Cải bắp Tân Minh Đức của HTX Tân Minh Đức và dưa chuột HD-Green của Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ HD-Green vừa được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2019.
Thu hoạch sản phẩm cải bắp Tân Minh Đức (ảnh trái); dưa chuột HD - Green được sản xuất trong nhà màng (ảnh phải)
Niềm vui vừa đến với huyện Gia Lộc khi cải bắp Tân Minh Đức của HTX Tân Minh Đức (xã Phạm Trấn) và dưa chuột HD-Green của Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ HD-Green (thị trấn Gia Lộc) được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đạt tiêu chuẩn 4 sao năm 2019.
Quy trình sản xuất chặt chẽCải bắp Tân Minh Đức và dưa chuột HD-Green nằm trong số 12 sản phẩm OCOP được công nhận đạt tiêu chuẩn 4 sao của tỉnh năm 2019. Để đạt được kết quả này, 2sản phẩm phải trải qua quy trình tổ chức sản xuất rất chặt chẽ.
HTX Tân Minh Đức được thành lập từ năm 2014, đến nay có 174 thành viên. Thời gian đầu, HTX có tổng diện tích sản xuất 27 ha, trong đó khoảng 4 - 5 ha cải bắp. Đến nay, tổng diện tích đã được mở rộng lên 37 ha, riêng diện tích cải bắp khoảng 20 ha.
Ông Hoàng Anh Thư, Phó Giám đốc HTX Tân Minh Đức cho biết đơn vị trồng cải bắp theo tiêu chuẩn VietGAP, được thị trường đánh giá cao. Để khẳng định thương hiệu, HTX đã kiểm soát chặt chẽ sản phẩm ngay từ đầu vào như cây giống, đất trồng, nguồn nước đến lựa chọn vật tư nông nghiệp. Các xã viên có sổ ghi chép, theo dõi chi tiết để HTX tổng hợp, nắm bắt, điều chỉnh thời gian sản xuất cũng như thu hoạch cho phù hợp.
Các sản phẩm của HTX Tân Minh Đức đều có tem truy xuất nguồn gốc, thông tin sản phẩm, bảo hộ nhãn hiệu. Hiện mỗi ngày HTX cung ứng khoảng 5-7 tấn cải bắp cho hệ thống siêu thị BigC, các bếp ăn tập thể… HTX bao tiêu toàn bộ cải bắp nên xã viên rất phấn khởi, hăng hái sản xuất.
Dưa chuột của Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ HD-Green cũng được trồng trong nhà màng cách ly, sử dụng hệ thống tưới nước sạch tự động, phân bón hữu cơ kết hợp phân khoáng...
Ông Lê Tiến Dũng, đại diện Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ HD-Green cho biết dưa chuột được sản xuất theo hướng "5không” là không thuốc diệt cỏ hóa học, không thuốc trừ sâu hóa học, không thuốc kích thích tăng trưởng, không giống biến đổi gen, không hóa chất bảo quản.
Công ty thuê riêng một kỹ sư nông nghiệp trực tiếp kiểm soát quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ. Dưa chuột khi cung ứng ra thị trường đều được đóng gói có dán tem truy xuất nguồn gốc và mã vạch.
Hiện công ty dành 1.000 m2 nhà màng để trồng dưa chuột, sản lượng đạt 1 tạ/ngày, tiêu thụ trong tỉnh và một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Bà Tăng Thị Hạnh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc cho biết huyện đã hỗ trợ kinh phí thuê công ty tư vấn để hướng dẫn 2 đơn vị này làm hồ sơ tham dự chương trình OCOP.
Đây là công đoạn rất khó khăn, cần nhiều thời gian. Từ công đoạn giám sát, kiểm tra quy trình sản xuất phải bảo đảm chất lượng, đủ điều kiện tham gia, đánh giá sản phẩm theo tiêu chí ở cấp huyện đến việc hoàn thiện thủ tục hồ sơ đúng quy định cấp tỉnh.
Nâng cao chất lượng sản phẩmNăm 2020, HTX Tân Minh Đức sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng cải bắp theo tiêu chuẩn để xuất khẩu sang Hàn Quốc. Ông Thư cho biết: "Chúng tôi phải mở rộng diện tích trồng từ 100 - 150 ha để có thể cung ứng khoảng 1.500 tấn cải bắp sang Hàn Quốc.
Yêu cầu bên Hàn Quốc là cải bắp phải từ 2 kg trở lên, trong khi HTX đang quen cung ứng loại cải bắp nội địa chỉ dưới 2 kg. Vì vậy, HTX sẽ tập trung chỉ đạo xã viên trồng đúng quy chuẩn để kích thước, chất lượng cải bắp đáp ứng yêu cầu của nước bạn".
Còn với dưa chuột, Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ HD-Green cũng sẽ mở rộng quy mô sản xuất lên 5.000 m2 để bảo đảm cung ứng khoảng 5 tạ dưa chuột/ngày; đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm hướng đến hạng 5 sao và từng bước tiến đến xuất khẩu.
Hai sản phẩm cải bắp và dưa chuột sẽ là tiền đề quan trọng để các sản phẩm tiếp theo của Gia Lộc lần lượt bước vào “sân chơi” OCOP.
Bà Hạnh cho biết thêm năm 2020, huyện tiếp tục đưa cà chua của Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ HD-Green, dưa lê của HTX Tân Minh Đức, bánh dày giò của thị trấn Gia Lộc và du lịch tâm linh đền Quát tham gia bình chọn sản phẩm OCOP của tỉnh.
Huyện sẽ tăng cường tuyên truyền về nội dung đề án "Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hải Dương giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030" tới đông đảo người dân; xây dựng kế hoạch chi tiết các sản phẩm chủ lực; tập trung nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm đã có.
Đẩy mạnh đào tạo nhân lực, phát triển thị trường gắn với tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến và quản lý chất lượng theo chu trình OCOP.
Theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21.8.2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Bộ tiêu chí của sản phẩm gồm 3 phần: phần A, các tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (35 điểm); phần B, đánh giá về khả năng tiếp thị (25 điểm); phần C về chất lượng sản phẩm (40 điểm).
Phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP căn cứ vào kết quả đánh giá sản phẩm theo bộ tiêu chí. Tổng điểm đánh giá cho mỗi sản phẩm tối đa là 100điểm và được phân thành 5 hạng. Cụ thể, hạng 5 sao có tổng điểm từ 90-100, là sản phẩm cấp quốc gia, có thể xuất khẩu; hạng 4 sao có tổng điểm từ 70-89, là sản phẩm cấp tỉnh; hạng 3 sao có tổng điểm từ 50-69, là sản phẩm cấp tỉnh...
Ngày 20.12.2019, Hội đồng Đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh đã thẩm định, xếp hạng sản phẩm cải bắp của HTX Tân Minh Đức đạt 70 điểm và dưa chuột của Công ty CP Nông nghiệp HD-Green đạt 76 điểm, xếp hạng 4 sao. |
THẾ ANH