Ngăn nạn bạo hành trẻ em từ gia đình

15/12/2017 11:02

Ngày 6.12, Ủy ban Quốc gia về trẻ em và tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã chính thức ra mắt.

Người dân chưa kịp vui mừng vì vấn đề bảo vệ trẻ em được ưu tiên vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, thì ngay sau đó, thông tin một bé trai 10 tuổi bị bố đẻ hành hạ trong một thời gian dài ngay tại Thủ đô Hà Nội lại khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ. Trong vụ việc này, người ra tay bạo hành trẻ không phải giáo viên, bảo mẫu hay người ngoài gia đình như một số vụ gần đây mà lại chính là người gần gũi, ruột thịt nhất với cháu bé. Chính điều đó khiến mọi người càng thêm đau xót vì gia đình tưởng là cái nôi an toàn nhất cho trẻ lại trở thành nơi trẻ bị ngược đãi. Vì vậy, ngoài tiếp nhận thông tin về buôn bán, lạm dụng tình dục trẻ em và bạo hành từ bên ngoài, cần đặt ra vấn đề ngăn chặn, trợ giúp trẻ bị bạo hành ngay trong gia đình.

Theo thống kê của đường dây tư vấn, hỗ trợ bảo vệ trẻ em 18001567 (tiền thân của tổng đài 111), tỷ lệ trẻ bị bạo lực từ chính trong gia đình mình chiếm cao nhất (63,2%). Trong đó, bố là người gây ra bạo lực nhiều nhất đối với trẻ (chiếm 37,5%), tiếp đó là mẹ (chiếm 11,8%), còn lại là các đối tượng khác như bố dượng, mẹ kế, họ hàng sống chung trong một mái nhà. Trẻ bị bạo hành trong gia đình thường kéo dài lâu hơn, khó bị phát hiện, nếu ở mức độ nhẹ thì nạn nhân khó có được sự trợ giúp từ bên ngoài để thoát khỏi tình trạng này. Trong khi đó, bị người thân bạo hành gây ra những hậu quả rất nặng nề về mặt tâm lý, tình cảm cho trẻ, khiến chúng lâu hồi phục hơn so với thủ phạm là người ngoài gia đình.

Một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến nạn bạo hành với trẻ em trong gia đình là quan điểm dạy dỗ con cái bằng roi vọt. Ngày nay vẫn còn nhiều cha mẹ sử dụng cách này để giáo dục con dù không ác ý. Chính điều đó vô tình gây nên tâm lý bố mẹ có quyền sử dụng bạo lực với con cái nhằm mục đích giáo dục. Một nguyên nhân khác nữa là do những người trực tiếp chăm sóc trẻ thiếu hiểu biết về pháp luật, thiếu kỹ năng hướng dẫn, giáo dục trẻ một cách khoa học và truyền cảm. Khi không đạt được mong muốn bằng lời nói, họ sử dụng vũ lực như một biện pháp khiến trẻ phải nghe lời. Những người thân có trẻ bị bạo hành chưa thực sự quan tâm sát sao đến trẻ, chưa phát hiện ra chúng bị bạo hành từ sớm để có những biện pháp can thiệp kịp thời.

Các quy định xử lý hành vi xâm hại trẻ em thì không thiếu, thậm chí rất nghiêm khắc. Mỗi khi có vụ bạo hành trẻ em được phát hiện làm nóng dư luận xã hội, các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý rất khẩn trương và có trách nhiệm. Nhưng để phòng ngừa, ngăn chặn nạn bạo hành, nhất là bạo hành trong gia đình từ gốc rễ thì cần có các biện pháp giáo dục, tuyên truyền thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, tổ chức, cơ quan, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân về trách nhiệm đối với trẻ em, các hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Cần thay đổi quan điểm về cách giáo dục trẻ, không nên sử dụng đòn roi mà có các biện pháp khoa học và nhân văn. Cần có các chương trình phổ biến, hướng dẫn kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ trong gia đình một cách rộng rãi, miễn phí. Cha mẹ hoặc người có trách nhiệm chăm sóc trẻ cần tự trau dồi kiến thức, kỹ năng nuôi dưỡng trẻ. Các cơ quan chức năng, tổ chức, đoàn thể trong khu dân cư thường xuyên quan tâm tới tình hình chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ trong các gia đình để kịp thời phát hiện, can thiệp những trường hợp trẻ bị bạo hành.

LAM ANH


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn nạn bạo hành trẻ em từ gia đình