Nét độc đáo về thuật ngữ, hình thức thi pháp trong "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến"

17/12/2021 15:14

Chỉ với vẻn vẹn gần 200 từ, nhưng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền tải được một cách trọn vẹn ý nghĩa thông điệp.


"Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19.12.1946 (bản chụp lại). Nguồn: Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong lịch sử kháng chiến bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam, đã có nhiều văn bản lịch sử quan trọng kêu gọi các tầng lớp nhân dân đứng lên đấu tranh chống ngoại xâm. “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ngày 19.12.1946 là một trong những văn bản lịch sử vĩ đại của dân tộc, khẳng định và nhấn mạnh sự bất khuất, ý chí độc lập tự cường của dân tộc Việt Nam.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, hình thức thi pháp của “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” được viết theo lối cực hạn, nghĩa là không dài dòng, không sử dụng nhiều biện pháp tu từ, ẩn dụ nghệ thuật. Chỉ với vẻn vẹn gần 200 từ, nhưng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền tải được một cách trọn vẹn ý nghĩa thông điệp. Đây chính là một sự lựa chọn đầy hàm ý trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước tình thế cách mạng cấp bách, khẩn trương do thực dân Pháp đã ở ngay trên đất nước ta lúc đó.

Chủ thể nói trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng là toàn thể dân tộc - “chúng ta” chứ không phải là cá nhân Người. "Chúng ta” ở đây chính là toàn thể dân tộc, Người nói ra lời nói của toàn thể dân tộc chọn tâm thế, tư thế đại diện cho tiếng nói lương tri, tinh thần yêu nước của toàn thể nhân dân, không phải với tư cách của một người tổng tư lệnh, đứng đầu nhà nước.

Đối tượng nghe trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là toàn thể nhân dân - công dân Việt Nam. Nếu làm phép so sánh về đối tượng người nghe giữa “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với “Hịch tướng sĩ”, ta thấy có sự khác nhau rất rõ. Trong “Hịch tướng sĩ”, đối tượng người nghe phạm vi hẹp hơn, chỉ gồm quân sĩ.

Quan hệ giữa người nói và người nghe trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” là hoàn toàn bình đẳng. Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng từ “đồng bào”, “chúng ta” để đối thoại. Trong đối tượng người nghe hướng tới, Người không hề giới hạn hay bó hẹp ở bất kỳ một tầng lớp nào: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”. Về vấn đề này so sánh với quan hệ người nói và người nghe trong “Hịch tướng sĩ” ta thấy khác hoàn toàn, trong “Hịch tướng sĩ” quan hệ này có tính thứ bậc, do vậy đại từ sử dụng thể hiện rõ tính thứ bậc, “ta” với “các ngươi”.

Đối tượng người nghe trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” được Chủ tịch Hồ Chí Minh khuôn dần lại từ nhân dân nói chung tới nhấn mạnh lực lượng vũ trang và tự vệ. Đây là đối tượng người nghe tất yếu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn hướng đến, bởi khi kháng chiến thì lực lượng tiên phong và chủ lực chính là lực lượng vũ trang. Người viết: “Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn ngầm hướng tới các đối tượng khác rộng lớn hơn. Các nhà bác học Đức W.I-sơ khẳng định trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” còn hướng tới đối tượng là thực dân Pháp, đây là đối tượng nghe tiềm tàng. Mặc dù không xuất hiện trực tiếp, rõ ràng trên văn bản nhưng rõ ràng trong quá trình soạn thảo Chủ tịch Hồ Chí Minh đều đã dự trù đến đối tượng người nghe này. Điều này được thể hiện qua tinh thần quyết tử để Tổ quốc quyết sinh nhằm biểu đạt lời răn đe mạnh mẽ đến kẻ thù: “Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”. Quyết tâm sắt đá này được thể hiện với kẻ thù như một tuyên bố có tính cảm tử, sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ độc lập, tự do. Chính vì đối tượng nghe ngầm ẩn bao gồm cả thực dân Pháp, nên lời lẽ, văn phong, giọng điệu của “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” hùng tráng, cương mãnh, gãy gọn, chắc nịch là một lời tuyên chiến chính thức.

Đối tượng người nghe cuối cùng của “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, đó là toàn thể cộng đồng quốc tế yêu chuộng hòa bình, chính nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát ra một thông điệp về ý nghĩa cuộc kháng chiến vệ quốc lần này của dân tộc Việt Nam. Việt Nam đã cố gắng hết sức nhân nhượng với đế quốc Pháp nhằm giữ gìn nền hòa bình. Đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã sang tận Pháp để hòa đàm, nhưng kết cục trước dã tâm quá lớn của đế quốc Pháp, cuộc chiến tranh không mong muốn nhưng tất yếu của Việt Nam vẫn buộc phải diễn ra để tự vệ và cũng để bảo vệ nền độc lập thiêng liêng của Tổ quốc. “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa”

“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” nhấn mạnh giá trị thiêng liêng của cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại: “Chúng ta muốn hòa bình… vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa… Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Giá trị nhân văn cao cả của “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” nằm ở chỗ nêu rõ giá trị chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Pháp vĩ đại. Đó là một cuộc đấu tranh của một dân tộc, một đất nước có chủ quyền để chống lại chế độ thực dân đang muốn nô lệ hóa thuộc địa một lần nữa.

“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” là một văn bản kép, vừa tuyên chiến cảm tử với kẻ thù (thực dân Pháp), lại vừa động viên, kêu gọi toàn dân đứng lên đánh giặc. Với đa phần là những câu ngắn, câu đặc biệt mang tính khẳng định, mệnh lệnh: “Không!”, “Hỡi đồng bào!”, “Kháng chiến thắng lợi muôn năm”…, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuyển tải toàn bộ ý nghĩa lịch sử của một lời hiệu triệu dân tộc và tuyên chiến với kẻ thù. “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” đã thể hiện được tư tưởng, khí chất Hồ Chí Minh nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

PHẠM XUÂN THÔNG

(0) Bình luận
Nét độc đáo về thuật ngữ, hình thức thi pháp trong "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến"