Nêu gương nói, nêu gương làm

03/03/2019 09:32

Gần đây, dư luận bàn nhiều đến việc nêu gương.

Cùng với việc tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thể hiện qua việc ban hành hai nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là Nghị quyết Trung ương4 khóa XI và XII, có lẽ chưa bao giờ việc đề cao trách nhiệm nêu gương được đặt ra mạnh mẽ, quyết liệt như những năm gần đây. Đặc biệt từ khi Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25.10.2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương được ban hành. 

Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên đã được đề cập từ lâu, đề cập nhiều lần trong các văn bản, nghị quyết, quy định của Đảng. Nhưng đây là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương ban hành một quy định, trong đó đề cập cụ thể trách nhiệm nêu gương của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng - Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, cho thấy tính công khai, minh bạch, dân chủ trong Đảng ngày càng được phát huy. Sự ra đời của Quy định 08-QĐi/TW nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao; một lần nữa khẳng định việc nêu gương là trách nhiệm, bổn phận và đạo lý của người cán bộ.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19.5.2018 của Ban Chấp hành Trung ương về "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ". Kế hoạch này đang được các cấp, các ngành triển khai, được coi là nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên, được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và toàn diện. Theo đó, đội ngũ cán bộ phải thực sự nêu gương ở cả hai phương diện: nói và làm.

Nêu gương nói là truyền đạt đầy đủ mọi chủ trương, chính sách với các cán bộ và người dân. Nhưng không chỉ nói theo kiểu "thuộc lòng". Người nêu gương phải là người sống chuẩn mực, lối sống và tâm hồn luôn luôn thanh cao, trong sáng. Người đó phải làm tới cùng, làm hết sức, không tính toán thiệt hơn cho riêng mình. Không thể khi nói thì trơn tru, đầy khẩu khí nhưng hành động thì ngược lại. Đã có nhiều gương xấu "tham nhũng vặt" như thế xảy ra ở nhiều cơ quan, đơn vị, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân khi có việc phải đến cơ quan công quyền. Nêu gương nói phải đi đôi với nêu gương làm, nêu gương bằng hành động cụ thể, tạo mọi thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhân dân.

Hiện nay, nêu gương đang trở thành một yêu cầu bắt buộc ở các cơ quan, đơn vị, nhất là những nơi có trách nhiệm phục vụ nhân dân, cho nên cần đề cao, nêu gương nói và nêu gương làm. Báo chí đưa tin, thực hiện "nêu gương", cả 11 phường thuộc quận 12 TP Hồ Chí Minh đều thực hiện quy định: Các cơ quan có liên quan đến nhân dân đều làm thêm giờ trưa, có khi kéo dài đến 6 giờ chiều để giải quyết công việc cho dân. Quy định này được nhân dân rất hài lòng.

Nhằm đẩy mạnh việc nêu gương, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án văn hóa công vụ. Trong đó nhấn mạnh: "Phải có ý thức tổ chức kỷ luật, sử dụng có hiệu quả thời gian làm việc, tránh hiện tượng trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa đại khái, kém hiệu quả, nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức". Đó chính là nêu gương. Nêu gương để mọi người đều trở thành tấm gương sáng, gương sống. Gương sống ấy không chỉ ở những điều lý tưởng cao xa, mà chính từ suy nghĩ, việc làm hằng ngày, để nhận được sự tin yêu, quý trọng của mọi đồng nghiệp và người dân mỗi khi có việc cần đến sự giúp đỡ của cơ quan công quyền. Đó chính là phần thưởng cao quý cho người nêu gương, cả nêu gương nói và nêu gương làm.

NGUYỄN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nêu gương nói, nêu gương làm