Cách tính mới xác định một năm là 365 ngày thay vì 360 nên lãi suất huy động mỗi ngày bị giảm đi và người gửi tiền có thể thiệt một chút nhưng người đi vay lại có lợi.
Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, chưa thấy phản hồi của người gửi tiền nào từ cách tính lãi suất mới.
Theo quy định tại Thông tư 14/2017 về phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng, từ 1.1.2018, lãi suất tính lãi được quy đổi theo lãi suất năm, 1 năm được xác định là 365 ngày.
Ngay trong ngày đầu năm mới 2018, nhiều ngân hàng đã thông báo áp dụng cách tính lãi mới trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa các tổ chức tín dụng với khách hàng. Trước đó một số NH cũng đã thông báo về việc điều chỉnh cách tính lãi suất mới như LienVietPostBank…
Ngoài ra, thông tư này cũng quy định tổ chức tín dụng được thỏa thuận với khách hàng xác định thời hạn tính lãi theo một trong hai phương pháp: phương pháp bỏ ngày đầu, tính ngày cuối của thời hạn tính lãi (theo quy định tại Điều 147 và Điều 148 Bộ Luật Dân sự) hoặc phương pháp tính ngày đầu, bỏ ngày cuối của thời hạn tính lãi.
Quan sát của phóng viên trong những ngày đầu, hoạt động gửi tiền tại các ngân hàng vẫn diễn ra bình thường. Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, chưa thấy phản hồi của người gửi tiền nào từ cách tính lãi suất mới.
Đánh giá về quyết định Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thay đổi cách tính lãi suất đối với hoạt động nhận tiền gửi và cho vay của TCTD, theo một chuyên gia NH, việc chuẩn mực hóa cách tính lãi suất là cần thiết. Trước tiên, thay đổi này đảm bảo phù hợp giữa các quy định của ngành NH với quy định mới thời gian 1 năm là 365 ngày trong Bộ luật Dân sự 2015. Việc thống nhất quy định 1 năm là 365 ngày sẽ tạo ra cơ sở để các NHTM đảm bảo tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, tạo tính nhất quán trong cách tính lãi suất huy động, cho vay toàn hệ thống. Sự thống nhất này cũng thuận lợi khi đưa ra cách thức xử lý những vướng mắc, tranh chấp về lãi suất giữa NH với khách hàng gửi tiền hoặc khách hàng vay vốn.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu, việc áp dụng cách tính lãi suất quy đổi theo năm như Thông tư 14 sẽ tạo nên sự công bằng và bình đẳng trong cạnh tranh huy động vốn của các NHTM. Bởi hiện nay, mỗi NH áp dụng một cách tính lãi suất khác nhau dựa trên cơ sở quy ước 1 năm = 12 tháng và = 360 ngày nên khách hàng khó khăn trong vấn đề hiểu được cách tính nào có lợi cho họ.
Đối với việc áp dụng cách tính lãi suất mới trên cơ sở 365 ngày, mẫu số lớn hơn thì lãi suất cho huy động mỗi ngày bị giảm đi và người gửi tiền có thể thiệt một chút. Nhưng ngược lại người đi vay lại có lợi. Ví như, trước đây các NHTM áp dụng công thức tính lãi suất tiết kiệm là: Tiền lãi = Số tiền gửi x lãi suất (%năm) x Số ngày gửi thực/360. Còn hiện tại áp dụng số ngày trong năm là 365 thì người gửi tiền bị thiệt thêm 5 ngày. Có nghĩa là số lãi nhận được hàng năm giảm đi một chút. Tuy nhiên, cách thống nhất về số ngày trong năm này áp dụng cho cả hoạt động vay vốn.
Vì thế phần lợi mà các NHTM nhận về cũng không đáng kể. “Nếu biên lợi nhuận 2%/năm thì thực ra NH lợi được 2%/360x5 tức chỉ được 0.0002% cũng không đáng kể” – vị này phân trần.
Xét ở khía cạnh trên, đúng là hơi thiệt cho người gửi tiền. Nhưng ở góc độ nhà quản lý theo TS Hiếu, cơ quan quản lý phải tính toán bài toán thiệt – hơn hài hòa để đưa ra quyết định công bằng, sáng suốt nhất. Và cách tính lãi suất mới là phù hợp. Trên thực tế ở các nước trên thế giới như Mỹ đã áp dụng cách tính lãi suất trên cơ sở 365 ngày cách đây nhiều năm.
Khi người đi vay đã được lợi hơn từ cách tính lãi suất mới trên, một chuyên gia cho rằng, sức ép NH giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 và những năm tới có thể cũng sẽ bớt áp lực hơn.