Các nghệ nhân, thợ lành nghề ở làng mộc Đông Giao, xã Lương Điền (Cẩm Giàng) đã tích cực nắm bắt thị hiếu khách hàng, cải tiến sản phẩm để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Thợ chính tại làng mộc Đông Giao có thu nhập từ 20-30 triệu đồng/tháng
Đến nhà nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp Vũ Văn Đức, chúng tôi thấy ông đang miệt mài đục, gọt cánh hoa, nhụy hoa trong chiếc giỏ hoa bằng gỗ hương do ông tự nghĩ ra mẫu và thực hiện. Chiếc giỏ hoa cao 45 cm, đường kính khoảng 50cm với những đường nét tinh xảo, phù hợp trang trí ở phòng khách, phòng làm việc, những nơi sang trọng.
Nghệ nhân Vũ Văn Đức theo nghề từ năm 15 tuổi, đến năm 20 tuổi ông đã có trong tay xưởng mộc riêng với số lượng thợ phụ, học việc có lúc lên đến 20 người. Từng đưa thợ đi dạy nghề tại Lào, nhận việc ở Đồng Kỵ (Bắc Ninh), ông Đức đã đào tạo, dạy nghề mộc truyền thống cho hàng chục học trò, nhiều người sau đó đã được công nhận là nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp.
Thời gian gần đây, do cao tuổi nên ông Đức không còn nhận dạy học trò, chỉ duy trì xưởng sản xuất để thực hiện các sản phẩm thủ công mỹ nghệ vì tình yêu với nghề. Sản phẩm giỏ hoa gỗ được ông bắt đầu làm cách đây vài năm, đến nay là một trong những sản phẩm bán chạy tại cửa hàng của gia đình. "Mỗi chiếc giỏ hoa gỗ tôi bán từ 4,5-5,5 triệu đồng. Cứ làm ra sản phẩm nào hết sản phẩm đó, nhiều người đặt hàng nhưng không kịp làm", ông Đức nói. Hiện ông Đức có thu nhập mỗi tháng từ 10-15 triệu đồng.
Anh Đăng chỉnh sửa, hoàn thiện sản phẩm tượng Phật
Cơ sở sản xuất đồ gỗ Hải Đăng của gia đình anh Vũ Đình Đăng (sinh năm 1970) bày hàng trăm sản phẩm tranh, tượng gỗ với nhiều chủ đề quen thuộc trong văn hóa Việt như tứ linh, tứ quý, 12 con giáp, các vị Phật... Năm 20 tuổi, anh Đăng đã mở xưởng gỗ ở TP Hồ Chí Minh, cung cấp bàn ghế, tranh, tượng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Giai đoạn sau này lượng gỗ tự nhiên ngày càng khan hiếm, khó sản xuất và xuất khẩu hàng loạt, anh về quê mở xưởng.
Theo anh Đức, vài năm gần đây nhiều khách hàng ưa chuộng các sản phẩm tượng Phật bằng gỗ cao từ 3-4 m để phục vụ nhu cầu tâm linh, khác với trước kia các tượng chỉ cao từ 2 m trở xuống. Mỗi năm cơ sở này bán được từ 3-4 tượng Phật với kích thước "khủng". Cũng do gỗ thịt hiếm hơn, các nghệ nhân Đông Giao đã dựa theo dáng gỗ nguyên gốc khai thác được trong tự nhiên để tạo ra các sản phẩm "độc", hút khách nhờ sự tinh xảo, bắt mắt. Mỗi năm, cơ sở của gia đình anh Đăng bán từ 200-300 sản phẩm trang trí đủ loại với doanh thu từ 5-10 tỷ đồng, thu lãi từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
Giỏ hoa gỗ hương là một trong những sản phẩm bán chạy nhất tại cơ sở của ông Đức
Ông Vũ Hữu Vịnh, Trưởng thôn Đông Giao cho biết cả thôn hiện có khoảng 1.000 hộ với hơn 4.000 khẩu, trong đó có 95% số hộ làm nghề mộc. Nhiều hộ sản xuất, kinh doanh đạt doanh thu từ 10-20tỷ đồng/năm, thợ chính thu nhập từ 20-30 triệu đồng/tháng, thợ phụ từ 5-6 triệu đồng/tháng. Nhờ đổi mới sản phẩm, thích ứng với thị trường nên những người thợ tài hoa ở Đông Giao đã phát triển được nghề truyền thống, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
BÌNH AN