Nét đẹp kiến trúc ở "làng tiến sĩ"

14/11/2016 08:04

Về “làng tiến sĩ” - thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng (Bình Giang), nhiều người không khỏi trầm trồ bởi nét đẹp, sự độc đáo của hàng loạt công trình kiến trúc văn hóa nơi đây.



Nhà văn hóa thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng (Bình Giang) có kiến trúc mái cong mô phỏng theo một ngôi đình cổ


Đi dọc "Con đường tiến sĩ" rộng thênh thang với hàng cau vua thẳng tắp, du khách sẽ bắt gặp quần thể khu lăng mộ thủy tổ thành hoàng làng Mộ Trạch, tháp bút nghiên, vườn tiến sĩ. Quần thể công trình kiến trúc này mới được xây dựng từ năm 2010 và cơ bản hoàn thiện vào năm 2014. Trong đó, khu lăng mộ được khởi công xây dựng tháng 3 - 2010 với tổng kinh phí đầu tư 7 tỷ đồng do con em dòng họ Vũ - Võ đóng góp. Hầu hết các hạng mục khu lăng mộ làm bằng đá xanh Thanh Hóa do các nghệ nhân làng nghề đá Ninh Vân (Ninh Bình) chạm khắc. Nhiều hoa văn trang trí được lấy mẫu từ ngôi miếu cổ của làng. Xung quanh khu lăng mộ, hệ thống cây xanh được trồng hài hòa, tạo không gian xanh mát. Tổng thể khu lăng mộ rộng hơn 3.600 m2. Đây là nơi người dân trong làng, con em dòng họ Vũ - Võ và du khách thập phương đến thắp hương tưởng nhớ công đức của ông tổ dòng họ Vũ - Võ, đức thánh Vũ Hồn.

Làng Mộ Trạch được thủy tổ Vũ Hồn (804-853) khởi lập. Khi thành lập làng, tại đây, cụ đã mở trường, khuyến khích sự học và đưa Mộ Trạch trở thành đất khoa bảng rực rỡ. Chỉ tính riêng thời hậu Lê (1428-1789), làng Mộ Trạch có 36 vị đỗ tiến sĩ, được mệnh danh là "Lò tiến sĩ xứ Đông".

Nằm cạnh khu lăng mộ là tháp bút nghiên, vườn tiến sĩ được khởi công xây dựng tháng 3-2012. Tháp hình vuông cao 12,8 m gồm 7 tầng làm bằng đá xanh Thanh Hóa. Trên đỉnh tháp là một cây bút lông dựng ngược bằng đồng mạ vàng mô phỏng theo Tháp Bút đài nghiên tại đền Ngọc Sơn (Hà Nội). Trong văn hóa Hán Nôm thì bút nghiên là báu vật, tôn vinh truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam. Việc các con cháu dòng họ Vũ - Võ ủng hộ hàng chục tỷ đồng để hoàn thiện công trình văn hóa này nhằm tôn vinh điều đó.

Chỉ là một làng nhỏ nhưng Mộ Trạch có dày đặc các công trình văn hóa nhắc nhớ đến truyền thống hiếu học.


Từ quần thể khu lăng mộ, tháp bút nghiên, vườn tiến sĩ, tiếp tục đi dọc theo "Con đường tiến sĩ" khoảng 2 km sẽ đến cổng làng. Cổng làng được xây dựng năm 2007. Tuy là công trình mới nhưng cổng làng Mộ Trạch vẫn giữ được lối kiến trúc truyền thống. Cổng được thiết kế theo kiến trúc tam quan, gồm 1 cổng chính, 2 cổng phụ, phía trên cổng lợp mái ngói, 4 góc uốn cong. Trên cổng có dòng chữ lớn “Cổng làng Mộ Trạch”. Trên cổng còn có 3 cặp câu đối bằng chữ quốc ngữ do Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu tặng, trong đó nổi bật nhất có câu đối: "Vào hiếu ra trung sự nghiệp vẻ vang từ cổng ấy/Đi đưa về đón khoa danh rạng rỡ tại làng này".

Cách cổng làng không xa là nhà văn hóa (NVH) thôn. Không giống như phần lớn NVH hiện nay, kiến trúc của NVH thôn Mộ Trạch được thiết kế mô phỏng theo hình dáng của một ngôi đình. Nhà có 4 trụ với 4 mái cong, đỉnh mái được chạm khắc rồng. Cửa làm bằng gỗ, các con tiện chạm khắc các họa tiết cổ. NVH rộng hơn 400 m2 trong tổng thể khuôn viên rộng 3.500 m2, kinh phí xây dựng 2 tỷ đồng do nhân dân và con em dòng họ Vũ xa quê hương đóng góp. NVH có tủ sách của làng với hơn 6.000 đầu sách. Sau hơn 1 năm xây dựng, năm 2009 NVH hoàn thành, trở thành nơi tổ chức các hoạt động chính trị, văn hóa, thể dục, thể thao của làng.

Nói về kiến trúc đẹp mắt của NVH thôn Mộ Trạch, ông Vũ Quốc Ái, thường trực Ban Quản lý di tích miếu làng Mộ Trạch cho biết: “Ý tưởng xây dựng NVH theo lối kiến trúc cổ là do cả chính quyền, nhân dân trong thôn thống nhất đưa ra sau nhiều lần họp bàn. Đến nay, NVH đã trở thành công trình quen thuộc và được nhân dân coi như một đặc sản kiến trúc của địa phương”.

Ngoài những “đặc sản" kiến trúc mới, thôn Mộ Trạch còn hàng loạt các công trình kiến trúc cổ gắn bó bao đời nay với người dân như miếu, đình làng, chùa Diên Phúc, giếng tiên… Trong đó, miếu là nơi thờ chính, đình là nơi thờ vọng thủy tổ dòng họ Vũ - Võ, đức thánh Vũ Hồn. Cả miếu và đình làng đều đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Riêng giếng tiên nằm trong khuôn viên chùa Diên Phúc có từ thời hậu Lê được biết đến với dòng nước trong, không bao giờ cạn. Vì thế từ bao đời nay người dân thường xin nước giếng về để lấy lộc, cầu may.

 Để bảo tồn và phát huy giá trị của các công trình văn hóa, bên cạnh việc bố trí người trông coi, thôn Mộ Trạch đã và đang xây dựng kế hoạch trùng tu, tôn tạo, bảo vệ các di tích. Tại miếu làng, từ nay đến cuối năm, thôn Mộ Trạch sẽ hoàn thành việc dựng bia tôn vinh 36 vị tiến sĩ Nho học. Đây sẽ là một điểm nhấn văn hóa tiếp theo của “làng tiến sĩ”.

Chỉ là một làng nhỏ nhưng Mộ Trạch có dày đặc các công trình văn hóa nhắc nhớ đến truyền thống hiếu học. Vì thế, các thế hệ người làng đều phát huy truyền thống để luôn là điểm sáng của đạo học. Hằng năm, số lượng học sinh đỗ đại học, học sinh giỏi của thôn luôn đứng đầu huyện. Năm 2016, thôn có 15 học sinh đỗ đại học, hàng chục cháu đạt học sinh giỏi các cấp. Từ năm 1960 đến nay, làng Mộ Trạch có hơn 300 người có trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

MAI LINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nét đẹp kiến trúc ở "làng tiến sĩ"