Để các hoạt động bầu cử bảo đảm được thực thi đầy đủ, đúng pháp luật thì công tác kiểm tra, giám sát phải được thực hiện kịp thời và liên tục.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp có rất nhiều hoạt động liên quan và kéo dài. Để các hoạt động bầu cử bảo đảm được thực thi đầy đủ, đúng pháp luật thì công tác kiểm tra, giám sát phải được thực hiện kịp thời và liên tục.
Thông tri số 12/TT-MTTW-BTT, ngày 18.1.2021 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã hướng dẫn và quy định cụ thể về đối tượng, nội dung, hình thức để MTTQ các cấp thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát công tác bầu cử. Ủy ban MTTQ các cấp cần xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát kịp thời để phát hiện những bất cập, những vi phạm và kiến nghị sửa chữa, điều chỉnh. Trong quá trình kiểm tra, giám sát cần tập trung vào các nội dung sau:
Thứ nhất, việc giới thiệu người ứng cử. Các cơ quan, tổ chức được phân bổ giới thiệu người ứng cử phải bảo đảm công khai, dân chủ theo đúng trình tự, các bước: Ban lãnh đạo cơ quan, phối hợp với tổ chức công đoàn giới thiệu; lấy ý kiến cử tri cơ quan; thống nhất danh sách giới thiệu bảo đảm số lượng, cơ cấu theo hướng dẫn.
Thứ hai, việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri. Trước ngày bầu cử, có hai dạng hội nghị tiếp xúc cử tri là tiếp xúc cử tri để lấy ý kiến nhận xét đối với người ứng cử và tiếp xúc cử tri để các ứng cử viên thực hiện vận động bầu cử.
Đối với hội nghị cử tri nhận xét người được giới thiệu ứng cử. Các ứng cử viên được lấy ý kiến nhận xét của cử tri ở nơi cư trú và nơi công tác. Trường hợp người ứng cử có nhiều nơi công tác hoặc nơi làm việc thì tổ chức lấy ý kiến của cử tri nơi người đó công tác hoặc làm việc thường xuyên. Hội nghị cử tri nơi cư trú được tổ chức tại thôn, khu dân cư nơi người ứng cử thường trú hoặc tạm trú. Trường hợp không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú thì tổ chức hội nghị cử tri tại thôn, tổ dân phố nơi người ứng cử đang sinh sống.
Đối với hội nghị tiếp xúc cử tri để các ứng cử viên thực hiện vận động bầu cử. Do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp, phối hợp UBND cùng cấp tổ chức tiếp xúc cử tri, cần bảo đảm sự công bằng và tạo điều kiện để ứng cử viên thực hiện quyền vận động bầu cử theo quy định.
Thứ ba, việc lập và niêm yết danh sách cử tri (do UBND cấp xã chịu trách nhiệm). Đây là một khâu cũng rất dễ xảy ra sai sót và "tranh chấp". Vì thế cần kiểm tra, giám sát các chi tiết: cách tính tuổi cử tri; tư cách cử tri, ghi tên cử tri vào danh sách; người không được ghi tên, xóa tên, bổ sung vào danh sách cử tri; thời gian niêm yết, nơi niêm yết danh sách cử tri; việc giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri.
Thứ tư, việc vận động bầu cử của các ứng cử viên. Pháp luật đã quy định rất rõ, việc vận động bầu cử được thực hiện tại các hội nghị tiếp xúc cử tri do MTTQ các cấp tổ chức, hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời, quy định các điều cấm trong vận động bầu cử. Do đó, cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy định này, đồng thời giám sát việc bảo đảm sự công bằng giữa các ứng cử viên.
Thứ năm, danh sách, họ tên ứng cử viên và in ấn phiếu bầu cử. Đã có không ít trường hợp đến khi bỏ phiếu mới phát hiện ra phiếu in sai họ, tên đệm hoặc thứ tự xếp theo vần A, B, C, dẫn đến phải tạm dừng để in lại phiếu bầu. Do đó, trước khi in phiếu bầu, yêu cầu đơn vị thực hiện nhiệm vụ này phải rà soát rất kỹ và giám sát kỹ trước khi tiến hành in phiếu bầu.
Thứ sáu, trình tự bỏ phiếu và việc kiểm phiếu. Mặt trận các cấp tiến hành giám sát thẻ cử tri (theo mẫu quy định), việc bố trí khu vực bỏ phiếu; việc chấp hành nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín; không bỏ phiếu hộ, bỏ thay người khác; việc đóng dấu "Đã đi bầu"; việc mở hòm phiếu và kiểm phiếu, bảo đảm về chứng kiến mở hòm phiếu và kiểm phiếu; việc ghi biên bản và kết quả bầu cử.
Để thực hiện các hoạt động giám sát nêu trên thật sự có hiệu quả, tránh được những sai sót, vi phạm dẫn đến phải dừng, hoãn hoặc bầu cử lại, gây tốn kém và bức xúc trong nhân dân, trước hết các tổ chức phụ trách bầu cử các cấp phải nêu cao trách nhiệm, có phân công trách nhiệm cụ thể từng người, thực hiện các công việc một cách nghiêm túc, cẩn trọng, tiếp đến là việc kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục của Ủy ban MTTQ các cấp và các cơ quan chức năng. Ngoài ra, vai trò của cử tri tham gia phát hiện và kiến nghị kịp thời đến MTTQ và các cơ quan chức năng các cấp là rất quan trọng và không thể thiếu.
LƯƠNG ANH TẾ(TP Hải Dương)