Người dân đã nhận thức được tác hại của việc dùng kháng sinh không đúng, việc đưa trẻ đi khám bệnh và dùng thuốc theo đơn là tốt nhất.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương, chủ nhiệm đề tài trả lời câu hỏi của Hội đồng
Sáng 29.3, Sở Khoa học và Công nghệ nghiệm thu đề tài cấp tỉnh “Đánh giá hiệu quả can thiệp đến kiến thức sử dụng kháng sinh của người dân trong điều trị tại Hải Dương” do Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương chủ trì thực hiện, chủ nhiệm đề tài là Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường, Hiệu trưởng nhà trường.
Từ năm 2017 - 2018, nhóm thực hiện đề tài đã phát ra 1.500 phiếu khảo sát thực trạng kiến thức sử dụng kháng sinh (SDKS) của người dân tại xã Hiệp Lực (Ninh Giang), phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương), phường Thái Học (TP Chí Linh). Kết quả: 74,9% số người được khảo sát dùng kháng sinh khi bị sốt, 75% dùng kháng sinh để chữa cảm cúm, 78,8% ngừng sử dụng kháng sinh khi thấy đỡ bệnh, 84,2% tự sử dụng kháng sinh khi bị đau họng, ho, 89,5% mua theo tư vấn của nhà thuốc...
Từ kết quả khảo sát, ban chủ nhiệm đề tài đã xây dựng mô hình can thiệp đến kiến thức SDKS; truyền thông trực tiếp và gián tiếp nhằm tăng cường kiến thức SDKS cho người dân. In 4 loại tài liệu tuyên truyền phổ thông, tổ chức 8 buổi hội thảo, tập huấn cho 1.000 người dân và cán bộ y tế, tuyên truyền phát thanh 16 buổi. Phát hành 2.400 tờ rơi, dán 60 áp phích. Hiệu quả sau can thiệp đạt 85,3%. Người dân đã nhận thức được tác hại của việc dùng kháng sinh không đúng, việc đưa trẻ đi khám bệnh và dùng thuốc theo đơn là tốt nhất.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao ý nghĩa khoa học của đề tài, đồng thời đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài tiếp thu các ý kiến phản biện, nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa để bổ sung hoàn thiện, làm tiền đề, nền tảng cho các đề tài nghiên cứu tiếp theo.
THẾ ANH