Với tỷ lệ thu vượt dự toán 19,8%, tổng thu ngân sách Nhà nước năm nay đã đạt gần 1,7 triệu tỷ đồng (đến 15/12) và bội thu gần 242.000 tỷ đồng.
Sau hai năm bội chi liên tiếp dưới tác động của dịch Covid-19, ngân sách Nhà nước đã có bội thu trở lại năm 2022
Chiều 19.12, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2022 và kế hoạch triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2023.
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết tính đến ngày 15.12, tổng thu ngân sách Nhà nước đã đạt hơn 1,69 triệu tỷ đồng, vượt 19,8% so dự toán Quốc hội giao đầu năm và cao hơn 78.000 tỷ đồng so với số đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-11/2022). Trong đó, thu ngân sách trung ương vượt 19,3% dự toán và thu ngân sách địa phương vượt 20,4%.
Trong khoảng nửa tháng còn lại của năm 2022, Bộ Tài chính cho biết đã chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan tiếp tục triển khai thu, đôn đốc thu đầy đủ các khoản thu phát sinh, các khoản thu theo kết luận, kiến nghị của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước; tăng thu nợ đọng thuế, chống thất thu và phấn đấu thu đạt mức cao hơn.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, số thu ngân sách năm nay đạt cao là nhờ kinh tế đã phục hồi đà tăng trưởng, dự kiến GDP năm nay tăng khoảng 7,5%, cao hơn kế hoạch đề ra. Trong năm, Bộ Tài chính cũng đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí, giúp doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhờ đó có số thu đóng góp về cho ngân sách.
Ở chiều ngược lại, Bộ Tài chính cho biết đến ngày 15.12, tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt xấp xỉ 1,45 triệu tỷ đồng, bằng 81,2% dự toán. Trong đó chi đầu tư phát triển đạt 72,4% dự toán, chi thường xuyên đạt 88,1%. Ngoài ra, Bộ đã chủ động tham mưu gói phục hồi kinh tế 347.000 tỷ đồng.
Với tỷ lệ thu - chi ngân sách kể trên, tính đến giữa tháng 12, ngân sách Nhà nước năm nay đã bội thu gần 242.000 tỷ đồng. Đây không chỉ là năm đầu tiên ngân sách Nhà nước ghi nhận mức bội thu sau hai năm liền trước bội chi hàng trăm nghìn tỷ đồng, mà còn là mức bội chi cao nhất ghi nhận được trong nhiều năm trở lại đây.
Theo Bộ Tài chính, ước tính đến hết năm, bội chi ngân sách Nhà nước, bao gồm cả chương trình phục hồi đạt khoảng 4% GDP. Nếu tính cả số bội chi Quốc hội mới bổ sung cho 5 dự án được chuyển đổi của VEC, VIDIFI, mức bội chi ngân sách năm nay ước khoảng 4,3% GDP.
Trong hoạt động điều hành chính sách tài khóa, Bộ Tài chính cho biết đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các luật thuế; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương quản lý thu, nhất là đối với các lĩnh vực thương mại điện tử, bất động sản. Ngoài ra, Bộ cũng quyết liệt xử lý nợ đọng thuế; đẩy mạnh chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế.
Với các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân, tính đến ngày 15/12, tổng số tiền thuộc phạm vị này vào khoảng 193.400 tỷ đồng, trong đó có 105.900 tỷ đồng được gia hạn và số tiền miễn, giảm vào khoảng 87.500 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ Tài chính, trong năm nay, công tác trả nợ được thực hiện đầy đủ, đúng hạn theo cam kết. Dự kiến đến cuối năm, dư nợ công khoảng 43-44% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 40-41% GDP, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia khoảng 40-41% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 18-19 % tổng thu ngân sách, thấp hơn mức trần và ngưỡng cảnh báo theo Nghị quyết của Quốc hội.
Ngoài ra, trong năm 2022, Việt Nam cũng đã được S&P Global Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+ với triển vọng ổn định và Moody's Investors Service nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng ổn định.
Theo Zing