Các địa phương nên thành lập các câu lạc bộ phòng chống BHGĐ ở từng thôn, xã, khu phố; câu lạc bộ gồm đại diện các gia đình không có bạo lực, sống hài hòa, hạnh phúc...
Chúng ta đã có pháp luật bảo vệ tài sản, tính mạng cho công dân và nhiều biện pháp để ngăn chặn nạn bạo hành gia đình (BHGĐ) như tuyên truyền, giáo dục, phổ biến, vận động phụ nữ mạnh dạn tố cáo người gây ra bạo lực.
Hội Phụ nữ các cấp liên tục lên tiếng đấu tranh và ngăn chặn. Nhiều vụ BHGĐ đã bị pháp luật xử lý nghiêm. Nhẹ thì phạt tiền, nặng đã có người phải vào tù. Thậm chí, một số nơi bố trí địa chỉ tạm trú để phụ nữ bị bạo hành đến lánh nạn một thời gian...
Có nhiều biện pháp như vậy nhưng nạn BHGĐ vẫn không chấm dứt mà còn tăng. Chẳng hạn như vụ Chu Kim Phong (23 tuổi) giết cô ruột là Chu Thị Kim Hoa (59 tuổi) ở cùng nhà vào chiều 27.4.2019 tại quận 8, TP Hồ Chí Minh chỉ vì mâu thuẫn cá nhân.
Vụ Bùi Văn Hời (sinh 1985, quê Hưng Hà, Thái Bình) đã giết chính con đẻ vào ngày 1.2.2019 rồi ném xác xuống sông Hàn...
Gần đây, dư luận bức xúc trước việc một võ sư liên tục đánh vợ ngã dúi dụi trong lúc vợ đang ôm con nhỏ một tuổi. Một vụ khác, người vợ bị chồng dìm xuống nước, bóp cổ rất tàn bạo.
Càng đọc, càng xem càng thấy bức xúc. Tại sao trong gia đình lại có thể tàn nhẫn như vậy? Tại sao tình mẹ con thiêng liêng và sâu nặng lại có thể nhẫn tâm đến mức ấy?
Tại sao tình vợ chồng má ấp tay kề lại có thể tra tấn hơn cả với quân thù? Những đứa con thơ đứt ruột đẻ ra lại có thể cướp đi sinh mạng của nó...?
Làm thế nào để chấm dứt BHGĐ? Đây là câu hỏi lớn, cấp thiết phải trả lời dù không dễ.
Xã hội cần lên án nạn BHGĐ mạnh mẽ, cụ thể và sát thực hơn. Các cơ quan liên quan cần xử lý kịp thời và nghiêm minh đối với kẻ gây ra BHGĐ.
Bản thân phụ nữ cũng cần bỏ tư tưởng cam chịu, tư tưởng "xấu chàng hổ ai", thương con không phải lối để sống mạnh mẽ, cứng rắn, có ý thức làm chủ gia đình hơn nữa thì chồng không dễ bắt nạt.
Các địa phương nên thành lập các câu lạc bộ phòng chống BHGĐ ở từng thôn, xã, khu phố; câu lạc bộ gồm đại diện các gia đình không có bạo lực, sống hài hòa, hạnh phúc, các gia đình từng có bạo lực nhưng đã tiến bộ.
Mỗi câu lạc bộ cần có thành viên của Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, công an hoặc lãnh đạo chi bộ, lãnh đạo thôn tham gia. Câu lạc bộ cần có quy ước không bạo hành dưới mọi hình thức, có lịch sinh hoạt rút kinh nghiệm. Ngoài ra, cần có một tổ hòa giải, sớm giải quyết những mâu thuẫn có thể dẫn đến bạo hành.
Cuối cùng là mở các cuộc vận động gia đình sống đầm ấm, hạnh phúc; bỏ tư tưởng gia trưởng độc đoán, nêu cao khẩu hiệu về lòng nhân ái, tình máu mủ ruột thịt, lòng biết ơn cha mẹ, tình làng nghĩa xóm...
Đặc biệt địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, làng văn hóa, khu dân cư văn hóa thì không thể có, không thể dung túng BHGĐ.
Ai cũng biết gia đình là tế bào xã hội. Vậy một gia đình có bạo hành chẳng khác nào một "tế bào bệnh tật" trong cơ thể. Ngăn chặn được các "tế bào bệnh tật" thì cơ thể sẽ khỏe mạnh. Vì vậy, ngăn chặn nạn BHGĐ sẽ giúp xã hội phát triển lành mạnh.
VĂN DUY