Với việc nâng cấp hạ tầng cộng với siết chặt quản lý, năm 2013, ngành điện phấn đấu giảm tổn thất điện toàn tỉnh xuống dưới 6,1%, khu vực nông thôn dưới 11%...
Đầu tư trên 5 tỷ đồng, xây mới 2 trạm biến áp, cải tạo toàn bộ hệ thống điện hạ thế nên tỷ lệ tổn thất điện của
xã Tân Việt (Thanh Hà) giảm từ 29,72% xuống còn 9,98%
Thực hiện chủ trương của Chính phủ và ngành điện, từ năm 2008, lưới điện hạ áp nông thôn trong tỉnh từng bước được bàn giao cho Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương quản lý, bán điện trực tiếp tới hộ sử dụng. Đến nay, công ty đã tiếp nhận, quản lý 191 xã trong tổng số 234 xã trong tỉnh (một số xã nay đã chuyển thành phường hoặc thị trấn). Trong số các xã đã tiếp nhận có 37 xã thuộc dự án Nâng cấp điện nông thôn (RE II) và 154 xã không thuộc dự án RE II. Khi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, hệ thống lưới điện ở nhiều địa phương đã cũ nên xuống cấp nghiêm trọng, tỷ lệ tổn thất điện rất cao. Ở thị xã Chí Linh, huyện Kim Thành, tỷ lệ tổn thất điện lên tới 40%, các huyện Ninh Giang, Thanh Miện, Thanh Hà, Bình Giang từ 32 - 36%...
Việc giảm tổn thất điện năng đã trở thành nhiệm vụ cấp bách của ngành điện. Ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc, Trưởng Ban Chỉ đạo giảm tổn thất điện năng Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương cho biết: Mục tiêu số một trong công tác quản lý, kinh doanh điện ở khu vực nông thôn là khẩn trương giảm tổn thất điện năng ngay sau khi tiếp nhận. Với giá bán điện cho nhân dân khu vực nông thôn theo quy định của Chính phủ và tổn thất điện năng tới trên 30%, công ty sẽ lỗ nặng. Vì vậy, ngay sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, công ty đã chỉ đạo Điện lực các huyện, thành phố, thị xã áp dụng các giải pháp đồng bộ, nhằm hạ nhanh tỷ lệ tổn thất điện. Công ty tập trung vào 2 mảng giải pháp lớn, đó là đẩy mạnh công tác quản lý và đầu tư nâng cấp lưới điện hạ áp, trung áp, giảm bán kính cấp điện.
Để thực hiện mục tiêu giảm tổn thất điện, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương đã thành lập Ban Chỉ đạo giảm tổn thất điện và các tiểu ban ở Điện lực các huyện, thành phố, thị xã; xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu giảm tổn thất điện hằng tháng, coi đây là một trong phong trào thi đua chính, đồng thời phân công cán bộ, nhân viên phụ trách từng địa bàn, gắn trách nhiệm và giao chỉ tiêu giảm tổn thất từng tháng cho hệ thống đường dây và từng trạm biến áp; thực hiện kiểm tra việc sử dụng điện, kiểm tra hệ thống đo đếm và chống vi phạm trong sử dụng điện.
Công ty tập trung các nguồn vốn, nâng cấp lưới điện hạ áp, trung áp cho các vùng nông thôn. Trong số 154 xã ngoài dự án RE II đã tiếp nhận, từ năm 2010 - 2012, công ty đã và đang cải tạo, nâng cấp lưới điện cho 139 xã với tổng mức đầu tư gần 536 tỷ đồng. Lưới điện hạ áp cho 91 xã đã được nâng cấp xong bằng nguồn vốn của dự án hỗ trợ cải cách ngành điện (DPL1) và vốn khấu hao cơ bản, 40 xã đang được Tổng công ty Điện lực Miền Bắc đầu tư bằng nguồn vốn dự án phân phối hiệu quả (DEP 2), DEP 2 bổ sung và RE II bổ sung, 8 xã đang thi công bằng nguồn vốn khấu hao cơ bản. 14 xã còn lại đang được thực hiện các thủ tục đầu tư. Trung bình mỗi xã được đầu tư từ 3 - 5 tỷ đồng, bao gồm nâng cấp hệ thống dây dẫn, đường cột, lắp đặt công-tơ và trạm biến áp mới.
Cùng với việc cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn, công ty tập trung đầu tư hệ thống lưới điện trung áp bằng các nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới và Nhật Bản thông qua các dự án RE II, RD, JICA; thực hiện đầu tư xây dựng mới và chống quá tải lưới điện trung áp nông thôn khác bằng nguồn vốn khấu hao cơ bản và vốn vay thương mại. Giai đoạn 2010 - 2012, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương đã xây dựng mới, cải tạo 251,55 km lưới điện trung áp; xây dựng 408 trạm biến áp mới với tổng mức đầu tư hơn 314 tỷ đồng. Gần 300 trạm biến áp chống quá tải được lắp thêm ở các xã, giảm bán kính cấp điện, giảm tiêu hao điện trên đường dây. Hằng năm, công ty cũng dành trên 40 tỷ đồng cho việc sửa chữa công trình điện ở các huyện, thành phố, thị xã. Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp, tổn thất điện khu vực lưới điện nông thôn sau khi tiếp nhận đã giảm từ 30 - 35% xuống còn 12,75%. Các huyện như Ninh Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Miện, Bình Giang đã cơ bản hoàn thành việc nâng cấp hệ thống điện nông thôn, tỷ lệ tổn thất điện năng hiện chỉ còn từ 9,5 - 11,9%.
Ông Phạm Văn Tuyến, Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy (Thanh Hà) cho biết: "Hệ thống điện của xã được xây dựng từ năm 1971 nên rất cũ nát và nguy hiểm. Nhiều năm điện trong xã rất yếu, vào giờ cao điểm điện áp chỉ còn 90 - 100 V, đôi khi phải cắt điện luân phiên. Tháng 8-2009, khi bàn giao cho ngành điện, tổn thất điện năng lên tới 29,56%. Ngành điện đã thay hòm hộp công- tơ, sửa chữa nhỏ đường dây, do đó tổn thất giảm xuống còn 20,15%. Mới đây sau khi công ty đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh, lắp dựng hệ thống cột mới, thay thế đường trục chính, trục nhánh bằng cáp vặn xoắn, lắp đặt thêm 2 trạm biến áp với tổng công suất 960 kVA thì tổn thất chỉ còn 9,66%. Điện trong xã ổn định và rất khỏe, nhân dân thực sự phấn khởi khi ngành điện đã đầu tư nâng cấp hầu hết hệ thống lưới điện cho địa phương".
Năm 2013, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương phấn đấu giảm tổn thất điện toàn tỉnh xuống dưới 6,1% (năm 2012 là 6,14%), riêng tổn thất khu vực nông thôn dưới 11%. Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, công ty đang có kế hoạch tiếp nhận lưới điện ở 44 xã còn lại hiện do các doanh nghiệp, HTX quản lý. Đây là chủ trương lớn để người dân khu vực nông thôn được hưởng giá mua điện hợp lý, chất lượng điện cao hơn và có điều kiện để ngành điện nâng cấp lưới điện nông thôn, đáp ứng tiêu chí thứ 4 trong xây dựng nông thôn mới.
TRẦN TUẤN