Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới (Nghị quyết 21-NQ/TW).
Một quan điểm chỉ đạo quan trọng được nêu ra trong nghị quyết là: “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”. Nghị quyết đề ra mục tiêu: đến năm 2030, chiều cao người Việt Nam 18 tuổi đối với nam đạt trung bình 168,5 cm, nữ đạt trung bình 157,5 cm.
Hiện nay, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam đạt 164,4 cm, đứng thứ 182; nữ giới đạt 153,6 cm, đứng thứ 188 so với các nước trên thế giới. Vài thập kỷ qua, mức tăng chiều cao của Việt Nam cũng thấp hơn so với nhiều nước khác. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra những yếu tố tác động tới chiều cao của con người như dinh dưỡng chiếm 32%, gien 23%, vận động 20% và các yếu tố khác 25%. Từ các yếu tố trên có thể thấy rằng người Việt Nam thấp bé do đặc điểm di truyền, chưa được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, việc luyện tập thể dục, thể thao còn hạn chế…
Chiều cao là một yếu tố thể hiện chất lượng dân số. Người Việt thấp bé, thể lực không tốt ảnh hưởng xấu tới chất lượng nguồn nhân lực. Do đó, việc nâng chiều cao cho người Việt Nam là một chiến lược quan trọng nhằm cải thiện nòi giống, tăng cường sức khỏe nhân dân.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm chăm sóc sức khỏe, nâng cao tầm vóc, thể lực cho người dân. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 641/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030. Đời sống người dân ngày một cao lên, được chăm sóc sức khỏe tốt hơn; nhiều gia đình có những bữa ăn ngon, đủ chất dinh dưỡng cần thiết; phong trào tập luyện thể dục, thể thao phát triển ở nhiều nơi là những yếu tố góp phần nâng chiều cao người Việt thời gian qua.
Tuy nhiên, chiến lược cải thiện chiều cao người Việt còn gặp nhiều khó khăn. Quá trình thực hiện Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 còn chậm, thiếu vốn, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bên liên quan. Đời sống của một bộ phận người dân còn vất vả, thu nhập thấp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều người chưa quan tâm rèn luyện thể dục, thể thao. Không ít loại bệnh tật nguy hiểm vẫn chưa được đẩy lùi. Nhiều thói quen có hại như nghiện thuốc lá, nghiện uống rượu, bia… cũng ảnh hưởng xấu tới thể lực, tầm vóc con người.
Sẽ còn nhiều việc phải làm, nhiều khó khăn phải giải quyết để Việt Nam hoàn thành mục tiêu cải thiện chiều cao trung bình theo Nghị quyết 21-NQ/TW đề ra. Để thực hiện được mục tiêu nghị quyết đề ra, trước hết cả hệ thống chính trị và mỗi người dân cần thấm nhuần quan điểm chỉ đạo tổng quát của Đảng: “Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân”. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; chú trọng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, thanh thiếu niên; khơi dậy phong trào tập thể dục, thể thao ở mọi nơi là những biện pháp quan trọng cần thực hiện tốt nhằm nâng tầm vóc cho người Việt Nam.
NINH TUÂN