Ngăn dịch vào bệnh viện

08/05/2021 08:49

Trong bối cảnh một số bệnh viện tuyến Trung ương đã bị phong tỏa do có bệnh nhân mắc Covid-19, các bệnh viện trên địa bàn Hải Dương đã đặt trong trạng thái cao điểm phòng chống dịch.


Bệnh viện Đa khoa tỉnh bố trí đội ngũ nhân viên y tế sàng lọc, phân luồng bệnh nhân

Nhiều biện pháp

Sau khi có thông tin về ca bệnh Covid-19 ở tỉnh Hà Nam, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch bệnh. Đơn vị bố trí đội ngũ làm công tác sàng lọc, phân luồng người bệnh ngay từ cổng. Đội ngũ nhân viên y tế thường xuyên hướng dẫn, nhắc nhở người bệnh và người nhà bảo đảm giãn cách trong quá trình khám, chữa bệnh. Thông thường mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận hơn 1.000 lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, trong vài ngày gần đây, số lượng người đến khám, chữa bệnh đã giảm, hiện trung bình còn 700-800 người/ngày. Mỗi người bệnh chỉ được tối đa một người chăm sóc, việc thăm bệnh nhân bị tạm dừng. Bệnh viện tăng cường xét nghiệm sàng lọc các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 để cách ly, điều trị kịp thời. Đối với trường hợp người bệnh điều trị nội trú chuyển biến khả quan, tình trạng bệnh thuyên giảm, bệnh viện chuyển về tuyến huyện để tiếp tục điều trị.

Bệnh viện đã bố trí một số phòng học của sinh viên để kê thêm giường bệnh nhằm bảo đảm khoảng cách giữa các giường. Thực hiện khám bệnh, kê đơn thuốc điều trị ngoại trú từ 1 đến 3 tháng với người bệnh mắc bệnh mạn tính đã điều trị ổn định, đồng thời bảo đảm cung cấp đủ thuốc bảo hiểm y tế cho người bệnh theo kê đơn thuốc cho đến lịch tái khám dự kiến tiếp theo.


Sáng 8.5, các cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh đã được tiêm mũi 2 vaccine phòng Covid-19

Rút kinh nghiệm từ những đợt dịch trước, Bệnh viện Quân y 7 thực hiện nghiêm công tác khám sàng lọc, phân luồng bệnh nhân để bảo đảm phương châm vừa khám chữa bệnh vừa phòng chống dịch. Ngay từ cổng phụ, bệnh viện bố trí một bác sĩ và hai điều dưỡng thực hiện khám sàng lọc, phân luồng bệnh nhân. Những trường hợp ho, sốt được chuyển sang khu C. Tại đây, các bệnh nhân được khám sàng lọc lại một lần nữa và chuyển sang điều trị chuyên khoa nếu không có triệu chứng như ho, sốt, khó thở, đau mỏi người và yếu tố dịch tễ không liên quan đến Covid-19. Hiện mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 400 người. Khu C tiếp nhận từ 20-30 người/ngày. Đặc biệt, từ sau dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5, nhiều người có lịch sử di chuyển phức tạp nên bệnh viện siết chặt hơn việc khai báo y tế. Bệnh viện chỉ cho một người nhà chăm sóc bệnh nhân cho tới khi xuất viện, hạn chế người ngoài ra vào bệnh viện.

Bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế

Để tránh rơi vào tình huống bị động, Bệnh viện Quân y 7 xây dựng kịch bản theo 5 cấp độ ứng phó kịp thời. Trong trường hợp phong tỏa, bệnh viện có đủ nhân lực và vật lực để bảo đảm việc khám, chữa bệnh cho bệnh nhân và giữ an toàn cho nhân viên y tế. Bệnh viện chuẩn bị sẵn khu cách ly nếu có bệnh nhân mắc Covid-19. Nhân viên y tế của bệnh viện đã được yêu cầu không ra khỏi tỉnh từ dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5 cho tới khi có thông báo mới. Lực lượng y, bác sĩ lúc này chính là các chiến sĩ tuyến đầu để bảo vệ thành quả phòng chống dịch suốt thời gian qua.


Khám sàng lọc cho cán bộ, nhân viên y tế trước khi tiêm mũi 2 vaccine phòng Covid-19

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh hiện đang điều trị cho 4 bệnh nhân Covid-19. Do đó, việc chống lây nhiễm chéo, bảo đảm an toàn cho cán bộ, nhân viên y tế là một trong những nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Các cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh được yêu cầu hạn chế đi lại, tiếp xúc giữa các khoa phòng, hạn chế đến nơi đông người. Ngày 8.3, 55 cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện đã được tiêm mũi 1 vaccine phòng Covid-19 (trừ những người không đủ điều kiện tiêm). Theo kế hoạch, các cán bộ, nhân viên sẽ được tiêm mũi 2 vào ngày 31.5. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh đã đề xuất triển khai tiêm mũi 2 vào ngày 8.5 và đã được Sở Y tế chấp thuận. Theo bác sĩ Nguyễn Thế Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, việc hoàn thành tiêm mũi vaccine thứ 2 khiến nhân viên y tế an tâm, hạn chế thấp nhất việc lây nhiễm có thể xảy ra trong quá trình điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Đồng thời giữ vững thành trì để phòng chống dịch hiệu quả. Với phương án có thể phải tiếp nhận bệnh nhân người Hải Dương được chuyển về từ tuyến Trung ương, bệnh viện coi những trường hợp này là F1. Những trường hợp này sẽ được xét nghiệm SARS-CoV-2 để có thể phát hiện sớm, cách ly điều trị kịp thời.

HÒA TRANG

Định kỳ lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho nhân viên y tế

Ngày 7.5, Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị y tế trong tỉnh, các phòng khám đa khoa, chuyên khoa tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó, yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện kế hoạch để đáp ứng với các cấp độ dịch Covid-19. Xây dựng phương án mở rộng cơ sở điều trị, huy động nhân lực, phương tiện phòng hộ cá nhân, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu để đáp ứng với tình hình dịch bệnh. Các cơ sở khám, chữa bệnh thường xuyên tự đánh giá bệnh viện, phòng khám an toàn phòng chống Covid-19. Các bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám không đạt Bộ tiêu chí an toàn phòng chống Covid-19 phải tạm dừng hoạt động để khắc phục cho đến khi bảo đảm an toàn; xem xét xử lý kỷ luật các cơ sở không chấp hành quy định. Tổ chức nghiêm công tác sàng lọc, phân luồng, cách ly người bệnh ngay từ khi đến cổng, cửa tiếp đón của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hạn chế tối đa người nhà, người thân đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hạn chế nhập viện nội trú khi không thực sự cần thiết. Rà soát bố trí khoa, phòng; quy trình khám, chữa bệnh hợp lý... không để người bệnh phải nằm ghép. Bố trí khoảng cách giữa các giường bệnh.

Các đơn vị tuyến tỉnh tiếp tục rà soát, củng cố năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR để đáp ứng với các tình huống dịch. Xét nghiệm sàng lọc và khẳng định, phát hiện sớm người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 đối với người bệnh đến khám và người bệnh nội trú có biểu hiện nghi ngờ; đặc biệt lưu ý người cao tuổi, người mắc các bệnh lý mạn tính kể cả trường hợp người bệnh có tiền sử dịch tễ không rõ ràng để phát hiện và cách ly kịp thời theo quy định. Xét nghiệm cho nhân viên y tế khi có các triệu chứng cúm, viêm đường hô hấp cấp tính. Định kỳ (từ 7 đến 14 ngày) lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho nhân viên y tế có tiếp xúc, điều trị cho người bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi nặng và nhân viên làm việc ở khu vực sàng lọc, phân luồng, cách ly, xét nghiệm cho người bệnh các khoa hồi sức cấp cứu, thận nhân tạo, lão khoa, ung thư, tim mạch; nhân viên lấy mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2 trong bệnh viện. Thực hiện khám bệnh, kê đơn thuốc điều trị ngoại trú từ 1 đến 3 tháng với người bệnh mắc bệnh mạn tính, đã điều trị ổn định, đồng thời bảo đảm cung cấp đủ thuốc bảo hiểm y tế cho người bệnh theo kê đơn thuốc cho đến lịch tái khám dự kiến tiếp theo. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạn chế chuyển tuyến, chỉ chuyển bệnh nhân tới bệnh viện tuyến trên khi có diễn biến nặng vượt quá năng lực kỹ thuật của bệnh viện. Giám đốc các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo toàn bộ nhân viên nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh Covid-19, không đến các địa điểm có nguy cơ cao lây nhiễm như ăn tiệc buffet, đến công viên giải trí, đến rạp chiếu phim, đến quán bar, karaoke.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn dịch vào bệnh viện