Ngân hàng trước nỗi lo nợ xấu gia tăng

09/09/2010 13:52

Sau thời gian tăng trưởng tín dụng quá “nóng” và thời kỳ hậu khủng hoảng kinh tế, nhiều DN phụ thuộc lớn vào nguồn vốn vay và khó có khả năng trả nợ, khiến các ngân hàng đứng trước nguy cơ nợ quá hạn gia tăng.


Sau thời gian tăng trưởng tín dụng “nóng” nhiều tổ chức tín dụng đang đứng trước nguy cơ nợ xấu gia tăng. Ảnh minh họa

Mặc dù nền kinh tế đã và đang dần thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu song vẫn chưa thực sự bền vững và tiềm ẩn nhiều rủi ro, hoạt động tài chính ngân hàng vẫn gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn huy động thấp trong khi nhu cầu vay vốn lớn. Cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng luôn sôi động, áp lực về lãi suất vẫn cao… Đặc biệt, sau thời gian tăng trưởng tín dụng quá “nóng” và thời kỳ hậu khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào nguồn vốn vay ngân hàng và khó có khả năng trả nợ khiến cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng đang đứng trước nguy cơ nợ quá hạn gia tăng.

Từ đầu quý I - 2010, hàng loạt nguyên liệu đầu vào đều tăng giá như điện, than, nước, cùng với đó là Ngân hàng Nhà nước vừa cho phép các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vay trung, dài hạn khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp không ít khó khăn. Hàng loạt khoản vay ngân hàng đến hạn của các doanh nghiệp đang có nguy cơ trở thành nợ quá hạn do tốc độ phục hồi kinh tế còn chậm, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa qua được khó khăn. Một số doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào nguồn vốn vay ngân hàng càng khó khăn hơn, bởi hiện tại lãi suất cho vay của các ngân hàng tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao khoảng 13 - 14%/năm.

Nợ quá hạn, nợ xấu đang có nguy cơ tăng cao còn do thời gian trước đây, nhiều tổ chức tín dụng có mức tăng trưởng quá “nóng”, một số ngân hàng cho vay bằng mọi giá. Nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng cao như Ngân hàng TMCP Công thương Nhị Chiểu có mức tăng trưởng tín dụng tới 140%, Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long tăng tới 71%... Trong một số ngành, lĩnh vực như đóng tàu biển, sau khi Nhà nước có chủ trương cấm xuất khẩu than theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, hàng loạt doanh nghiệp đóng tàu lâm vào cảnh lao đao do “trót” vay vốn  ngân hàng để nhập nguyên liệu đóng tàu cho các đối tác, nay đến kỳ trả nợ, trả lãi nhưng không có khả năng thanh toán buộc phải chấp nhận chuyển nợ sang nợ quá hạn, nợ xấu, thậm chí buộc phải phát mại tài sản…

Ông Trần Danh Hùng, Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Nhị Chiểu cho biết: Có tình trạng trên bởi các doanh nghiệp không lường hết được những biến đổi của thị trường, khó khăn của nền kinh tế khiến doanh nghiệp không thực hiện được kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Thêm vào đó, lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao (nhất là giai đoạn các năm 2008-2009 và đầu năm 2010) đã khiến nhiều doanh nghiệp chấp nhận chuyển sang nợ quá hạn, nợ xấu vì không có khả năng chi trả hoặc có khả năng nhưng đang cần vốn đầu tư. Vì vậy, các tổ chức tín dụng nếu không thực hiện tốt công tác phân loại nợ, dự tính, dự báo chính xác, có phương án xử lý tốt thì tỷ lệ nợ quá hạn sẽ còn tiếp tục gia tăng. Đối với Ngân hàng TMCP Công thương Nhị Chiểu, một số món nợ xấu trong cho vay đóng tàu cũng đang dần được xử lý nhằm bảo đảm hoạt động an toàn của đơn vị cũng như toàn hệ thống.

Bà Vũ Thị Thập, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: 6 tháng đầu năm nay, tổng nguồn vốn  huy động tại chỗ đạt 46.647 tỷ đồng, tăng 19,9% so với đầu năm. Trong đó,  các tổ chức tín dụng nhà nước tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 6% so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay đạt 31.897 tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2009. Trong đó, tại các tổ  chức tín dụng nhà nước tăng 3%, tổ chức tín dụng ngoài nhà nước tăng 16%. Nợ xấu chiếm 1,95% tổng dư nợ (tại các tổ chức tín dụng nhà nước chiếm 2,56%, tổ chức tín dụng ngoài nhà nước chiếm 1,31%), trong khi đó cuối năm 2009, nợ xấu mới chỉ chiếm 1,77% tổng dư nợ (tại các tổ chức tín dụng nhà nước chiếm 2%, tổ chức tín dụng ngoài nhà nước chiếm 1,5%).

Nợ xấu tại các tổ chức tín dụng đang có chiều hướng gia tăng, nguyên nhân chính là do tình hình kinh tế vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay  ngân hàng, một số tổ chức tín dụng thời gian trước đây đã tăng trưởng tín dụng quá “nóng”, nhất là một số tổ chức tín dụng đã đầu tư vào lĩnh vực đóng tàu. Nếu mỗi doanh nghiệp không tự điều chỉnh, cơ cấu lại hoạt động của mình, đầu tư vào những ngành, lĩnh vực có tính  khả thi và mỗi tổ chức tín dụng không tự cân đối các khoản nợ, phân loại nợ và có biện pháp xử lý tốt thì vấn đề nợ xấu, nợ quá hạn của nhiều tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục gia tăng.

Để hạn chế tỷ lệ gia tăng của nợ quá hạn, nợ xấu, các tổ chức tín dụng trên địa bàn và các doanh nghiệp phải cùng chia sẻ khó khăn. Các doanh nghiệp cần phải huy động tốt nguồn vốn tự có, hạn chế đầu tư vào các dự án kém hiệu quả, các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện giải ngân nguồn vốn cho những chương trình, dự án trọng điểm, các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh những mặt hàng thiết yếu của đời sống xã hội. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng phải thực hiện công tác quản lý chất lượng tín dụng, phân loại nợ và có biện pháp thu hồi nợ quá hạn, nợ xấu. Nâng cao năng lực trình độ trong việc thẩm định các dự án đầu tư, hạn chế thậm  chí dừng cho vay các dự án hiệu quả thấp…

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngân hàng trước nỗi lo nợ xấu gia tăng