Đó là lời khuyên của các chuyên gia tại buổi tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp "Chọn ngành nào trong khối kỹ thuật - công nghệ - y dược?" diễn ra tối 11.1.
Buổi tư vấn trực tiếp “Chọn ngành nào trong khối kỹ thuật - công nghệ - y dược?” khu vực phía Bắc diễn ra tối 11.1. Ảnh chụp màn hình
Trả lời câu hỏi đầu tiên của một học sinh về "con chip" điện tử, TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, khẳng định nếu ở các trường đại học (ĐH), sinh viên có thể học để làm ra "con chip" thì trường cao đẳng là nơi dạy sinh viên cách ứng dụng để vận hành, bảo dưỡng "con chip" đó.
Và tùy theo trình độ, điều kiện và cả ý thích, các bạn trẻ có thể lựa chọn đi theo con đường học tập ở những môi trường theo hướng nghiên cứu hay ứng dụng, thực hành.
"Là con gái nên em rất băn khoăn không biết nên học làm bác sĩ hay các ngành khác phù hợp?", một nữ sinh quan tâm đến ngành y đặt câu hỏi.
PGS.TS Lê Đình Tùng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Y Hà Nội, cho rằng không có ngành nghề nào nhàn hạ, sung sướng lại có thu nhập cao mà luôn cần sự nỗ lực.
Tuy nhiên, khối ngành bảo vệ sức khỏe có những đặc thù với nhiều khó khăn, thách thức trong cả quá trình học tập và làm nghề. Những bạn trẻ đam mê muốn theo đuổi ngành học trong khối này vẫn cần phải xem xét các yếu tố sức khỏe, năng lực để lựa chọn.
PGS.TS Nguyễn Đức Khoát - Trưởng Phòng Đào tạo ĐH, trưởng bộ môn kỹ thuật điều khiển tự động hóa Trường ĐH Mỏ - địa chất - giải đáp cho một nữ sinh về ngành dầu khí là một ngành quan trọng cần nhân lực cao, đòi hỏi người học không chỉ cần có năng lực mà cả đam mê, sự kiên định để sẵn sàng vượt lên khó khăn của môi trường công việc.
Chia sẻ về băn khoăn chọn nghề, GS.TS Nguyễn Trung Việt - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi - khuyên học sinh "không có gì bằng có đam mê", nên chọn một hướng đi mình có đam mê.
Còn TS Đồng Văn Ngọc thì cho rằng "hãy chọn ngành mình có sở trường hơn là sở đoản" và "nên tìm hiểu để chọn ngành trước rồi hãy chọn trường. Vì nếu chỉ nhằm vào các trường có "thương hiệu" theo hiệu ứng đám đông thì sẽ rất dễ chọn sai đường".
Theo TS Nguyễn Hải Đăng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội, cơ hội luôn rộng mở với những sinh viên nỗ lực.
Ông cho biết trường ông đào tạo bằng tiếng Anh và có khoảng 60% sinh viên sẽ được thực tập ở nước ngoài, 75% trong số đó thực tập có lương và nhiều sinh viên sau đó có học bổng để tiếp tục du học.
PGS.TS Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải Việt Nam cho biết các chương trình đào tạo của trường bao gồm cả ngành truyền thống gắn với hàng hải và các ngành mới đều đang hướng tới tiêu chuẩn quốc tế.
Trường ĐH Hàng hải Việt Nam hiện vẫn là ưu tiên lựa chọn của nhiều học sinh đất cảng. Bên cạnh các ngành truyền thống, nhóm ngành kinh tế, luật cũng đang có sức hút và phù hợp hơn với những nữ sinh muốn học hàng hải nhưng làm việc trên đất liền.
Theo Tuổi trẻ