Tại hội nghị NATO ở Xứ Wales, các nhà lãnh đạo phương Tây đã chỉ trích Nga rất dữ dội vì khủng hoảng Ukraine.
Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen (từ phải sang) trao đổi bên lề hội nghị - Ảnh: AFP |
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, NATO không có ý định đối đầu trực diện với Matxcơva.
Giới truyền thông mô tả hội nghị NATO ở Xứ Wales là “hội nghị căng thẳng nhất kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc”.
Các nhà lãnh đạo NATO đã dùng những lời lẽ rất cứng rắn với Nga. Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen khẳng định, Nga “phải rút quân và vũ khí ra khỏi Ukraine, ngừng đối đầu và theo đuổi hòa bình”. Lãnh đạo các nước lớn trong liên minh cũng lên tiếng đe dọa sẽ tăng cường cấm vận Matxcơva.
Nguồn tin ngoại giao cho biết phương Tây quyết mở rộng các biện pháp cấm vận Nga kể cả khi Ukraine và phe ly khai đạt được một thỏa thuận hòa bình trong cuộc đàm phán tại Minsk (Belarus) ngày 5-9. Tuy nhiên, bất chấp những lời lẽ đao to búa lớn, những gì Ukraine và một số quốc gia Đông Âu có được từ liên minh quân sự này trong hội nghị hai ngày 4 và 5-9 rất ít ỏi.
Chỉ mang tính hình thức
Ông Putin có thể ngồi thoải mái thưởng thức sô diễn của NATO, một liên minh chia rẽ và thiếu lãnh đạo mạnh mẽ. NATO chỉ là lâu đài trên cát khi xử lý vấn đề Ukraine Học giả David Rothkopf |
Tại Newport, các nhà lãnh đạo NATO cam kết lập quỹ hỗ trợ nâng cao năng lực quân sự của Ukraine trong các lĩnh vực như hậu cần hay phòng thủ trên mạng để “xây dựng quân đội vững mạnh”.
Tuy nhiên, tổng trị giá của các quỹ này chỉ vỏn vẹn 15 triệu euro (19,4 triệu USD), một con số quá ít ỏi. Giới truyền thông mô tả sự hỗ trợ này “chỉ mang tính hình thức”. NATO không hứa cung cấp thêm loại vũ khí nào đáng kể cho chính quyền Kiev.
Đây là điều thất vọng đối với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko vì những ngày qua ông liên tục kêu gọi phương Tây viện trợ vũ khí cho Kiev. Quan trọng hơn, NATO không hề đưa ra cam kết ủng hộ việc Ukraine “nhập hội” dù trước đó các quan chức chính quyền Kiev từng công khai bày tỏ mong muốn này, điển hình là Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk. Nguồn tin ngoại giao cho biết Pháp và Đức là hai nước phản đối dữ dội nhất việc kết nạp Ukraine.
Sự kiện đáng kể nhất là việc NATO sẽ tuyên bố thành lập “lực lượng phản ứng nhanh” khoảng 5.000 quân, có khả năng di chuyển tới các điểm nóng ở châu Âu trong vòng 48 giờ. Tuy nhiên, trên CNN, học giả David Rothkopf bình luận chắc hẳn Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phải phì cười vì lực lượng quá ít ỏi này của NATO. Bất kỳ nước thành viên NATO nào cũng có sức mạnh quân sự lớn hơn nhiều so với một nhóm nhỏ 5.000 quân.
Trên thực tế, Ba Lan và ba quốc gia Baltic là Latvia, Lithuania và Estonia đều công khai yêu cầu NATO triển khai lực lượng quân sự thường trực tới các nước này. Các nước Baltic đều có dân số gốc Nga đông đảo, do đó lo sợ có ngày ông Putin viện cớ bảo vệ người gốc Nga để can thiệp quân sự.
Tuy nhiên, ngay lập tức các lãnh đạo NATO đã bác bỏ đề xuất trên bởi đó là hành vi vi phạm thỏa thuận năm 1997 giữa Nga và NATO.
Theo đó, NATO cam kết không triển khai lực lượng chiến đấu thường trực ở Đông Âu. Thay vào đó NATO sẽ chỉ triển khai thiết bị, nhiên liệu và đạn dược tới các nước Đông Âu có căn cứ sẵn sàng tiếp nhận “lực lượng phản ứng nhanh”. Tổng Thư ký NATO Rasmussen chỉ tuyên bố chung chung rằng “sự hiện diện của NATO sẽ trở nên rõ ràng hơn ở Đông Âu”.
Không muốn đối đầu
Theo giới quân sự, một trong những lý do NATO không muốn triển khai lực lượng thường trực tới Đông Âu là do phần lớn nước thành viên đều đang vật lộn với các vấn đề tài chính. Chính phủ Mỹ đang buộc phải cắt giảm ngân sách quốc phòng, châu Âu đang đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế.
Trong khi đó, việc triển khai lực lượng và căn cứ thường trực tới Đông Âu có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ.
Quan trọng hơn, như học giả David Rothkopf phân tích, các nhà lãnh đạo châu Âu như Thủ tướng Đức Angela Merkel không hề muốn đẩy NATO vào thế đối đầu quyết liệt với Nga như thời kỳ chiến tranh lạnh.
Ông Rothkopf cho rằng, trên thực tế sự trỗi dậy của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tại châu Phi và Trung Đông, điển hình là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), mới thật sự là mối đe dọa lớn nhất đối với các nước thành viên NATO.
HIẾU TRUNG (Tuổi trẻ)