Hằng ngày có bao nhiêu tiếng rao hàng đi qua ngõ nhà tôi. Người bán mớ rau, con cá. Người mua giấy lộn, dép cũ, vỏ chai... To hơn là những chiếc tủ lạnh, ti-vi, quạt điện, bàn là bị cháy. Chỉ cần qua những tiếng rao, ta có thể hình dung được đời sống kinh tế thị trường đã ảnh hưởng đến nhịp sống của làng quê ra sao. Hầu như vật dụng sinh hoạt bình thường của mỗi gia đình đều có thể mua sắm trao đổi tại chỗ. Trừ những thứ đắt tiền như chiếc xe máy, chiếc ti-vi đời mới, người ta mới phải tìm đến phố xá xa hơn. Cũng từ những tiện lợi ấy, quanh những tiếng rao đã có bao chuyện vui buồn nơi làng xóm còn kể cho nhau nghe mãi. Người này đem tiền thật ra mua phải của giả. Người kia bán của thật lại lấy phải những đồng tiền giả... Người nông dân quen bới đất lật cỏ kiếm ăn. Nhìn vẻ ngoài thì như đang tiếp nhận ánh sáng văn minh thành thị, nhưng thực chất, người quê đang phải trả học phí đời mình nhiều nữa mới mong thích ứng được với nếp sống thị trường.
Những ngày đầu nghỉ hưu, ngồi nhà đọc sách, nghe tiếng rao tiếp nối nhau suốt cả chiều sớm, lòng thấy nao nao... Thời gian quen dần, những tiếng rao ấy đã trở thành nhịp thở đời sống của làng. Cứ tiếng này vừa đi khuất theo vòng quay của chiếc xe đạp lăn tròn, lại nghe tiếng khác bắt đầu. Những tiếng rao hàng ấy tự đến, tự đi. Gần đây lại xuất hiện thêm tiếng rao của cô hàng tóc. Cũng bóng một cô gái trên chiếc xe đạp chầm chậm lướt qua ngõ ngoài rồi khuất. Nhưng cái tiếng "Ai tóc dài bán không?" nó vương lại như những sợi tơ vương mãi bên lòng. Tiếp theo, những ngày sau cô gái mua tóc dài đều đặn cất tiếng rao qua ngõ... Thế là nỗi nhớ vơ vẩn về vẻ đẹp những mái tóc dài óng ả một thời qua đã trở lại trong tôi. Này là chiếc áo nâu non bó khít thân hình cao dỏng. Ngấn cổ cao trắng ngần càng tôn thêm suối tóc mây óng mượt chảy giữa hai bờ vai. Khuôn mặt không phấn son mà như trái thơm đang mọng chín. Nhiều chàng trai thị thành về thăm quê đã không dứt nổi để ra đi. Nhiều đám đã bén duyên nên chồng nên vợ. Nỗi lo lắng phập phồng của những trai quê đã được Nguyễn Bính nói hộ bằng lời thơ "Chân quê", mỗi khi có cô gái ra phố... Nhớ thời chín năm đánh Pháp, đội du kích Hoàng Ngân của những cô gái nổi tiếng phục kích tiêu diệt giặc ở đường 39 thuộc tỉnh Hưng Yên. Mỗi lần đánh trận xong trở về lại được các mẹ, các chị nấu cho nồi nước thơm bằng lá chanh, lá bưởi vườn nhà. Tắm gội xong, các cô lại ngồi thả mái tóc dài vừa gội ra hong trước gió làm nên vẻ đẹp mơ màng ngay giữa sống chết đạn bom... Đến cuộc chiến đấu chống Mỹ, hình ảnh "Đội quân tóc dài" vẫn còn thắm mãi trong câu hát mỗi khi nghe lại bài "Dáng đứng Bến Tre" - một nét đẹp thật riêng của người con gái Việt Nam được gợi lên với "Mái tóc dài"! Câu tục ngữ xưa "Hàm răng mái tóc là góc con người" chứng tỏ thêm thời gian đã thử thách và chọn lựa vẻ đẹp bền chặt ấy cho ta! Tôi lại nhớ tới nỗi đau của người con gái Pháp trong tiểu thuyết "Những người khốn khổ" của Vích-to Huy-gô khi phải bán hàm răng và mái tóc của mình để nuôi con. Nếu bây giờ giở trang sách kia đọc lại, lòng người vẫn còn chạm tới buồn đau... Giờ, chỉ cách nhau chừng hơn thế kỷ. Ở một nước phương Đông luôn trọng vẻ đẹp dịu dàng thầm kín. Nơi mãi tận những làng quê thanh bình, tôi ngồi nghe tiếng rao "Ai bán tóc dài" - nét đẹp của tâm hồn Việt trong tôi cũng đã trở thành hàng hóa bán mua. Chẳng biết mỗi mái tóc dài vô giá ấy đã bán được bao nhiêu tiền? Và những cô gái khi tự cắt mái tóc mình bán xong, đem những đồng tiền ấy mua sắm những gì? Có phút nào bâng khuâng tiếc nuối cái cảm giác những sợi tóc mơn man quen thuộc trên bờ vai, quanh vòng cổ ấm, buổi chiều sóng bước trên con đường quê ngược làn gió thổi tóc bay? Có người nghe tôi tâm sự chuyện này đã bật cười. Người ta trở trăn vì vận mệnh non sông đất nước... Ông đúng là mộng mơ "Đi tiếc những mái tóc dài!"...
Tản văn của Chử Văn Long