Cầm kim thêu từ khi còn nhỏ, với 93 tuổi đời, cụ Phạm Văn Hiển là "báu vật" sống nắm giữ những bí kíp nghề. Bằng tâm huyết cụ đã truyền nghề cho hàng trăm học trò.
Mặc dù tuổi cao, nghệ nhân Phạm Văn Hiển vẫn đau đáu mong muốn truyền nghề cho thế hệ kế cận
"Báu vật" sống“Mong muốn duy nhất của tôi lúc này là được địa phương quan tâm mở lớp để có thể truyền thụ lại hết những kỹ năng nghề thêu cho các thế hệ kế cận chứ nếu mất nghề thì nuối tiếc lắm”. |
|
Chúng tôi tìm về làng thêu Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) khi nghe tin cụ Phạm Văn Hiển cùng 3 người ở địa phương được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Tuổi đã cao, bước đi không còn vững song cụ vẫn rưng rưng xúc động lấy tấm bằng nghệ nhân do Chủ tịch nước phong tặng khoe chúng tôi.
Sinh năm 1923 trong một gia đình nghèo, cụ Hiển sớm phải nếm trải những cơ cực của cuộc đời. Cha đi làm phu mỏ ở Vàng Danh (Quảng Ninh) bị chủ đánh đập ốm chết, cậu bé Hiển và các em dại phải về quê nương nhờ bà ngoại. Chưa đầy chục tuổi, cậu bé Hiển phải đi chăn trâu, giã gạo thuê kiếm miếng ăn. Thấm thía cái đói, cái khổ, gần 10 tuổi, được gia đình cho đi phụ việc ở cửa hàng thêu trong làng, cậu quyết tâm học thật giỏi để có nghề kiếm sống. Chăm chỉ, ham học hỏi nên chỉ sau 2 năm cậu đã thông thạo nghề. Không hài lòng, cậu rời quê xuống Hải Phòng xin vào làm thêu cho các cửa hàng vừa kiếm sống, vừa học thêm. Cụ Hiển nhớ lại: “Hơn chục tuổi, tôi rong ruổi khắp thành phố Cảng, cứ thấy cửa hàng thêu nào nổi danh bèn xin vào làm thuê, phụ việc để học lỏm. Hết Hải Phòng, tôi lại lên Hà Nội đến phụ việc tại hàng chục cửa hàng của những bậc thầy nghề thêu như ông Cả Nhu, ông Hai Cốc, ông Hải, ông Ba Tụ…”.
Sau này, nghề thêu trầm lắng, cụ đến các tiệm may nhận thêu những chỗ rách, thủng trên quần áo cho khách. Chỉ bằng chiếc kim, sợi chỉ, dưới bàn tay của cụ, chỗ rách, thủng biến mất không còn dấu tích. Lại có thời kỳ, cụ xin vào thêu quần áo diễn viên cho gánh hát Tây Thi.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, cụ về quê tham gia kháng chiến chống Pháp, dùng chính nghề thêu để hoạt động và xây dựng cơ sở trong vùng địch hậu. Hòa bình lập lại, cụ trở thành cán bộ nghiệp vụ cho Công ty Ngoại thương Hải Dương. Trong thời gian công tác ở đây, cụ có công đưa các sản phẩm thêu thủ công truyền thống của Việt Nam ra thị trường quốc tế. Cụ Hiển nhớ lại: "Khoảng những năm 1960, trong một đợt quán triệt nghị quyết thấy đề cập đến chủ trương khai thác các nguồn hàng cho xuất khẩu, nghĩ đến nghề thêu, tôi sung sướng thốt lên: “Đây rồi”. Sau đó, tôi trình bày và thuyết phục lãnh đạo về ý tưởng đưa sản phẩm thêu thủ công ra nước ngoài. Lúc đầu, tổ chức cũng e ngại nhưng khi tôi phân tích thiệt hơn và biết tôi là người trong nghề nên họ đồng ý”.
Thế là cụ Hiển lóc cóc đạp xe tìm về quê, tìm lại các cơ sở thêu trên địa bàn tỉnh ngày trước mình từng làm việc để chắp mối. Cụ mang mẫu xuống từng cơ sở đặt hàng, trực tiếp cầm kim thêu mẫu hướng dẫn. Khi các sản phẩm hoàn thiện chuyển về, cụ trực tiếp đánh giá chất lượng và nghiệm thu. Các sản phẩm tranh thêu, hàng thổ cẩm, thảm trải giường, khăn phủ bàn… của Hải Dương được bạn hàng các nước Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, Ý... rất ưa chuộng.
Tâm huyết truyền nghềVới kinh nghiệm bậc thầy, cụ trực tiếp mở nhiều lớp truyền nghề thêu cho lớp thợ trẻ ở Hải Dương và Quảng Ninh. Cụ chọn những người biết nghề rồi trực tiếp dạy theo cách vừa hướng dẫn, vừa uốn nắn từng đường kim mũi chỉ và truyền thụ những bí quyết từng môn thêu. Dưới sự giám sát của cụ những lớp thợ này lại truyền nghề cho những người khác. Cụ bà Nguyễn Thị Quế, vợ cụ cũng là một trong những học trò đã được cụ truyền nghề như vậy. Sau này, cụ bà trở thành thợ giỏi có tiếng, tổ trưởng một tổ thêu hàng xuất khẩu hơn 10 người. Cụ Hiển khoe: “Giờ tôi đi khắp Quảng Ninh hay Hải Dương, đâu cũng gặp học trò ngày xưa”.
Nay dù tuổi cao nhưng nói đến nghề thêu, ngọn lửa đam mê vẫn cháy bùng dữ dội trong người nghệ nhân ấy. Cụ bảo, thêu cũng có nhiều chuyên ngành như thêu thổ cẩm, thêu ren, thêu trắng, thêu màu, thêu đối trướng, thêu tranh… Ở mỗi thể loại, ngoài nắm vững kỹ thuật thêu, người thợ phải có con mắt thẩm mỹ, bàn tay khéo léo, tài hoa mới có được sản phẩm chất lượng. Khi mở các lớp truyền nghề, cụ Hiển chắt chiu kiến thức nghề thêu cả đời học được để soạn thành giáo án giảng dạy cho học trò. Cuốn giáo án bao gồm 8 môn thêu cơ bản như căng khung, vắt thép, tay kim, thêu, vận, đột mũi, pha màu… Cụ bảo đây là những kỹ thuật thêu cơ bản mà bất kỳ người thợ học nghề thêu nào cũng phải biết. Rồi cụ lấy kim thêu làm mẫu cho chúng tôi động tác nhập môn...
Trong cuộc đời, cụ Hiển đã tự tay thêu hàng trăm bức tranh thêu phong cảnh, truyền thần, chân dung.... Nổi tiếng là 3 bức chân dung Hồ Chủ tịch ở tư thế đứng vẫy tay chào. Cụ Hiển bảo: "Tôi coi Bác là người thầy vĩ đại, bởi vậy từ khi còn công tác, tôi đã ấp ủ thêu chân dung Người".
Về hưu, cụ Hiển lại mang những bí quyết nghề thêu mình học được truyền thụ lại cho các lớp thợ kế cận của địa phương. Hễ ai cần học nghề hay hỏi han kỹ thuật cụ đều chỉ bảo đến nơi đến chốn. Trong làng có mấy xưởng thêu, mỗi bận gặp phải mẫu hàng khó họ lại chạy đến nhờ cụ chỉ bảo. Tính đến nay, khi đã ở tuổi cửu thập, số lượng học trò được cụ Hiển hướng dẫn, trực tiếp và gián tiếp truyền nghề thêu vào khoảng 4.000 người.
Giờ tay kim đã không còn thuần thục nhưng cụ Hiển vẫn nhiệt tình chỉ bảo, truyền nghề mỗi khi có người đến xin học. Hiện điều khiến cụ còn trăn trở là vốn kỹ năng mạng, ren và hàng chục mẫu rua cụ còn đang nắm giữ mà chưa có cơ hội truyền thụ lại. Cụ tâm sự: "Tôi ngoài muốn giữ lấy nghề truyền thống của quê hương còn vì lúc nào cũng nung nấu lời Bác dặn: Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Mong muốn duy nhất của tôi lúc này là được địa phương quan tâm mở lớp để có thể truyền thụ lại hết những kỹ năng nghề thêu cho các thế hệ kế cận chứ nếu mất nghề thì nuối tiếc lắm.
NGỌC HÙNG