Việc triển khai, thực hiện mô hình “Hỗ trợ trẻ em gái” đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội.
Câu lạc bộ Các bạn gái tiêu biểu Trường THCS thị trấn Ninh Giang
Sự gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy trong tương lai như: tình trạng thiếu nữ, thừa nam, phụ nữ sẽ phải kết hôn sớm, tỷ lệ ly hôn và tái hôn cao, nạn bạo hành giới, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái gia tăng, nạn mại dâm, nguy cơ lây lan các tệ nạn và bệnh xã hội...
Những năm qua, mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp kiềm chế, song tỉnh ta vẫn nằm trong tốp 7 tỉnh, thành phố trong cả nước có tỷ lệ MCBGTKS cao. 6 tháng đầu năm 2018 tỷ lệ này là 116,6 bé trai/100 bé gái. Mục tiêu của tỉnh ta là phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ giới tính khi sinh được khống chế ở mức không quá 115 bé trai/100 bé gái. Để đạt mục tiêu này, tỉnh ta đang triển khai nhiều giải pháp.
Một trong số đó là mô hình “Hỗ trợ trẻ em gái” được Tổng cục Dân số - KHHGĐ triển khai thí điểm từ năm 2014 tại Hải Dương nhằm nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần giảm thiểu MCBGTKS. 3 địa phương tham gia mô hình là: TP Hải Dương, thị xã Chí Linh và huyện Ninh Giang. Đến năm 2018, có thêm 2 huyện là Gia Lộc và Thanh Miện tham gia mô hình.
Thành lập từ năm 2015, Câu lạc bộ (CLB) Các bạn gái tiêu biểu Trường THCS Trần Phú (TP Hải Dương) có 40 thành viên là các học sinh nữ chăm chỉ học tập, ý thức tốt, tích cực trong các hoạt động xã hội và các công việc của trường, lớp. Chị Phạm Thị Thanh Trà, cán bộ chuyên trách dân số phường Nguyễn Trãi cho biết: CLB duy trì sinh hoạt đều đặn mỗi tháng một lần; phối hợp với ban dân số phường mời cán bộ chuyên trách làm công tác dân số - KHHGĐ đến trực tiếp giảng dạy những vấn đề liên quan đến giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên; dân số - KHHGĐ; thực trạng, hệ lụy của MCBGTKS. Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến trẻ em gái trong giai đoạn phát triển trưởng thành; vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội hiện đại… Thông qua đó, giúp các em gái có kiến thức để tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của bản thân. Cùng với các hoạt động trên, CLB, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa để giáo dục giới tính cho các em. Em Phạm Thị Ngọc Phương, học sinh lớp 9E chia sẻ: "Sau mỗi buổi sinh hoạt, chúng em lại đem những gì mình được học truyền đạt lại cho các bạn nữ trong lớp, nhất là các kiến thức về sinh sản và tâm sinh lý tuổi mới lớn, cùng nhau chia sẻ những thắc mắc thầm kín, qua đó hiểu nhau hơn, tự tin hơn…".
Nhằm nâng cao hiệu quả mô hình hỗ trợ trẻ em gái, tỉnh ta đã có nhiều hoạt động thiết thực như: tổ chức các lớp tập huấn về bình đẳng giới, MCBGTKS, sức khỏe sinh sản và hướng dẫn tổ chức sinh hoạt, điều hành CLB cho 94 thành viên ban chủ nhiệm các CLB các bạn gái tiêu biểu. Đến nay, toàn tỉnh có 18 CLB với gần 900 thành viên tham gia sinh hoạt mỗi tháng 1 lần. Mỗi nhà trường tham gia mô hình đều bố trí 1 phòng để xây dựng góc sinh hoạt CLB. Mỗi góc sinh hoạt được trang bị: tủ tài liệu, bàn, ghế, sách, báo, ấn phẩm phục vụ nâng cao chất lượng sinh hoạt. Các thành viên trong CLB tích cực cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trong học tập, rèn luyện, hoạt động xã hội và kỹ năng sống… Các CLB đã tổ chức được trên 40 buổi nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới, MCBGTKS và sức khỏe sinh sản cho hàng trăm học sinh tại 18 trường THCS...
Để tiếp tục giảm thiểu MCBGTKS, nâng cao hơn nữa vị thế của trẻ em gái, mô hình này cần được triển khai nhân rộng trong toàn tỉnh.
HẢI HÀ