Chỉ trong thời gian ngắn (2 năm 2010-2011), Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh cùng ấn hành “Chuyện của lính Tây Nam” của nhà văn Thủy Hướng Dương (tên thật là Vũ Thị Thanh Thủy, sinh năm 1972). Điều này khẳng định sức cuốn hút của cuốn sách về đề tài trước nay ít được khai thác - cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam.
Tuấn “tròn” trong “Chuyện của lính Tây Nam” là một thanh niên Hà Nội nhập ngũ năm 1976 vào Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 thuộc Quân đoàn 1, để thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đến tháng 12-1977, Tuấn cùng đơn vị từ Bỉm Sơn (Thanh Hóa) hành quân vào chiến đấu ở chiến trường Tây Nam. Từ đó đến tháng 11-1979, khi Tuấn cùng đồng đội tạm biệt Cam-pu-chia để hành quân ra biên giới phía Bắc, rồi xuất ngũ trở thành công dân về với đời thường cùng với những thương tật do chiến tranh để lại. Hai năm và không gian là một hướng chiến trường biên giới Tây Nam, trên đất bạn Cam-pu-chia đã ghi dấu biết bao sự kiện trong đời người lính vận tải Tuấn “tròn” và những đồng đội của anh. Trong quãng thời gian ấy, Tuấn được chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh, tội ác của lính Pôn Pốt gây ra cho người dân Cam-pu-chia. Và trái ngược với đó là tinh thần dũng cảm chiến đấu, sự gan dạ, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ, hy sinh và lòng nhân đạo của bộ đội Việt Nam, là những diễn biến tâm lý của người chiến sĩ, kể cả sự sợ hãi khi kinh qua những trận chiến đấu... Tâm trạng, hành động của Tuấn và đồng đội anh được Thủy Hướng Dương thể hiện sinh động, chân thật, khiến cho người đọc cảm thấy như sự vật, sự việc ấy đang phơi bày ra trước mắt.
Thủy Hướng Dương tập trung khai thác về chiều sâu nội tâm của Tuấn qua hình ảnh một người có tâm hồn lãng mạn nhưng nhanh nhẹn, tháo vát và gan dạ. Tuấn cảm nhận được mùa mưa của miền Tây Nam Bộ qua tiểu thuyết “Mẫn và tôi” của nhà văn Phan Tứ; thấy cái khổ cực, ác liệt của chiến tranh qua tác phẩm “Dấu chân người lính” của Nguyễn Minh Châu. Rồi Tuấn đã “phát khóc vì toàn bộ số anh em thân thiết ở đại đội đều được ở với nhau, chỉ mỗi tôi phải đi đơn vị khác. Mặc dù tôi đã cố kìm, nhưng nước mắt vẫn trào ra”. Lãng mạn, nhưng Tuấn rất nhanh thích nghi với điều kiện mới. Anh được phân công làm tiểu đội trưởng một tiểu đội toàn những người nhập ngũ trước mình, nhưng anh đã xử lý tốt những mối quan hệ, để toàn tiểu đội đoàn kết, cùng nhau thực hiện nhiệm vụ được giao. Cũng từ tính cách ngang tàng, lòng gan dạ, giúp anh cùng tiểu đội bước vào chiến đấu tự tin hơn. Rồi những câu chuyện “làng tôi”, chuyện tiếu lâm, khiến cuộc sống sinh hoạt của người lính thêm phong phú, góp phần giúp người lính vượt khó khăn, gian khổ, lâm trận chiến đấu dũng cảm, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Những tình huống trong chiến đấu cũng được Thủy Hướng Dương xử lý thành công trong “Chuyện của lính Tây Nam”, trong đó có việc mẹ của Tuấn đến thăm con ở ngay mặt trận, nơi “hòn tên mũi đạn”. Bà mẹ đi công tác ở TP Hồ Chí Minh, rồi lặn lội lên biên giới Tây Nam để thăm con. Mẹ của Tuấn đã để cho người lái xe quay về thành phố, một mình tự tìm đường đến đơn vị của Tuấn, điều đó tạo động lực cho Tuấn và các đồng đội của anh chiến đấu. Rồi những chuyến vận tải tải đạn, gạo, thực phẩm lên tuyến trước; tải thương binh và tử sĩ về tuyến sau, dù khó khăn và có thể hy sinh tính mạng, nhưng Tuấn và đồng đội cùng đơn vị đều quyết tâm thực hiện nhiệm vụ.
Qua sự thể hiện của Thủy Hướng Dương, “Chuyện của lính Tây Nam” tố cáo mạnh mẽ tội ác diệt chủng của chế độ Pôn Pốt. Một sự tình cờ, chiến sĩ Ẩn muốn lấy con dao găm Trung Quốc trên một cái hố bên đường. Anh vô tình lội vào một hố chôn người của bọn Pôn Pốt: “Ẩn cứ đạp đến đâu, xương cốt, đầu lâu đã phân hủy thi nhau trồi lên đến đó. Tôi sợ, đứng bất động như trời trồng. Thằng Ẩn cứ như bơi trên cái thứ nước sình lầy đen kịt lẫn với đầu lâu, xương xẩu đó”… Đối lập với sự man rợ mà chế độ Pôn Pốt gây ra là vẻ đẹp tình người, lòng nhân hậu và tình đoàn kết quốc tế của cán bộ, chiến sĩ Việt Nam. Việc Tuấn “tròn” cùng đồng đội phải nhịn đói, nuốt nước miếng khi thấy hàng hủ tiếu của dân bạn; cho người dân đang đói của bạn đến hạt gạo cuối cùng. Cao hơn cả là tình đồng đội qua việc cứu thương, đưa tử sĩ về tuyến sau của Tuấn và đồng đội; là trận đánh dù có thêm người hy sinh để lấy được tử sĩ về. Là sự chết hụt, thương tích đầy mình của Tuấn và đồng đội, nhưng không ai chùn bước, quên nỗi sợ hãi để làm tròn nhiệm vụ. Đan xen những câu chuyện kể về sự khốc liệt trong chiến tranh là những câu chuyện hậu phương; chuyện nhận thư nhà và chuyện lấy vợ của Trần Vòng, người lính vận tải không biết chữ, phải nhờ Tuấn viết hộ thư cho vợ… Những câu chuyện chân thật được Thủy Hướng Dương thể hiện tự nhiên, gây xúc động người đọc.
Đình Xuân