Nhờ có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội nên những năm qua, xã Thanh Quang (Nam Sách) đã phát triển được nhiều ngành nghề mới, tạo thêm việc làm cho người dân.
Nghề làm đậu phụ ở xã Thanh Quang phát triển, tạo thu nhập ổn định cho nhiều gia đình
Nghề làm hương xuất hiện ở xã Thanh Quang hơn 10 năm trước, nhưng chỉ 5 năm trở lại đây mới phát triển mạnh. Từ 1 hộ sản xuất hương nhỏ lẻ, đến nay xã có gần 10 hộ làm nghề, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Anh Trần Kim Cơ, chủ hộ sản xuất hương lớn nhất xã ở thôn Tống Xá cho biết, anh học được nghề này từ xã Quốc Tuấn bên cạnh. Trước đây, gia đình anh chỉ sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ nhu cầu của người dân địa phương. Đến năm 2012, thấy nhu cầu tăng, anh vay mượn thêm để mở rộng sản xuất. Xưởng làm hương của anh Cơ rộng hơn 1.000 m2 và có gần 20 máy làm hương, trị giá gần 5 tỷ đồng. Xưởng hương tạo việc làm cho hơn 20 lao động người địa phương, với thu nhập từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng.
Ở xã Thanh Quang, nghề làm bún, đậu, làm giò, chả cũng phát triển nhanh chóng. Toàn xã có hơn 10 hộ làm nghề này. Gia đình anh Mạc Chung Huy ở thôn Linh Khê có nghề làm đậu đã 27 năm. Mỗi ngày anh Huy sử dụng hơn 20 kg đỗ tương, làm được khoảng 300 chiếc đậu phụ.
Cùng với nghề làm hương, làm đậu thì sản xuất vôi cũng là một trong những thế mạnh của xã. Cả xã có 8 hộ làm nghề sản xuất vôi ở ven đê sông Kinh Thầy, mỗi lò tạo việc làm cho từ 10-15 lao động, thu nhập từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng. Dịch vụ vận tải của xã cũng phát triển, hiện có tới 18 đội vận tải và 2 hãng taxi. Các đội vận tải ngoài việc nhận chở hàng cho các địa phương lân cận thì còn vươn ra cả tỉnh ngoài.
Sau hơn 4 năm xây dựng nông thôn mới, xã Thanh Quang đã đạt 15 tiêu chí, trong đó, tiêu chí tỷ lệ người lao động có việc làm thường xuyên đạt cao, chiếm 90,18% số dân. Đây cũng chính là tiền đề, động lực để giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí còn lại.
Hiện nay, trên địa bàn xã có 5 doanh nghiệp và hơn 400 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh dịch vụ, thương mại. Riêng dịch vụ, thương mại chiếm tới hơn 50% tổng thu nhập hằng năm của xã. Xã hiện có 2.199 người ở trong độ tuổi lao động, trong đó 1.983 người có việc làm thường xuyên. Các lao động chủ yếu làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ngay trong xã. Lao động làm nông nghiệp chỉ còn chiếm hơn 10% tổng số dân. Ngoài lao động làm việc tại địa phương, xã còn có trên 500 người lao động ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Xuân Thảo, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Những năm trước đây, số lao động có việc làm thường xuyên tại xã thấp, chỉ hơn 70%. Các lao động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, thu nhập thấp. Từ khi xây dựng nông thôn mới, chúng tôi chú trọng thực hiện tiêu chí việc làm. Có việc làm, có thu nhập cao thì mới có điều kiện để thực hiện các tiêu chí cơ sở vật chất, văn hóa, thủy lợi… Năm 2014, xã đã đạt tiêu chí việc làm, thu nhập bình quân đầu người 24,5 triệu đồng/người/năm. Trong năm 2015, Thanh Quang phấn đấu đạt thêm tiêu chí thu nhập”.
Theo lãnh đạo địa phương, việc làm là tiêu chí “động”, thường xuyên bị thay đổi. Để giữ vững tiêu chí này, xã tiếp tục dành quỹ đất cho phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; làm tốt công tác tuyên truyền nhằm thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động...
TRẦN HIỀN