hoàng Hà. Không khó để chúng tôi tìm đến 2 cửa hàng vừa là nơi sản xuất vừa là nơi kinh doanh giày dép của vợ chồng anh ở khu vực Quán Trắm ven quốc lộ 37. Sinh năm 1977, khi mới 14 tuổi, theo sự giới thiệu của người làng, anh đã vào tận Sài Gòn làm thuê cho công ty đóng giầy của nghệ nhân nổi tiếng Vũ Văn Chầm (người cùng làng và cũng là người con thành công nhất của làng nghề đóng giầy Hoàng Diệu). Với sự chăm chỉ, lại được nghệ nhân Vũ Văn Chầm chỉ bảo tận tình, Lê Hoàng Hà đã nhanh chóng nắm bắt được tất cả các công việc để làm ra một đôi giầy.

Sau 6 năm học nghề, năm 1996, anh Hà trở về quê lập nghiệp. Ban đầu, anh Hà mở cơ sở sản xuất giày ngay tại nhà. Ngày đó, ở Hoàng Diệu rất ít người làm hoàn chỉnh các khâu của quy trình đóng giày. Anh Hà cho biết: “Để có thể cạnh tranh được với các sản phẩm giày trên thị trường, đòi hỏi người thợ như tôi phải nắm bắt xu hướng tiêu dùng của khách hàng để thiết kế ra những mẫu giày mang phong cách hiện đại, hợp thời trang. Mẫu giày phải vừa tinh tế, mềm mại, vừa bảo đảm bền, đẹp. Với những tiêu chí như thế nên tôi đặc biệt quan tâm việc thiết kế mẫu giày. Năm 2012, mẫu giày tây nam của tôi đã được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Hiện nay, tôi đang nghiên cứu để mở rộng hơn nữa việc sản xuất, kinh doanh, trước mắt có thể giải quyết việc làm cho 100 lao động địa phương. Qua đó, góp phần cùng những người thợ khác ở Hoàng Diệu tiếp tục làm rạng danh nghề truyền thống của cha ông để lại”. Hiện nay, anh Hà là Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày của tỉnh. Với những đóng góp quan trọng trong việc phát triển làng nghề đóng giày Hoàng Diệu, anh Hà vừa được UBND tỉnh phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nghề thiết kế mỹ thuật giày da”.

Ngược về làng chạm khắc gỗ Đông Giao, xã Lương Điền (Cẩm Giàng), chúng tôi đến xưởng chạm khắc gỗ Chính Mão của nghệ nhân Đào Văn Mão. Điều khiến chúng tôi thực sự ấn tượng là hàng trăm bức tranh, lọ lục bình, tượng, con giống... bằng gỗ do những người thợ làm ra. Ngay từ nhỏ, Đào Văn Mão đã được các bậc cha chú truyền dạy nghệ thuật chạm khắc gỗ. Anh Mão sinh năm 1975, khi 22 tuổi anh lấy vợ rồi tách ra mở xưởng làm ăn riêng. Không đi theo các sản phẩm truyền thống của cha ông như: bệ tủ, lèo tủ, giường, hàng gia dụng... anh Mão làm tượng, con giống, tranh, ảnh, lọ lục bình... để xuất khẩu. Anh Mão cho biết: “Chạm khắc gỗ là một nghề thủ công đặc biệt, nó không đơn thuần chỉ mang ý nghĩa về giá trị kinh tế mà nó còn mang giá trị về văn hoá, nghệ thuật. Nếu là họa sĩ vẽ trên giấy, khi không ưng ý hoặc có sai sót có thể tẩy, xóa hoặc khắc phục khiếm khuyết dễ dàng nhưng làm tranh ảnh, lục bình và các loại con giống bằng gỗ, chỉ cần sai sót nhỏ là vứt đi cả một cây gỗ quý. Làm tranh gỗ đòi hỏi người thợ phải tính toán hết sức chi li, tỉ mỉ từng đường đục đẽo để tránh sai sót”. Giờ đây, nhắc đến nghệ nhân Đào Văn Mão, nhiều khách hàng nhớ ngay đến các tác phẩm như: "bình hoa tứ quý", "bình hoa tứ linh", "sơn thủy", "đồng quê", "làng quê", "hồn quê"...với những đường nét tinh hoa, đậm nét văn hóa làng quê, cốt hồn dân tộc, không lẫn với các nghệ nhân khác. Tác phẩm “Bức tranh hồn quê” do anh Mão thực hiện vừa được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Anh Mão cũng vừa được UBND tỉnh phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ”.

Tiếp tục truyền nghề

Sau nhiều năm chịu khó làm ăn, đến nay vợ chồng anh Hà đã  mua được 2 mảnh đất với diện tích 450 m2 ven quốc lộ 37 ở khu vực Quán Trắm để vừa làm cơ sở sản xuất, vừa làm cửa hàng kinh doanh giày, dép da các loại. Hiện nay, cơ sở sản xuất giày da Hà Hằng, do anh Hà làm chủ tạo việc làm cho 50 lao động, với thu nhập gần 6 triệu đồng/ người/tháng. Mỗi năm, cơ sở Hà Hằng sản xuất và cung cấp cho thị trường khoảng 75 nghìn đôi giày, dép da, doanh thu đạt 12 tỷ đồng. Cùng với việc tích cực sản xuất, kinh doanh, anh Hà đang tiếp tục theo đuổi công việc của bao thế hệ cha ông đi trước, đó là truyền dạy kỹ thuật làm giày da cho anh em, người thân trong làng. Anh Hà tâm sự: “Cha ông đi trước đã truyền dạy nghề và cho tôi được như ngày hôm nay. Do đó, tôi thấy mình có trách nhiệm phải tiếp tục truyền dạy nghề thiết kế và đóng giày cho những người khác trong làng để làm cho nghề đóng giày Hoàng Diệu sẽ ngày càng phát triển hơn”.


Anh Lê Hoàng Hà vẽ thiết kế mẫu giày

Không chỉ làm giàu cho bản thân, cơ sở sản xuất của anh Đào Văn Mão còn tạo việc làm cho 10 lao động với mức thu nhập từ 6 - 12 triệu đồng/người/tháng. Anh Mão chia sẻ: “Ngay từ khi xây dựng và ra làm ăn riêng, xưởng của tôi luôn giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động. Với hình thức cầm tay chỉ việc, tôi đã đem tất cả những gì mình học hỏi được từ cha ông, kinh nghiệm từ nhiều năm làm nghề để chỉ bảo cho họ. Những người thợ của tôi hiện nay đều rất lành nghề và có kỹ thuật chạm khắc gỗ cao. Thời gian tới, nếu có điều kiện, tôi sẽ tiếp tục mở rộng xưởng sản xuất để tuyển thêm thợ vào làm và dạy nghề cho họ”.


Có thể khẳng định, những nghệ nhân trẻ như anh Mão, anh Hà đã và đang góp phần tiếp tục làm rạng danh nghề truyền thống của cha ông. Việc được UBND tỉnh phong tặng danh hiệu nghệ nhân là nguồn cổ vũ, động viên to lớn với các anh; đồng thời sẽ tạo động lực để những người thợ trẻ tài hoa của các làng nghề truyền thống vươn lên.

VŨ ÚY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghệ nhân trẻ làm rạng danh làng nghề