Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng

27/03/2012 19:33

Ở đâu, năng lực lãnh đạo của Đảng được nâng cao, vị thế, vai trò của tổ chức đảng xứng tầm với nhiệm vụ... thì ở đó tổ chức đảng vững vàng...

Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), trong mục đích, yêu cầu có đoạn: "...Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân...".

Vì sao phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng? Đây là một câu hỏi lớn và cũng là một yêu cầu bức thiết của một Đảng cầm quyền. Bởi vì "Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản" (Điều lệ Đảng khóa XI). Chính vì mục đích to lớn nhưng cũng vô cùng vẻ vang đó mà Đảng phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Năng lực theo Từ điển tiếng Việt là "Khả năng điều kiện chủ quan hoặc tự nhiên sẵn có để thực hiện một hoạt động nào đó". Còn lãnh đạo là "đề ra chủ trương đường lối và tổ chức động viên thực hiện". Như vậy, nâng cao năng lực lãnh đạo là khả năng đề ra chủ trương, đường lối và tổ chức động viên thực hiện đường lối đó. Đảng ta lãnh đạo thông qua chủ trương, đường lối, nghị quyết, Đảng không làm thay Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Để nâng cao được năng lực lãnh đạo của Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức theo gương Bác Hồ vĩ đại. Đồng thời phải làm giàu trí tuệ của mình thông qua nghiên cứu, học tập trên các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, kinh tế xã hội, lý luận chính trị Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và nhất là gắn lý luận với hoạt động thực tiễn. Lấy thực tiễn làm thước đo. Thường xuyên tổng kết thực tiễn, bổ sung làm giàu thêm, phong phú thêm kho tàng lý luận. Không có kiểu lý luận hô hào chung chung là "nâng cao năng lực lãnh đạo" mà không đi vào những nội dung, tiêu chí cụ thể để nâng cao trình độ lý luận, rèn luyện bản lĩnh chính trị, tư tưởng, củng cố tổ chức. Thông qua việc học tập lý luận và rèn luyện trong hoạt động thực tiễn muôn màu muôn vẻ của đời sống xã hội để rèn luyện ý chí, phẩm chất, bản lĩnh chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo của mỗi đảng viên và của tổ chức cơ sở đảng. Chỉ có nâng cao được năng lực lãnh đạo của Đảng thì mới nâng được tầm cao, vị thế và sức chiến đấu của Đảng. Sức chiến đấu của Đảng suy cho cùng là sức mạnh của mỗi đảng viên, của mỗi tổ chức đảng.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng có vị trí rất quan trọng. Nhiệm vụ đó đặt ra năng lực lãnh đạo phải được nâng cao để "sức chiến đấu của Đảng" đủ tầm đẩy lùi những tư tưởng hữu khuynh, cục bộ bản vị... hoặc đề phòng những tư tưởng tả khuynh nóng vội, thiếu thận trọng trong công tác xây dựng Đảng, nhất là trong tự phê bình và phê bình đối với tập thể cấp ủy và cá nhân những đồng chí đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị...

Ở đâu, năng lực lãnh đạo của Đảng được nâng cao, vị thế, vai trò của tổ chức đảng xứng tầm với nhiệm vụ... thì ở đó tổ chức đảng vững vàng trước mọi thử thách. Cho nên nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng là yêu cầu tự thân của Đảng cầm quyền, là yêu cầu về chất của mỗi đảng viên và tổ chức đảng để làm tròn được sứ mệnh cao cả của mình mà nhân dân, Tổ quốc đã giao phó, có như vậy mới củng cố được niềm tin trong Đảng và nhân dân.

VŨ HOÀNG LUYẾN (TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng