Thời gian gần đây, tôm càng đỏ đã được nhập lậu vào nước ta dưới dạng thực phẩm và rao bán tràn lan trên thị trường.
Tôm càng đỏ là loài thủy sinh ngoại lai có đặc tính ăn tạp...
Loài tôm này không có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và được xác định là loài ngoại lai xâm hại. Việc kinh doanh, tiêu thụ loài tôm này là vi phạm quy định về đa dạng sinh học và thủy sản.
Mối họa cho các công trình thủy lợi và sản xuất nông nghiệp
Tôm càng đỏ có tên khoa học là cherax quadricarinatus, còn gọi là tôm hùm đất. Về hình dáng, loài tôm này nhìn giống như tôm hùm nhưng chỉ to bằng hai ngón tay, đặc biệt chúng có phần đầu to, hai càng màu đỏ, to như càng cua và 8 chân 2 bên giúp chúng có thể di chuyển được cả trên cạn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đây là loài thủy sinh ngoại lai có đặc tính ăn tạp, đào hang giỏi, sống bò dưới đáy, ưa hoạt động về đêm, sinh trưởng nhanh và có sức chống chịu và thích nghi cao với môi trường.
Với đặc tính ăn tạp, tôm hùm đỏ có thể ăn cả lúa, hoa màu, thậm chí là thịt động vật. Ngoài ra, tôm hùm đỏ là loại thủy sinh có thể mang mầm dịch bệnh nấm tôm Aphanomyces astaci, virus gây bệnh đốm trắng cho tôm cũng như một số loài ký sinh trùng khác. Do đó, nếu nuôi đại trà loài thủy sinh này sẽ là mối họa cho các công trình thủy lợi, mùa màng và làm mất cân đối về đa dạng sinh học.
Trước tình trạng tôm càng đỏ được đưa vào tiêu thụ làm thực phẩm tại một số địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định loài tôm càng đỏ không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và được xác định là loài ngoại lai xâm hại. Việc kinh doanh, tiêu thụ loài này là vi phạm quy định về đa dạng sinh học và thủy sản.
Nhằm bảo vệ môi trường và tránh những tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn khẩn, gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tổng cục Hải quan, Tổng cục Quản lý thị trường. Theo đó, yêu cầu các đơn vị trên tổ chức và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; khi phát hiện có phát tán ra môi trường, phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt loài tôm càng đỏ theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học; đồng thời, tuyên truyền phổ biến về tác hại của loài tôm càng đỏ đối với môi trường và sản xuất nông nghiệp, ngăn chặn sự phát triển của loài này ra môi trường tự nhiên.
Ngay sau khi nhận được công văn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với mặt hàng tôm càng đỏ, chiều 20.5, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh đã ký văn bản hỏa tốc gửi các Cục Quản lý thị trường địa phương đề nghị tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với mặt hàng này.
Theo ông Trần Đình Luân-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản, khi phát hiện tôm càng đỏ phát tán ra ngoài môi trường phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt loài tôm càng đỏ theo quy định của pháp luật. Giống như trường hợp cuối năm 2016 tại Đồng Tháp, chúng ta phải bao vây tiêu diệt và xử phạt, phun thuốc diệt trùng, đảm bảo không có con nào còn sống ở môi trường bên ngoài.
Bài học từ các loài ngoại lai xâm hại
Theo Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, sinh vật ngoại lai xâm hại là loài ngoại lai lấn chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển. Sinh vật ngoại lai xâm hại có mặt trong tất cả các nhóm phân loại chủ yếu, bao gồm các loài vi rút, nấm, tảo, rêu, dương xỉ, thực vật cao, động vật không xương sống, cá, lưỡng cư, bò sát, chim và thú. Sự xâm lấn của sinh vật ngoại lai có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của nhiều loài, tác động tiêu cực tới kinh tế-xã hội và sức khỏe của con người.
Ở Việt Nam, các loài sinh vật ngoại lai xâm hại chỉ được chú ý vào nửa đầu thập kỷ 1990, khi dịch ốc bươu vàng bùng phát từ Đồng bằng sông Cửu Long đến đồng bằng Bắc bộ, tác động trực tiếp đến đời sống của nông dân Việt Nam. Ốc bươu vàng là một trong những loài gây hại mạnh nhất ở Việt Nam (Birdlife Việt Nam, 2006). Do có vòng đời ngắn, dưới các điều kiện phù hợp, ốc bươu vàng phát tán nhanh chóng dọc theo các thủy vực và hiện đã được ghi nhận ở hầu hết các vùng tại Việt Nam. Do có thể ăn được hầu hết các loài thực vật, ốc bươu vàng gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với đa dạng sinh học cũng như đối với sản xuất nông nghiệp.
Hiện nay, chưa có nhiều nghiên cứu về sinh vật ngoại lai nói chung và sinh vật ngoại lai xâm hại nói riêng tại Việt Nam. Nghiên cứu đáng kể nhất là về cây trinh nữ thân gỗ. Cây trinh nữ thân gỗ còn được gọi là cây trinh nữ nhọn, cây mắt mèo, cây xấu hổ hay cây mai dương, là loài thực vật ngoại lai có nguồn gốc từ Trung Mỹ và Nam Mỹ (Lewin và Elias, 1981). Do có khả năng sinh trưởng, phát triển và phát tán ra quần thể rất lớn, nó được xếp vào loài cỏ dại nguy hiểm thứ 3 trên thế giới và nằm trong danh sách 100 loài sinh vật gây hại nguy hiểm nhất đối với hầu hết các quốc gia, đặc biệt là các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở Việt Nam, cây trinh nữ thân gỗ phát triển khá nhanh và có mặt ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Đặc biệt tại các vùng bán ngập thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, các khu vực lòng hồ thủy điện như Trị An, Thác Bà, Hòa Bình… Chúng mọc dày tạo thành những vành đai rộng lớn và trở thành đối tượng cỏ dại nguy hiểm khó phòng trừ, gây ảnh hưởng lớn cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng tới cảnh quan và môi trường. Đến nay vẫn chưa có được giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự lây lan của chúng.
Đó là bèo lục bình (bèo Nhật Bản, bèo tây) được nhập vào Việt Nam từ năm 1902 với mục đích làm cảnh. Trong điều kiện thuận lợi, loài này có thể phát triển gấp đôi diện tích trong khoảng mười ngày và hiện đã phát triển phân bố rộng khắp các thủy vực nước ngọt ở Việt Nam. Lục bình che phủ mặt nước, thối mục làm giảm ô-xy hòa tan trong nước, dẫn đến làm chết cá và các loài thủy sinh khác. Cũng như các loài sinh vật ngoại lai xâm hại khác, nó còn gây ra những hậu quả xấu đối với nền kinh tế. Chúng không chỉ cản trở hoạt động giao thông đường thủy mà còn làm chậm dòng chảy, làm giảm khả năng phát điện, sức tưới tiêu và tăng kinh phí bảo trì các hồ chứa.
Quy định pháp luật về loài ngoại lai xâm hại
Pháp luật Việt Nam đã có những quy định liên quan đến sinh vật ngoại lai, như: Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 18-12-2018 quy định về tiêu chí xác định và ban hành Danh mục loài ngoại lai xâm phạm; Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng có quy định về việc xử phạt việc vi phạm các quy định về kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.
Cụ thể, điều 43 trong Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định:
1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng, cấy loài ngoại lai xâm hại ngoài phạm vi khu bảo tồn không vì mục đích thương mại, trong trường hợp kiểm soát được sự phát triển, lây lan của chúng và chưa gây ra thiệt hại.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng, cấy loài ngoại lai xâm hại ngoài phạm vi khu bảo tồn vì mục đích thương mại, trong trường hợp kiểm soát được sự phát triển, lây lan của chúng và chưa gây ra thiệt hại.
3. Hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng, cấy loài ngoại lai xâm hại ngoài phạm vi khu bảo tồn bị xử phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 640.000.000 đồng đối với hành vi gây thiệt hại trị giá dưới 10.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng.
4. Hành vi nhập khẩu loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại bị xử phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 1000.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm trị giá dưới 10.000.000 đồng đến dưới 250.000.000 đồng.
Theo TTXVN