Nên dạy trẻ mầm non dập lửa hay thoát lửa?

11/08/2019 10:04

Từ sự việc cô giáo châm lửa vào cồn để dạy trẻ cách dập lửa không may khiến 3 cháu bị bỏng nặng ở Hà Nam, nhiều người băn khoăn: nên dạy trẻ mầm non kỹ năng dập lửa hay thoát lửa?


Công an quận 3, TP Hồ Chí Minh hướng dẫn học sinh Trường tiểu học Lương Định Của (quận 3) cách thoát hiểm khi có hỏa hoạn 

Chương trình giáo dục mầm non có nội dung dạy kỹ năng sống cho trẻ với đề tài Bé học kỹ năng thoát hiểm khi hỏa hoạn, dành cho trẻ lứa tuổi mẫu giáo lớn, thời lượng 30-35 phút/tiết.

Mục đích bài học giúp trẻ mầm non biết một số kỹ năng thoát hiểm khi có cháy; biết tác dụng của lửa; biết một số nguyên nhân, cách phòng tránh không để xảy ra hỏa hoạn cũng như những ứng xử khi gặp nguy hiểm.

Không nhất thiết cứ phải có lửa

Với nội dung này, tùy theo cách xây dựng, thiết kế bài dạy nhưng hầu hết giáo viên cho trẻ chơi trò chơi, kèm các giáo cụ hỗ trợ như: máy phun khói, powerpoint các hình ảnh...

Cô Nguyễn Thị Trang, giáo viên một trường mầm non chuẩn quốc gia ở TP Quảng Ngãi, chia sẻ: "Tôi đã từng lên tiết dạy này nhằm tạo thái độ hào hứng, tích cực tham gia vào các hoạt động của các bé. Tôi xây dựng trò chơi rồng rắn lên mây, sau đó hỏi qua trò chơi các em xin lửa để làm gì, rồi gợi hỏi thêm để trẻ nắm được tác dụng và tác hại của lửa, những dấu hiệu của cháy.

Tôi tiếp tục cho trẻ xem hình ảnh, video về những hiện tượng cháy và chữa cháy trong thực tế, công việc chú lính cứu hỏa để các em gợn trong suy nghĩ khi cháy là nghĩ ngay đến bình cứu hỏa, số điện thoại phòng cháy chữa cháy, tư thế di chuyển, chọn cầu thang bộ, khi có khói không có khăn thì làm sao, lửa bén vào người xử lý ra sao... và các kỹ năng thoát hiểm".

Cũng theo cô Trang, sau bài học, cô cho các bé chơi trò chơi, tạo điểm kết chung cho bài thì các bé sẽ ấn tượng. "Tôi tổng kết bằng trò chơi, cho nhóm gồm 2 em quay mặt vào nhau đọc câu thơ như: "xin lửa - lửa đốt, xin mắm - mắm chua, xin cua - cua cắp". Các em vừa vui vừa nhớ lâu" - cô phân tích thêm.

Các trường mầm non ở TP Hồ Chí Minh cũng đưa kỹ năng sống này dạy cho các bé. Cô Nguyễn Thị Bạch Yến, Hiệu trưởng Trường mầm non 19.5, Q.10 - cho rằng dạy kỹ năng là cần thiết nhưng đa số là tạo tình huống giả, giáo viên tự thiết kế tình huống.

"Ví dụ dạy về kỹ năng phòng chống cháy nổ, giáo viên tạo tình huống khói giả, thì khi gặp khói các em phải đi cúi khom lưng ra làm sao, dùng nước như thế nào. Khi cháy lớn thì kỹ năng sử dụng bình CO2 sao cho đúng cách..." - cô Yến nói.

Ưu tiên số 1 là thoát lửa

Trong khi đó các bé ở Trường mầm non 4, quận 3, TP Hồ Chí Minh được học kỹ năng sống về phòng chống cháy nổ thông qua các trò chơi. Cô Bùi Thị Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường mầm non 4, chia sẻ: "Kỹ năng phòng cháy là một kỹ năng sống nên trường đưa vào hướng dẫn cho các em ở độ tuổi lên 5. 

Trường xây dựng trò chơi mang tính giáo dục nhẹ nhàng, chẳng hạn khi giáo viên hô cháy, nghe tiếng báo động các em phải làm sao, các em phải biết bịt khẩu trang ướt, che miệng; bò men theo tường ra ngoài cửa thật nhanh, chọn cầu thang thoát hiểm nếu đang ở nơi cao tầng.

Còn những dụng cụ phòng cháy, chữa cháy, trường có xây dựng phương án rồi tập huấn chỉ dạy cho các em. Tình huống về lửa thật, trường chỉ tập huấn cho đội ngũ giáo viên mà thôi".

Bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft, cho rằng không nên lấy tình huống thật để dạy trẻ phòng cháy chữa cháy. "Trẻ mầm non cần dạy theo mức độ nhận hiểu nhưng dạy thoát lửa là ưu tiên số 1. Lửa cháy do nhiều nguyên nhân, vậy tương đồng với nó thì nhà trường dạy kỹ năng tương phó.

Và bao giờ dạy kỹ năng cũng phải theo 3 hướng: phòng chống, tức là trẻ làm gì để không xảy ra cháy; hỗ trợ giảm cháy, nghĩa là trẻ nên làm gì cụ thể; và làm gì để bảo vệ chính mình", bà nói.

Tiên lượng xấu

Khoảng 15 giờ 40 ngày 9.8, tại lớp trẻ mầm non tư thục Tuổi Thơ (xã Duy Minh, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) đã xảy ra vụ bỏng cồn, khiến 3 học sinh bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu. Thời điểm đó, lớp mầm non tư thục Tuổi Thơ (do bà Nguyễn Thị Khoát, 29 tuổi, trú tại xã Duy Minh, đăng ký làm chủ) tổ chức cho khoảng 25 trẻ đang theo học học về kỹ năng phòng chống cháy nổ.

Trong lúc học, các cô giáo đã dùng cồn đổ vào trong mâm làm giáo cụ rồi châm lửa để dạy trẻ. Không may, đúng lúc đó gió lớn thổi từ cửa sổ tạt ngọn lửa cồn đang cháy trong mâm vào người 3 cháu khiến các cháu bị bỏng. Sau khi được cấp cứu ban đầu, ba cháu bé được chuyển lên điều trị tại Viện Bỏng quốc gia.


Một trong ba bé bị bỏng cồn ở Hà Nam đang được điều trị tại Viện Bỏng quốc gia 

Ngày 10.8, bác sĩ Lê Quang Thảo, bác sĩ điều trị khoa hồi sức cấp cứu Viện Bỏng quốc gia, cho biết khoảng 2 giờ 30 ngày 10.8, khoa hồi sức cấp cứu tiếp nhận 3 bé từ 3 đến 5 tuổi bị bỏng nặng. Các bé gồm: Phạm Bùi Gia Kh. (nam, 4 tuổi), Nguyễn Ngọc Hà L. (nữ, 5 tuổi), Nguyễn Anh T. (nữ, 3 tuổi), đều ở xã Duy Minh, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Từ lúc nhập viện đến nay, các bác sĩ đã xử lý theo phác đồ, truyền dịch, chống sốc, giảm đau an thần và thay băng tại vết thương cho 3 trẻ. "Diện tích bỏng của 3 bé lên tới 50-60%. Tất cả các bé đều vào viện trong tình trạng sốc bỏng rất nặng" - bác sĩ Thảo nói.

Theo bác sĩ Lê Quang Thảo, tình hình sức khỏe của 3 cháu bé hiện đều trong tình trạng nặng, tiên lượng rất nặng nề, đang phải hồi sức chống sốc. "Việc bị bỏng nặng như thế này có thể đe dọa đến các chức năng sống như hô hấp, tuần hoàn, chức năng thận của các bé. Chúng tôi tiên lượng tình hình rất khó khăn, chưa nói trước được điều gì" - bác sĩ thông tin thêm.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nên dạy trẻ mầm non dập lửa hay thoát lửa?