Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) tuyên bố phương Tây đang tiến tới chiến tranh không gian trong nỗ lực hỗ trợ các lực lượng mặt đất Ukraine, như dẫn đường cho tên lửa đạn đạo, tên lửa phóng loạt.
Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos Dmitry Rogozin ngày 18/6 cho biết phương Tây đang nhắm tới một cuộc chiến tranh không gian khi các công ty tư nhân của Mỹ thu thập dữ liệu hình ảnh và radar cho các lực lượng Ukraine.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh tin tức Rossiya 24, ông Rogozin tuyên bố rằng các công ty tư nhân của Mỹ như Lockheed Martin, Boeing, SpaceX và những công ty khác đang được giao nhiệm vụ trên với “một mục tiêu cụ thể: đảm bảo thu thập thông tin hình ảnh trong thời gian thực, cả thông qua các thiết bị radar hồng ngoại và qua giám sát thông thường. Theo ông Rogozin, dữ liệu này được thu thập để các lực lượng Ukraine có thể sử dụng nhằm “dẫn đường cho tên lửa đạn đạo hoặc vận hành nhiều hệ thống tên lửa phóng loạt”.
“Chúng ta có thể thấy nơi thực sự thế giới không gian phương Tây đang hướng tới. Nó đang hướng tới chiến tranh”, người đứng đầu Roscosmos nói.
Điều tương tự cũng đang diễn ra với các công ty truyền thông vệ tinh, chẳng hạn như Starlink - ông Rogozin nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi về việc liệu các vệ tinh của Nga có thể giám sát lãnh thổ Ukraine hay không, vị quan chức này nói: "Tất nhiên."
Đầu tháng 6 này, ông Rogozin từng cáo buộc rằng các công ty không gian tư nhân của Mỹ là “những nhà thầu tốt nhất, đáng tin cậy của Lầu Năm Góc, ít nhất là với các đặc vụ của Lầu Năm Góc hoặc CIA, núp dưới lớp vỏ ‘các công ty độc lập tư nhân’”
Bình luận của ông Rogozin được đưa ra ngay sau khi người đứng đầu Bộ Tư lệnh Không gian mạng Mỹ, Tướng Paul Nakasone lần đầu tiên thừa nhận rằng Washington đang hỗ trợ Ukraine bằng cách tiến hành các hoạt động tấn công mạng.
“Chúng tôi đang tiến hành một loạt chiến dịch trên khắp các dải tần; các chiến dịch tấn công, phòng vệ và thông tin”, tướng Nakasone nói với Sky News của Anh.
Từ khi bùng phát xung đột với Nga, Ukraine đã nhận được nhiều trợ giúp của các chính phủ phương Tây về quân sự, kinh tế và nhân đạo trị giá hàng tỷ USD. Nhưng bên cạnh đó, Ukraine cũng nhận được hỗ trợ từ khu vực tư nhân. Một trong những đóng góp lớn nhất mà họ nhận được là từ tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk, với hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh Starlink.
SpaceX, công ty của Elon Musk, cho biết họ đã chuyển 15.000 thiết bị Starlink cho Ukraine từ cuối tháng 2. Thiết bị này cho phép quân đội Ukraine sở hữu một hệ thống thông tin đáng tin cậy và mạnh mẽ. Quân nhân Ukraine sử dụng các hệ thống này để phối hợp các nhiệm vụ phản công hoặc yêu cầu hỗ trợ pháo binh. Trong khi đó, dân thường Ukraine có thể dùng Starlink để giữ liên lạc với thân nhân ở trong và ngoài nước.
"Starlink hoạt động rất hiệu quả. Nó đã giúp chúng tôi rất nhiều, trong nhiều trường hợp khi các thành phố bị phong tỏa. Đôi khi chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc với những nơi đó", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng nói với Wired. Hồi tháng 4, các quân nhân Ukraine cố thủ trong nhà máy thép Azovstal ở Mariupol đã liên lạc được với Kiev nhờ có thiết bị Starlink.
Tướng Steve Butow, quan chức tại Cơ quan đổi mới quốc phòng của Bộ Quốc phòng Mỹ, nhận định rằng việc Ukraine tiếp cận được Starlink đã làm ảnh hưởng tới "chiến lược thông tin" của Nga. Trước đó, Ukraine đã đề nghị được cấp Starlink để đối phó với các động thái mà họ cáo buộc là "tác chiến không gian mạng" của Nga.
Theo Báo Tin tức