Lê Huy bước khỏi cổng trại giam mà như người từ trên trời rơi xuống. Cảnh vật xung quanh ông tất cả đều như mới mẻ, xa lạ. Ông bâng khuâng ngước nhìn đất trời đang sáng rạng. Hoa lá, cỏ cây xanh tươi mơn mởn, phơi phới bước vào xuân. Xách túi tư trang theo con đường cấp phối từ cổng trại giam ra đường quốc lộ, lòng ông vừa phấn chấn vừa thổn thức với bao ý nghĩ ngổn ngang. Trong trí nhớ của ông: Đây là cửa ngõ phía tây thành phố. Mấy năm trước, nơi này còn là cánh đồng cấy lúa, trồng màu, nhà cửa chưa có, người đi lại thưa thớt. Vậy mà bây giờ đã biến thành đô thị, một khu công nghiệp rộng lớn, có bao con đường, con phố mới hình thành. Người, xe cộ đông vui nhộn nhịp. Tới ngã ba, Lê Huy còn đang ngập ngừng đặt bước chân lên con phố mới chạy về trung tâm thành phố, bỗng ông sững lại. Trước mặt ông, tấm biển nổi bật hàng chữ: “Điểm dừng xe buýt” bên cạnh nhà chờ nhỏ có mái che bằng nhựa màu xanh. Hai hàng ghế đá dài cho khách ngồi chờ. Phía sau hàng ghế là bảng tin lớn dán đầy tranh ảnh, quảng cáo. Lê Huy tiến lại gần, ngước nhẩm đọc những dòng chữ nhỏ màu trắng in trên tấm biển… Như vậy là tại điểm dừng này có tuyến xe buýt chạy về Phú Xuyên quê ông. Ông thở phào nhẹ nhõm, bước lên vỉa hè vào ngồi xuống ghế nhà chờ, tựa lưng vào thành ghế, rút điếu thuốc lá châm lửa hút. Trong làn khói trắng, đôi mắt ông lơ đãng nhìn lại con đường phía cổng trại giam đang tấp nập các loại xe ra vào đón người thân được ra trại kịp về đón xuân. Ông thầm nghĩ: “Mẹ con bà ấy chưa biết mình được ân xá. Án tù của mình những 6 năm, mới thi hành án được có 4 năm, không ai dám nghĩ mình sẽ được tha sớm thế này! Thôi thế cũng hay, mình về đột xuất đem cho cả nhà niềm vui bất ngờ xem ra lại càng vui hơn”.
- Chào bác ạ! Em hỏi khí không phải. Điểm chờ xe buýt về Phú Xuyên ở đây ạ?
Lê Huy giật mình quay lại. Người vừa hỏi là một phụ nữ bịt khăn len kín mặt, chỉ hở đôi con mắt đen, không biết đã già hay còn trẻ. Đứng cạnh người phụ nữ là một thanh niên dáng cao ráo, nước da trắng trẻo, khuôn mặt xương xương. Mắt đeo cặp kính cận, đầu để trần, mái tóc để dài xoăn tự nhiên. Tay xách ca táp đen, vẻ trí thức. Anh ta cũng mỉm cười, gật đầu thay lời chào Lê Huy. Ông chưa kịp trả lời. Người thanh niên quay sang người phụ nữ :
- Mẹ ngồi xuống ghế nghỉ chút xíu cho đỡ mệt, đi máy bay cũng xóc như ô-tô chứ bộ - Anh giơ tay nhìn đồng hồ - Từ Hà Nội tới đây mất một giờ ba mươi phút. Sắp về tới quê mình rồi phải không mẹ?
Người phụ nữ đặt va li xuống ghế đá, giọng phấn chấn:
- Sắp tới rồi con ạ! Từ thành phố về quê ta còn hai chục cây số nữa thôi, có lẽ phải mất nửa giờ xe buýt nữa đấy.
Quan sát hai người khách đồng hành nói chuyện với nhau, Lê Huy nhận biết họ là mẹ con ở xa về. Ông hỏi thay câu trả lời người phụ nữ :
- Thế hai mẹ con bà về Phú Xuyên?
- Dạ!
- Tôi cũng đang chờ xe về đó. Bà có người nhà ở Phú Xuyên à?
- Dạ! Mẹ con em gốc người Phú Xuyên, nhưng đi xa lâu rồi nay mới có dịp về thăm quê. Phú Xuyên bây giờ đã lên thị trấn phải không bác?
- Lên thị trấn gần chục năm rồi!
- Bác có biết thị trấn ta bây giờ ai là bí thư? Ai là...? Câu hỏi bỗng ngắt lại khi người phụ nữ chợt nhận ra dáng dấp quen quen của ông khách cùng chờ xe. Ông ta đeo cặp kính lão. Nước da ngăm đen, khuôn mặt hơi ngắn, đôi quai hàm bạnh và hàm răng hơi vổ, giọng nói trầm ồm kia có phải là...? Thoáng nghĩ trong giây lát, bà mạnh dạn. Xin lỗi! Bác... có phải... bác Lê Huy, Chủ tịch xã Phú Xuyên không ạ?
Câu hỏi bất ngờ của người phụ nữ lạ khiến Lê Huy giật mình quay lại, ngước nhìn chằm chằm, soi mói rồi cất giọng ồm ồm chậm rãi:
- Vâng, tôi là Lê Huy, là Chủ tịch xã Phú Xuyên đây. Thế còn bà? Sao bà lại biết tôi?
Người phụ nữ đưa tay kéo khăn trùm đầu, để lộ ra mái tóc điểm nhiều sợi bạc, khuôn mặt trái xoan trắng hồng, đầy đặn. Đôi mắt đen với ánh nhìn phúc hậu:
- Bác không nhận ra em sao? Có lẽ vì xa nhau lâu quá, vả lại em cũng già rồi, bác không nhận ra là đúng thôi. Em là Huệ đây, cô Huệ thanh niên xung phong ngày xưa từng gây bao phiền toái cho lãnh đạo địa phương, nhất là với chủ tịch xã... Bác còn nhớ không?
Lời gợi ý về quá khứ của người phụ nữ khiến Lê Huy chợt nhớ lại hình ảnh người con gái tên Huệ. Phải rồi: Đinh Thị Huệ, người làng Phú Đông, cô thanh niên xung phong thời chống Mỹ phục viên về làng. Ngày ấy cô Huệ nết na, xinh đẹp... Ở quê ông bấy giờ, con gái ở tuổi ngót nghét 30 như cô Huệ người ta xếp vào loại “quá lứa lỡ thì”. Chưa có chồng nên Huệ có điều kiện tham gia công tác địa phương. Cô từng là Hội trưởng Hội Phụ nữ xã, bản lĩnh, năng nổ, hoạt bát, hát hay... Vậy mà đùng một cái, tin cô Huệ chửa hoang lan truyền khắp xã. Huệ có chửa thật. Quan niệm xã hội lúc bấy giờ về chuyện ấy còn nghiệt ngã lắm, người có chửa hoang hay quan hệ tình ái bất chính là có tội lớn phải kiểm điểm, phải kỷ luật rất nặng. Trước các tổ chức, đoàn thể địa phương Huệ nhận hết lỗi lầm, khuyết điểm nhưng tuyệt nhiên không hé răng khai báo mình quan hệ với ai. Cô tự giác nhận kỷ luật Đảng, thôi mọi công tác để sinh con. Đứa con trai cô sinh ra không được ông chủ tịch xã chấp nhận làm giấy khai sinh. Không có khẩu thì không có thóc cân đối của hợp tác xã, không có ruộng phần trăm. Nghĩa là không có gì hết. Huệ cắn răng nuôi con trong tủi nhục cô đơn. Năm 1986 có đợt động viên dân đi kinh tế mới ở Tây Nguyên. Huệ đưa con vào Lâm Đồng hay Đắc Lắc gì đấy. Lúc ấy thằng bé mới 5 tuổi. Thương tình cảnh cô, ông chủ tịch thân chinh làm giấy khai sinh cho thằng bé. Ông nhớ mang máng hình như nó tên là Hùng, lấy họ Đinh của mẹ. Họ và tên bố vẫn để trống…
- Thế bác Huy đã nhận ra em chưa?
Câu hỏi nhẹ như bấc của bà Huệ cắt ngang dòng ký ức của Lê Huy. Ông lúng túng, vội ngẩng đầu, chớp chớp mắt rồi gật lia lịa:
- Nhớ... nhớ... Vâng! Tôi nhận ra rồi. Chị là Huệ ở Phú Đông, cán bộ phụ nữ xã ngày ấy- Lê Huy đưa tay gỡ cặp kính, nheo mắt- Dễ có tới 30 năm rồi còn gì? Vậy mà chị vẫn trẻ, vẫn đẹp lắm...
- Ấy chết, bác cứ khen khéo em, gần 60 tuổi rồi còn trẻ trung gì nữa.
- Không, tôi nói thật đấy! - Ông chỉ tay sang người thanh niên: - Có phải cháu Hùng đây không?
- Dạ! Cháu Hùng đấy ạ! Vậy là bác vẫn nhớ cháu nhỉ? Thằng bé làm tội các bác đấy. May mà ngày ấy em đưa cháu đi khỏi quê, mọi người mới trút được gánh nặng.
- Ấy sao chị lại nói thế, tôi thành thực xin lỗi chị. Vì ngày ấy nó là như vậy, tôi cũng ái ngại cho hoàn cảnh chị lắm chứ, mong chị thông cảm cho.
- Nhưng dù sao em cũng phải cảm ơn bác đã tạo điều kiện cho mẹ con em trước lúc đi. Bây giờ cháu bác đã trưởng thành. Nhân dịp năm mới, em đưa cháu về thăm quê, ăn Tết. Chả biết làng nước và các bác có nhận mẹ con cháu không đây?
Ông Lê Huy hạ giọng:
- Thôi mà, chuyện cũ chị nhắc lại làm gì cho đau lòng. Mà ngày xưa khác, bây giờ khác... Người làng đi xa về, bây giờ gặp được nhau là quý.
Bà Huệ đon đả:
- Bác Huy đã nghỉ hưu rồi hay vẫn còn tham gia công tác. Lớp cán bộ có thâm niên như các bác thì khó mà chối bỏ được trách nhiệm. Lần này mẹ con em trước là về thăm quê, sau là có việc nhờ đến các bác đây, chắc bác nhiệt tình giúp đỡ chứ ạ?
Lời hỏi thăm chân tình của bà Huệ khiến mặt ông Huy tự nhiên nóng rang, đỏ dần lên, khắp người ông như có kiến bò rôm đốt. Ông không dám nhìn thẳng vào mặt bà Huệ. Đầu cúi gằm xuống, nhấp nhổm như muốn tìm đường chạy trốn. Ông vội xua tay, nói lắp bắp:
- Thôi thôi! Chị đừng hỏi gì nữa. Tôi… tôi ngượng lắm, tôi không biết gì hết. Tôi không còn là cán bộ xã nữa. Tôi... bị đi tù... là người xấu... Chị không nói chuyện gì với tôi được nữa đâu.
Thái độ bất thường của ông Huy khiến mẹ con bà Huệ ngạc nhiên đưa mắt nhìn nhau. Hùng ái ngại hỏi mẹ:
- Bác ấy làm sao vậy mẹ?
Bà Huệ lắc đầu với con, bước lại gần ông Huy nhỏ nhẹ:
- Bác Huy, bác vừa nói gì vậy? Mẹ con em chẳng hiểu gì cả?
- Rồi chị sẽ hiểu. Thú thật với chị tôi vừa được ra tù, đang đón xe về quê.
Bà Huệ vẻ giận dỗi:
- Bác cứ đùa dai mẹ con em!
- Tôi nói thật chị vẫn không tin à? - Mặt ông Huy xịu xuống, méo xệch, giọng trầm trầm thều thào như tiếng gió: - Tôi phạm pháp phải đi tù, mất hết cả rồi, xin lỗi đã làm chị thất vọng, không vui khi gặp lại tôi.
Bà Huệ sốt ruột:
- Vậy thì làm sao? Làm sao bác nên nông nỗi này?
Mắt ông Huy đỏ hoe, hai quai hàm bạnh ra làm mặt ông ngắn lại, vầng trán vốn hằn những nếp nhăn co dúm lại nom càng thiểu não, khắc khổ:
- Chuyện dài lắm chị ạ! - Ông ngồi ngay ngắn lại, giọng trầm buồn - Chuyện là thế này! Cách đây hơn 4 năm, đúng vào thời điểm tôi sắp nghỉ hưu thì có đoàn thanh tra kinh tế của tỉnh về thanh tra ngân sách xã Phú Xuyên. Họ phát hiện ra vụ tham ô công quỹ rất nghiêm trọng của một số cán bộ chủ chốt xã. Bây giờ nhiều đêm không ngủ được, tôi nằm nghĩ mà sợ. Vượt qua mọi sóng gió đến cuối đời vẫn để tuột khỏi tay hai chữ “Bình yên” do chủ quan, thấp kém về trình độ quản lý kinh tế. Suốt 20 năm làm chủ tịch còn bị mấy đứa trẻ nó lừa mà không biết… Những khoản thu, chi hằng năm của xã đều có chứng từ, hoá đơn thanh quyết toán. Ai ngờ đám thủ quỹ, kế toán họ thông đồng với tay phụ trách ngân sách xã bí mật lập chứng từ hoá đơn thu, chi giả để hợp lý hoá ngân sách, rút tiền chia nhau. Lạy giời, thi thoảng họ đưa cho mình cái phong bì nói là tiền hoa hồng phần trăm làm thủ tục chuyển nhượng đất, hay tiền chi công tác phí... Họ nhằm lúc mình có tí men, đã phê phê mới đem hoá đơn chứng từ cho mình ký duyệt. Mình vô tâm, tin tưởng họ cứ ký đại. Đến khi bị thanh tra phát hiện ra thì số tiền tham ô lên tới mấy tỷ đồng. Giấy trắng mực đen. Mọi chứng từ giả đều do mình ký hết, cãi sao được. Vụ việc bị phanh phui, tay cán bộ phụ trách ngân sách sợ quá bị tai biến mạch máu não chết. Không có người tường trình, lý giải... Mọi tội lỗi đổ hết lên đầu chủ tịch là chủ tài khoản... Thế đấy! Ông Lê Huy thở dài đánh thượt, chẹp miệng: “Bút sa gà chết” mà. Ở đời nói thì dễ, làm thì thật khó, giữ được mình lại càng khó hơn chị ạ! Tôi buồn, ân hận vì tự đánh mất mình, đấy cũng là cái giá phải trả ...
Từ nãy, mẹ con bà Huệ chú ý lắng nghe ông Huy kể, trong lòng họ cũng canh cánh nỗi buồn, thương cảm cho ông. Bà Huệ tin những điều ông chủ tịch tâm sự . Ông là người bộc trực. Chuyện không may xảy ra tất nhiên ông phải là người chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bà Huệ động viên ông Huy:
- Âu cũng là cái số bác ạ! Mình chót một lần vấp ngã. Chuyện đã rồi, nhưng không phải thế là hết. Mọi việc rồi sẽ qua đi. Như em đây, quần nhau mãi với bom đạn Mỹ ở Trường Sơn khi về quê, cầu mong có một tổ ấm gia đình cũng không được. Có được thằng cháu Hùng đây cũng phải trả giá, mất tất cả. Nhưng mình cứ ăn ở cho phải đạo, dẫu sao xung quanh vẫn có nhiều người thông cảm, yêu thương, đối xử với mình có tình có nghĩa là được. Mọi chuyện cứ cho về quá khứ để sống cho thanh thản…
Được bà Huệ động viên, ông Huy như trút đi gánh nặng nỗi buồn tâm tư, tủi hổ. Ông ngẩng đầu lên, gỡ cặp kính, rút khăn mùi xoa chấm lên khoé mắt, tinh thần phấn chấn, bình tĩnh trở lại. Như chợt nhớ tới câu hỏi lúc nãy của bà Huệ, ông hỏi lại:
- À, lúc nãy hình như chị có điều gì định nhờ địa phương nhỉ?
- Vâng!
Bà Huệ định nói thì Hùng đỡ lời mẹ:
- Thưa bác, chả là mẹ con cháu về quê lần này trước hết là thắp hương ông bà ngoại cháu, sau sẽ liên hệ với các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương xin phép, trình dự án xây dựng doanh nghiệp sản xuất giày dép tại cụm công nghiệp thị trấn Phú Xuyên quê mình. Cháu mong có sự giúp đỡ, ủng hộ của lãnh đạo và nhân dân địa phương. Bác thấy thế nào?
- Thế thì tốt quá! Các cháu đi xa, bây giờ quay về đem tài trí góp sức xây dựng phát triển kinh tế quê hương thì còn gì bằng nữa. Bác tin các anh lãnh đạo huyện, thị trấn Phú Xuyên và bà con mình sẽ ủng hộ cháu- Ông Huy không giấu nổi niềm vui, nét mặt bỗng trở nên tươi tắn, nhanh nhẹn hẳn lên. Ông vỗ vai Hùng - Này, công ty của cháu xây dựng xong nhớ dành cho ông già này một chân bảo vệ đấy nhé!
Chuyến xe buýt đầu tiên sáng ngày ba mươi Tết từ thành phố đi Phú Xuyên dừng lại ở điểm đón khách. Ông Huy cùng mẹ con bà Huệ vội vã lên xe. Xe lướt êm ru trên con đường từ thành phố về Phú Xuyên mới nâng cấp thênh thang rộng mở. Mặt đường nhựa nhẵn bóng, phẳng lỳ. Người, xe nườm nượp, hối hả ngược xuôi... Hai bên đường, trước cửa mỗi nhà muôn sắc cờ hoa xuân khoe màu rực rỡ.