Nét đẹp đình, chùa Bằng Trai

02/07/2013 06:45

Trải qua bao biến cố lịch sử do chiến tranh, thiên tai tàn phá, nhưng đình, chùa Bằng Trai còn giữ được nhiều cổ vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật.



Đình, chùa Bằng Trai là một trong những di tích được xếp hạng cấp tỉnh đầu tiên. Ảnh: Minh Mẫn


Đình, chùa Bằng Trai ở xã Vĩnh Hồng (Bình Giang) còn có tên nôm là đình, chùa Me Trai. Bằng Trai chính là một trong 9 làng Me cổ của huyện Bình Giang, mà ngạn ngữ từ xưa đến nay còn truyền tụng "Ba Bì, bẩy Bượi, chín làng Me" để nói về những làng có tên trùng nhau của huyện Bình Giang.

Đầu thế kỷ 19, Bằng Trai có tên là Bằng Tể thuộc xã My Thữ, tổng Tông Tranh, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng. Xa xưa đây vốn là vùng đất ngập mặn của biển, dấu tích ngày nay còn khá nhiều lớp vỏ sò được bộc lộ trong quá trình nhân dân sản xuất nông nghiệp. Là vùng quê giàu truyền thống lịch sử - văn hóa, nhân dân còn giữ được nhiều di tích lịch sử, bảo lưu những sự tích ly kỳ, hấp dẫn.

Căn cứ vào thần tích được soạn thảo thời Lê (1740) còn lưu giữ tại đình và truyền thuyết tại địa phương thì đình Bằng Trai thờ danh tướng thời Đinh có tên là Trình An Tể, có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân ở thế kỷ 10.

Về kiến trúc nghệ thuật, đình Bằng Trai làm theo kiểu chữ đinh, gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung, kết cấu vì chính theo kiểu chồng rường, chạm khắc đơn giản. Hậu cung xây kiểu bít đốc bổ trụ, phía trước có hai nhà dải vũ, mỗi dãy 5 gian với chất liệu gỗ lim toàn phần.

Chùa Bằng Trai (Trung thiên tự) được xây dựng liền kề bên phải đình, theo mô tuýp "tiền thần, hậu Phật". Công trình được xây dựng lui về phía sau một chút, cùng hướng với đình. Chùa được xây dựng khá sớm, kiến trúc hiện còn kiểu chữ đinh gồm 3 gian tiền đường và 2 gian thượng điện với chất liệu gỗ lim toàn phần, trang trí giản dị, mộc mạc đậm nét dân gian. Chùa thờ Phật (xưa có nhiều tượng Phật), là nơi nhân dân địa phương thường xuyên đến lễ Phật cầu mong những điều tốt đẹp cho gia đình và quê hương.

Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp gian khổ và ác liệt, trong một trận càn của Pháp vào đầu năm 1947, để mở rộng vành đai chi khu quân sự Kẻ Sặt và xây dựng bốt My Khê (thuộc xã Vĩnh Hồng), thực dân Pháp đã dỡ bỏ đình Bằng Trai, phá hủy đồ thờ tự.

Sau hòa bình lập lại (1954), mặc dù đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, nhưng địa phương đã huy động sức người sức của để tu bổ lại khu di tích đình, chùa làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng cho nhân dân. Đặc biệt khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, cùng với các hoạt động văn hóa, văn nghệ khác, công cuộc trùng tu khu di tích đã được nhân dân địa phương ủng hộ nhiệt tình bằng tiền bạc và công sức của mọi người. Khu di tích đã được xây dựng khang trang.

Trải bao biến cố lịch sử do chiến tranh, thiên tai tàn phá, nhưng đình, chùa Bằng Trai còn giữ được nhiều cổ vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật, tiêu biểu là 1 đôi tượng phỗng chất liệu gỗ, 1 đôi hạc thờ niên đại thế kỷ 18 và 7 đạo sắc phong thời Nguyễn (thế kỷ 19).

Với những giá trị nêu trên, đình, chùa Bằng Trai đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh vào năm 2005, là một trong số những di tích được xếp hạng cấp tỉnh đợt đầu tiên. Từ đó đến nay, đình, chùa Bằng Trai đã được nhân dân địa phương tu sửa khang trang hơn rất nhiều.

LÊ THỊ DỰ

Lễ hội truyền thống đình, chùa Bằng Trai được tổ chức từ ngày 10 - 15 tháng giêng, ngày mồng 10 tổ chức rước sắc phong từ nhà thờ ra đình để rước cùng với kiệu bát hương thành hoàng. Đoàn rước gồm các vị chức sắc của làng, thiện nam tín nữ và dân làng đội lễ vật. Hai kiệu được thanh niên trai tráng của làng mặc áo nâu đỏ, quần trắng, quấn khăn đầu rìu khiêng, đoàn các thanh niên vác bát biểu, siêu đao, cờ thần đi trước. Đoàn rước đi đến Miếu lăng và đầu đê làng thường có hiện tượng "kiệu bay", mọi người hò reo sôi động cả một vùng. Hiện tượng "kiệu bay" ở lễ hội đã có từ rất lâu rồi, mọi người cũng không có ai giải thích được rõ ràng về hiện tượng này, nhưng nó đã tạo ra một không khí linh thiêng tràn ngập lễ hội và nhân dân trong vùng đến tham dự lễ hội rất đông cũng là để chứng kiến hiện tượng "kiệu bay" trong đám rước ở đây. Từ ngày 11 - 14 tổ chức lễ tế thần tại đình, ngày 15 rước sắc về nhà thờ và làm lễ an vị kết thúc lễ hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nét đẹp đình, chùa Bằng Trai