Ngày 14.11, Quốc hội dành nhiều thời gian để thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đây là dự án Luật phức tạp, phạm vi tác động rộng, được xã hội rất quan tâm.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Rơ Châm H’Phik phát biểu. (Ảnh minh họa: Minh Đức/TTXVN)
Theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội dành cả ngày 14.11 cho công tác xây dựng pháp luật.
Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án Luật: Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án Luật phức tạp, phạm vi tác động rộng, được xã hội rất quan tâm.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm cụ thể hóa tối đa, đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp tại các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan trong lĩnh vực đất đai; bảo đảm sự phù hợp trong quy định về trường hợp thu hồi đất giữa dự thảo Luật và Hiến pháp.
Cùng với đó, rà soát sự tương thích giữa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với các dự án luật khác đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất; rà soát các quy định liên quan đến việc sử dụng đất của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện, đánh giá tác động đối với các chính sách trong dự thảo Luật, tránh phân tích định tính, đặc biệt đối với một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau mà Chính phủ xin ý kiến Quốc hội.
Trường hợp có chính sách mới được bổ sung so với giai đoạn đề nghị xây dựng Luật thì cần bổ sung đánh giá tác động; tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, trên cơ sở đó, sửa đổi, bổ sung các quy định trong dự thảo Luật, bảo đảm tính khả thi, phù hợp thực tiễn.
Theo TTXVN