Ngày vui đoàn kết ở thôn sáp nhập

17/11/2022 11:19

Ở những thôn, khu dân cư sáp nhập, niềm vui Ngày hội Đại đoàn kết (ĐĐK) toàn dân được nhân lên gấp bội. Người dân đồng thuận vượt khó khăn, cùng nhau xây dựng quê hương giàu đẹp.


Sau khi sáp nhập, hiện khu Đồng Chấm chỉ còn 2 hộ nghèo, số người sinh con thứ ba cũng giảm

Nhân lên niềm vui

Hơn 10 năm trước về thôn Đồng Chấm, xã Tiền Phong, nay là thôn My Đồng, xã Hồng Phong (Thanh Miện) sau cơn bão, chúng tôi phải đi qua những cung đường đất vòng quanh, nhầy nhụa, trơn trượt. Đường vào thôn khi ấy chỉ hơn 2 km mà chúng tôi đi xe máy mất 30 phút, có đoạn phải dắt xe đi bộ. Thôn được hình thành từ trước năm 1945 trên bãi bồi phù sa của sông Luộc. Ở ngoài đê nên thôn khá tách biệt so với các thôn khác trong xã. Người Đồng Chấm thường nói vui với nhau “một con gà gáy cả 3 tỉnh đều nghe” bởi khu này tiếp giáp với các huyện Phù Cừ (Hưng Yên) và Quỳnh Phụ (Thái Bình). Giao thông cách trở khiến vùng đất màu mỡ của Đồng Chấm chưa được khai thác hiệu quả, đời sống người dân gặp không ít khó khăn.

Đồng Chấm nay đã khác, đường đất trơn trượt, sình lầy xưa đã được thay bằng đường bê tông rộng rãi. Năm 2019, ngay sau khi UBND tỉnh quyết định sáp nhập thôn Đồng Chấm với thôn My Động I thành thôn My Đồng thì tuyến đường liên thôn cũng được tu bổ, mở rộng từ 2,5 m lên 5 m.

Đồng chí Đào Nguyên Ngọc, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn My Đồng cho biết sau sáp nhập tỷ lệ hộ nghèo của địa phương giảm nhiều, riêng khu Đồng Chấm chỉ còn 2 hộ. Cả thôn My Đồng nay cũng chỉ còn 19 hộ nghèo. “Chúng tôi dự kiến tổ chức Ngày hội ĐĐK toàn dân vào ngày 18.11. Sau một thời gian gián đoạn bởi dịch Covid-19, đây là lần thứ hai địa phương tổ chức ngày hội này. Khi triển khai kế hoạch tổ chức Ngày hội ĐĐK, người dân háo hức muốn tham gia”, ông Ngọc nói.

Hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Tiền, thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) tập văn nghệ chuẩn bị cho Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân

Ngày 23.4.2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về sắp xếp, sáp nhập, chia tách các thôn, khu dân cư thành lập các thôn, khu dân cư mới trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh đã thành lập 164 thôn, khu dân cư mới (trong đó có 98 thôn, 66 khu dân cư) trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập 276 thôn, khu dân cư; chia tách 10 thôn. Như vậy, đến nay toàn tỉnh có hơn 1.300 thôn, khu dân cư. Từ khi thực hiện chủ trương này vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều thôn, khu dân cư mới sáp nhập hoặc chia tách mới tổ chức Ngày hội ĐĐK một lần và năm nay nhiều nơi mới thực hiện được lần thứ hai.

Ông Trần Văn Tuấn ở thôn Tiền, thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) cho biết khi chưa sáp nhập, khu dân cư số 20 vỏn vẹn có gần 50 hộ dân. Quỹ đất có hạn nên nhà văn hóa không xây dựng được. Mỗi khi khu có việc chung hay tổ chức các cuộc họp phải nhờ nhà dân. Ngày hội ĐĐK lúc chưa về thôn Tiền, khu 20 phải bắc rạp tổ chức ngoài đường. Đội văn nghệ không có nên cũng chỉ làm ngày hội qua loa, đại khái.  

Sau sáp nhập, ông Tuấn được tham gia Ngày hội ĐĐK đúng nghĩa. “Năm nay thôn Tiền tổ chức Ngày hội ĐĐK trang trọng. Chúng tôi ngoài gặp gỡ, tổ chức ăn uống đầm ấm còn giao lưu văn nghệ ở nhà văn hóa thôn”, ông Tuấn nói.


Người dân thôn Hà Tiên, xã Thái Dương (Bình Giang) mong sớm được quan tâm làm cây cầu mới để đi lại thuận tiện

Đoàn kết xây dựng quê hương

Sau khi sáp nhập 70 hộ của thôn Đồng Chấm với My Động I, thôn My Đồng hiện có gần 500 hộ dân. Ông Vũ Văn Hiệu ở thôn My Đồng cho biết trước đây Đồng Chấm rất khó khăn. Hộ nghèo nhiều, người sinh con thứ ba cũng không ít nhưng từ khi sáp nhập về thôn mới, có đường rộng, đời sống nhân dân đã thay đổi nhiều, người sinh con thứ ba giảm hẳn. Ở địa phương có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả như trồng cam Vinh, ngô, cà rốt... Nhờ đó thu nhập của người dân cũng tăng lên đáng kể.  

Ngày hội ĐĐK ở thôn Hà Tiên, xã Thái Dương (Bình Giang) diễn ra vào đầu tháng 11 vừa qua cùng với ngày hội làng. Mặc dù còn nhiều khó khăn sau sáp nhập nhưng Ngày hội ĐĐK ở đây năm nay niềm vui cũng được nhân lên. Bị chia tách bởi sông Cửu An, người dân Ấp Hà Tiên cũ cũng ít khi sang giao lưu với người dân thôn Hà Tiên. Sau khi sáp nhập và cây cầu sắt tạm được bắc qua sông này đã giúp người dân thêm gắn kết.

Đồng chí Vũ Văn Khoa, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hà Tiên cho biết sau khi sáp nhập, dân số đông, việc chỉ đạo tổ chức các hoạt động kinh tế-xã hội của địa phương thuận lợi hơn. Một số ít những trở ngại sau sáp nhập cũng dần được giải quyết. Qua Ngày hội ĐĐK, người dân Hà Tiên thêm gắn bó, chia sẻ khó khăn cùng nhau để phát triển. “Chúng tôi mong thời gian tới huyện Bình Giang quan tâm xây cây cầu ở đây để người dân đi lại thuận lợi, từ đó việc sáp nhập thôn thêm ý nghĩa”, ông Khoa nói.

Ngày hội ĐĐK năm nay ở các thôn, khu dân cư mới sáp nhập hoặc chia tách sẽ có ý nghĩa hơn khi tinh thần đoàn kết được nhân lên. Người dân cùng nhau vượt qua khó khăn của dịch bệnh để xây dựng quê hương phát triển.

BẢO ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngày vui đoàn kết ở thôn sáp nhập