Hôm nay là ngày sinh nhật "cu Tít", cháu đích tôn của bà Vót, vừa tròn 5 tuổi. Buổi sáng chị Cả đưa bà mảnh giấy ghi chi chít toàn chữ, dặn: "Bà nhớ mang giỏ xách to, mua đầy đủ những thứ con đã ghi trong giấy. Kẻo tối vợ chồng con mới về, chả biết mua ở đâu nữa". Bà Vót gật đầu: "Mẹ biết rồi". Chị Cả ngồi lên chiếc xe máy đã được anh Cả để sẵn ngoài sân, đề ga, lướt nhẹ ra đường.
Từ ngày ra ở với vợ chồng anh Cả, bà Vót mới biết người thành phố thường hay tổ chức lễ sinh nhật cho các thành viên trong gia đình. Ở quê người ta chỉ tổ chức giỗ ngày mất. Ban đầu bà lạ lắm. Chả biết người ta làm gì trong ngày lễ ấy nhỉ? Nay thì quen rồi. Mỗi năm anh chị Cả tổ chức bốn lần. Nào anh chị Cả, nào con gái, con trai. Năm ngoái anh Cả còn tổ chức thêm kỷ niệm mười lăm năm ngày cưới nữa. Lần nào cũng như lần nào, cả nhà bận rộn lên xuống mấy ngày, khách khứa vào ra rầm rập, nói cười rổn rảng hả hê. Khi tàn cuộc, nhà cửa như bãi chiến trường. Tất cả như lộn tùng phèo. Bà Vót phải mất mấy ngày dọn dẹp oằn lưng mới trở lại bình thường. Bà làm vì những người thân của mình, trong chính ngôi nhà của mình. Mỗi lần vậy, bà lại thương ông chồng của mình chẳng may vắn số thiệt phận mất sớm, không cố sống thêm vài năm nữa chứng kiến con cái trưởng thành. Cho bõ cái công ông vất vả một nắng hai sương nuôi anh Cả ăn học thành tài. Cuộc đời ông Vót chỉ quẩn quanh bên ruộng lúa củ khoai. Nếu không kể lần lo cưới xin cho anh Cả, chắc ông Vót chẳng biết mặt mũi phố phường ra sao. Ở quê bà Vót còn người con trai nữa. Anh Thứ, học dở cấp 3, ở nhà theo nghề cha mẹ. Thời nay chỉ trông vào cây lúa là nghèo rồi. Mò cua bắt ốc dưới trời chang chang cả ngày chỉ được dăm chục ngàn. Cấy sào lúa một năm, gạo đủ ăn ba tháng. Vợ chồng anh Thứ phải hết sức tằn tiện mới nuôi nổi mấy đứa con ăn học. May là anh em chúng nó biết thương nhau, biết bù trì bút chít cho nhau, không tranh giành nhà cửa ruộng nương như mấy nhà trong xóm. Ngày vợ chồng anh Cả về chịu tang bố đã viết giấy cho em hết, không chịu nhận một li một lai nào. Thế là bà mừng. Anh Cả lại mời mẹ ra ở với con với cháu cho khuây khỏa. Người làng mừng cho bà. Sau bĩ cực là đến thái lai. Thôi đành, con cái đâu, cha mẹ đấy. Anh Cả còn định rước bát hương thờ ông Vót ra nữa. Bà Vót không đồng ý. Cứ để ông ấy ở với bè bạn xóm làng. Và đấy cũng là cái cớ để hằng năm bà về quê giỗ Tết. Tình làng nghĩa xóm đâu quên nhau được.
Bà Vót xách làn ra chợ. Cứ theo giấy chị Cả ghi. Chủng loại, số lượng. Những người quen biết gọi bà rối rít: "Nhà hôm nay có việc gì mà bà mua nhiều thế? À... Hiểu rồi". Bà Vót hả hê cười nói. Cái làn dường như quá nhỏ. Mọi thứ rơi lên rơi xuống. Một chị bán hàng chừng tuổi chị Cả, bảo: "Khổ. Con cho bà mượn thêm cái làn nữa mà đựng". Chị còn xách hộ bà Vót ra tận vỉa hè, gọi xe taxi. Bà Vót cảm ơn. Hóa ra người phố đâu có ích kỷ như lời đồn. Bà nhớ mãi cái đận đầu tiên ra chợ. Lạ nước lạ cái. Đi đứng lớ ngớ như lạc vào rừng. Nói năng ngập ngừng, lí nhí. Bà sợ bị lừa gạt, bị mua đắt, bị cân thiếu. Nghĩa là bà sợ đủ thứ. Nghe thiên hạ đồn mà phát khiếp. Chả dám vào chợ. Hôm sau chị Cả phải nghỉ làm nửa buổi, dẫn bà ra chợ, giới thiệu với những hàng mà chị thường mua. Chị nói với bà về những món ăn cả nhà đều thích và những thứ không nên mua. Đến bữa nhìn con nhìn cháu ăn nhiều, bà hài lòng lắm. Chị Cả cũng hài lòng. Khi người ta được ăn ngon miệng, không khí gia đình và gương mặt mọi người cũng vui tươi hơn. Hồi xưa bà đi làm dâu đâu có sung sướng như tụi nó. Đời làm dâu trăm đắng ngàn cay, chẳng khác con sen con ở. Bây giờ bà không muốn con dâu lặp lại cảnh ngộ như mình nên phải cố. Thôi thì nước mắt có bao giờ chảy ngược. Bà chỉ buồn từ ngày chị Cả làm dâu đến giờ chưa khi nào gọi bà một tiếng mẹ. Toàn bà ơi bà ơi, rất lễ phép và kính trọng, không chê vào đâu được. Nhưng sao nghe nó xa xôi vời vợi. Cứ như gọi bà hàng xóm.
Tuổi già ít ngủ. Bà Vót bao giờ cũng dậy từ rất sớm, khi còn tờ mờ đất. Quen rồi. Khi đã quen người ta không thấy vất vả nữa. Bà căm cụi vò một chậu áo quần của năm người. Nhà có máy giặt đấy. Chị Cả hướng dẫn rồi. Bà muốn vò tay trước, vừa sạch vừa đỡ tốn nước, tốn điện. Tranh thủ máy giặt còn đang vo vo, bà quét dọn từ lầu ba xuống tầng trệt, rồi chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả nhà. "Mua đồ ăn nhanh ngoài đường chẳng biết sạch bẩn thế nào", chị Cả bảo. Ăn xong vợ chồng đi làm, các cháu đi học, bà xách làn đi chợ mua đồ ăn trong ngày. Buổi chiều thu quần áo khô, là lượt gấp gọn, của ai xếp vào ngăn tủ người nấy. Hai đứa cháu đi học về lại lo tắm rửa cho chúng. Nấu bữa ăn tối. Khuya giăng màn cẩn thận kẻo muỗi đốt cháu. Xong xuôi bà Vót mới quay sang rửa bát đũa. Lụi cụi trong bếp tới khuya. Công việc của bà cứ lặp đi lặp lại như một chu kỳ từ nhiều năm nay. Thỉnh thoảng anh Cả đưa khách về nhà bàn công chuyện. Anh Cả làm giám đốc nên lắm khách lắm. Mỗi tháng chỉ dăm bẩy lần. Tổ chức còn to hơn lễ mừng sinh nhật. Bát đũa nhiều hơn, vỏ chai vỏ hộp ngổn ngang la liệt khắp phòng khách. Chỉ khổ bà Vót. Có ông khách say quá, quên trời quên đất, lúc tỉnh dậy, chừng xấu hổ chữa ngượng: "Trời ơi là trời. Thắp đèn đi khắp nước Nam này cũng không thể tìm thấy bà mẹ nào tốt hơn".
Thương mẹ vất vả sớm hôm, chẳng được ngơi tay, kể cả ngày lễ ngày Tết, anh Cả bàn với vợ: "Hay ta thuê một ô sin về đỡ thêm cho bà. Chứ như thế này, anh lo bà ốm mất". Chị Cả ngoắt người: "Rách việc. Thuê đứa choai choai thì việc nhà không thạo, lúc rỗi việc lại chạy tót ra cổng liếc mắt đưa tình tìm trai phố. Thuê bà già vừa chậm vừa điếc, nói chuyện như cãi nhau. Cầm bằng làm cố". Đến đây chị Cả im lặng. Chị không dám kể tiếp đến loại trung trung quá lứa lỡ thì, chồng chê chồng bỏ. Chưa làm ô sin đã muốn làm bà chủ. Chị sợ chồng bảo hay ghen bóng ghen gió. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nhiều bài học nhỡn tiền từng xảy ra nơi này nơi khác. Chả dại. Chị Cả vốn được sinh ra ở thành phố, những mấy đời. Một nếp sống, một không khí khác hẳn. Kinh tế gia đình khá giả. Chị là con gái duy nhất trong gia đình đông con trai. Được cưng chiều hết mức đâm ra nhìn thấy việc là ngại. Ngại thường đi với vụng. Chị làm việc gì cũng chậm như rùa bò. Anh Cả phân vân suy nghĩ. Cứ nghĩ lại ngày bà Vót chưa lên ở phố mà kinh hãi. Sáng nào cũng như sáng nào, mùa đông chí mùa hè, vợ chồng thúc nhau dậy sớm. Châm bếp nấu nướng. Gọi con dậy. Nháo nhào và vội vã. Cáu gắt và dịu dàng. Phải kịp giờ con đi học. Phải kịp đến công sở. Buổi chiều vẫn cái nhịp điệu ấy nhưng ngược lại. Mọi hoạt động chậm hơn do áp lực công việc trong ngày khiến họ mệt mỏi. Anh Cả hỏi lại: "Ý em thế nào?". Chị Cả bảo: "Người Việt dùng hàng Việt anh ạ". Anh Cả tròn mắt: "Khiếp. Em ví bà như hàng hóa?". Chị Cả giải thích: "Dân gian nói "một mẹ già bằng ba mẫu ruộng". Em ở phố biết mồm ngang mũi dọc thửa ruộng ra sao. Cứ sờ đầu gối nói chân thật". Nể vợ, từ đó anh Cả không nhắc chuyện đi tìm ô sin nữa.
Bây giờ thì khác rồi. Bà Vót như ông phật bà tiên biến đổi hoàn toàn cách sống của vợ chồng anh Cả. Đi làm về mâm cơm đã dọn sẵn. Con cái tắm rửa sạch sẽ. Cái gạt tàn thuốc lá của anh Cả lúc nào cũng trắng phau. Không còn mẩu thuốc lăn lóc khe tủ góc bàn. Không còn cái cảnh giầy dép áo quần mỗi nơi một thứ. Mọi vật dụng trong nhà đều có chỗ của nó. Căn nhà như bừng sáng thơm tho. Chị Cả nhàn nhã có thời gian cầm đến tờ báo cuốn sách. Nhiều khi vợ chồng anh Cả còn đèo nhau đi xem phim xem kịch như đang cố vớt vát thời son trẻ.
Buổi lễ mừng sinh nhật của "cu Tít" diễn ra đúng như kịch bản vợ chồng anh Cả vạch trước. Vui vẻ và hoành tráng. Nhạc tây nhạc ta đủ loại xập xình chát chúa. Cái bánh ga tô to bằng cái mâm. Quà mừng chất cả đống. Phong bì hàng xấp dầy. Chỉ có thiếu bà Vót. Bà không xuống mừng cháu đích tôn. Bà quen rồi. Quen từ ngày đầu ra phố. Phần không có tiền, có quà. Phần nhớ lần ấy chị Cả nói nhỏ: "Sinh nhật chỉ là cái cớ để mọi người bàn công chuyện làm ăn. Bà không nên có mặt. Người ta ngại". Ngẫm lời ông Vót thế mà đúng. Người quê dẫu khéo léo đến đâu cũng chẳng thể giấu nổi vẻ quê mùa thâm căn cố đế ở từng động tác đi đứng, nét cười.
Bà Vót bị tai nạn giao thông. Bà mất trong sự tiếc thương của con cháu và những người quen biết. Thi hài bà được đưa về quê, nằm cạnh mộ chồng.
Ba ngày sau, anh chị Cả thuê thợ làm bia mộ cho bà Vót. Ông thợ đục đá hỏi: "Bà cụ sinh ngày tháng năm nào?". Anh Cả ớ người. Anh chỉ nhớ năm thôi. Anh hỏi vợ. Chị Cả bảo: "Mẹ đẻ anh mà anh còn không biết thì em làm sao biết được. Hay hỏi vợ chồng chú Thứ. May ra chú ấy biết". Vợ chồng anh Cả vội vã bổ về quê. Vợ chồng người em sau khi nghe xong lời anh hỏi mới thong thả: "Người phố thường hay tổ chức lễ mừng sinh nhật cho các thành viên trong gia đình. Em cứ tưởng hơn chục năm ra ở với anh chị thể nào cũng được anh chị tổ chức một lần mừng sinh nhật mẹ. Nào ngờ... Người quê chúng em chỉ nhớ ngày mất. Thôi, để em tìm xem chứng minh nhân dân mẹ cất đâu. Anh chị yên tâm, thấy ngay bây giờ đây". Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng vợ chồng anh Cả biết đến ngày sinh của mẹ.
Tiếng chuông chiều thong thả buông xuống từng tiếng một, như sự phiền não trong không gian mờ ảo. Một điều gì đấy như nỗi buồn, như sự ân hận cứ dâng lên, dâng lên trong lòng anh Cả. Anh muốn gạt bỏ cảm giác nặng nề đó ra khỏi tâm can mà không sao dứt được.
Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN