Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng đề nghị Hải Dương cần nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng
phát biểu tại cuộc làm việc với UBND tỉnh
Chiều 30-12, Đoàn giám sát của Quốc hội do đồng chí Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh xung quanh việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016. Cùng dự có đồng chí Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Y tế.
Các đồng chí: Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với đoàn.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, giai đoạn 2011-2016, Hải Dương đã triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chính sách pháp luật về ATTP. UBND tỉnh đã chỉ đạo quy hoạch các vùng nguyên liệu an toàn trong sản xuất nông sản, thủy sản, chăn nuôi, giết mổ; triển khai một số đề án phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị, quy mô, chất lượng, bảo đảm vệ sinh môi trường… Đến nay, Hải Dương đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông sản quy mô lớn như vùng trồng hành, tỏi ở Kinh Môn, Nam Sách rộng 5.000 ha; vùng trồng củ đậu ở Kim Thành, Kinh Môn 700 ha; vùng trồng cà rốt ở Cẩm Giàng, Nam Sách 1.400 ha; vùng trồng vải ở Thanh Hà, Chí Linh 10.605 ha… Toàn tỉnh có 642 trang trại chăn nuôi, 183 cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn, 5.082 gia trại lợn, 1.208 gia trại gia cầm, 10.847 ha nuôi thủy sản, 2.174 lồng nuôi cá trên sông. Trên địa bàn tỉnh có 1 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở TP Hải Dương và 9 cơ sở giết mổ tập trung theo hình thức liên gia.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái kiến nghị các cơ quan Trung ương tiếp tục quan tâm,
hỗ trợ, chỉ đạo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa phương
5 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức 54.326 lần kiểm tra, 1.751 lần thanh tra, kiểm tra, xử phạt 1.275 cơ sở vi phạm các quy định về vệ sinh ATTP. Do làm tốt công tác tuyên truyền nên đến nay toàn tỉnh có 75% số người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về ATTP.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng đánh giá, thông qua báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP giai đoạn 2011-2015 đã thể hiện được sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành trong tỉnh về công tác vệ sinh ATTP. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, Hải Dương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về vệ sinh ATTP; kiện toàn và nâng cao năng lực hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về chất lượng ATTP từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn; tích cực truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật về vệ sinh ATTP cho chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh; khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến… Trước mắt, tập trung thực hiện tốt công tác bảo đảm vệ sinh ATTP dịp Tết Đinh Dậu 2017.
Đoàn giám sát của Quốc hội kiểm tra hoạt động giết mổ gia cầm tại Công ty CP Xây dựng
và Thương mại Hoàng Long HABICO ở xã Thạch Khôi (TP Hải Dương)
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái đã tiếp thu những ý kiến của Đoàn giám sát của Quốc hội và mong muốn đoàn sẽ kiến nghị đến các cơ quan, bộ, ngành Trung ương những khó khăn, vướng mắc ở địa phương để có giải pháp chỉ đạo tốt hơn công tác vệ sinh ATTP trong thời gian tới.
Sáng cùng ngày, Đoàn giám sát của Quốc hội đã chia làm 2 tổ trực tiếp đi kiểm tra, giám sát việc thực hiện vệ sinh ATTP tại Công ty CP Xây dựng và Thương mại Hoàng Long HABICO ở xã Thạch Khôi, Công ty TNHH Thiên Sư Việt Nam ở khu công nghiệp Đại An, Công ty TNHH Thực phẩm Nghĩa Mỹ Việt Nam (TP Hải Dương), 1 cơ sở giết mổ trâu bò thuộc xã Tiền Tiến (Thanh Hà) và làm việc với chính quyền các xã: Quyết Thắng, Tân Việt, Tiền Tiến (Thanh Hà), An Châu, Nam Đồng và phường Ái Quốc (TP Hải Dương) về những nội dung liên quan đến công tác vệ sinh ATTP.
MẠNH TRUNG