Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội là hết sức cần thiết

30/05/2012 06:16

Ý kiến của đại biểu Phạm Xuân Thăng, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Dương


Đồng chí Phạm Xuân Thăng phát biểu tại tổ
Tôi thấy rằng, việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội là hết sức cần thiết để Quốc hội thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước hiện nay.


Về hoạt động lập pháp của Quốc hội: Cần tiếp tục cải tiến hoạt động lập pháp theo hướng đề cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra các dự án luật, đồng thời phát huy tốt hơn nữa trí tuệ của tập thể và cá nhân tham gia góp ý. Cần thực hiện thật nghiêm túc chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội, kiên quyết không đưa vào dự kiến chương trình làm việc của Quốc hội những dự án không đủ điều kiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tôi đề nghị có cơ chế thật rõ ràng và cụ thể về việc phân tích, phản biện đối với từng dự án luật, theo đó:

Về phương pháp, cách thức xây dựng các dự án luật cần tiếp tục cải tiến theo hướng các nội dung cần chi tiết, cụ thể hơn để giảm bớt việc ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện luật, thông qua đó sẽ giúp cho luật nhanh chóng đi vào cuộc sống và tránh được sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa luật với các nghị định và thông tư. Nên làm thí điểm một số luật không cần có hướng dẫn của nghị định và thông tư.

Có cơ chế cụ thể hơn và tạo điều kiện về kinh phí để các uỷ ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội có thể huy động trí tuệ của các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia giúp cho mình trong quá trình tham gia ý kiến, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu vào các dự án luật. Tăng cường thời gian làm việc tại đoàn của các đoàn đại biểu Quốc hội để tham gia vào các dự án. Tăng cường việc trưng cầu ý kiến của đông đảo các tầng lớp nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là đối với các dự án luật liên quan tới quyền lợi và nghĩa vụ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, ví dụ như Luật Đất đai. Các dự thảo luật cần đưa công khai trên các trang website của Quốc hội theo cách tương tác cho phép mọi người dân đều có thể tham gia ý kiến vào dự thảo luật.
Về hoạt động giám sát của Quốc hội: Việc bỏ hay lấy phiếu tín nhiệm phải tuân thủ theo Luật Tổ chức của Quốc hội và Luật Giám sát của Quốc hội. Cũng cần phân biệt xem việc bỏ phiếu tín nhiệm hay lấy phiếu tín nhiệm về nội hàm có gì giống và khác nhau để quyết định xem dùng thuật ngữ nào thì chuẩn xác. Theo tôi, bỏ phiếu hay lấy phiếu đều chung nhau ở một điểm là hình thức để phản ảnh mức độ tín nhiệm của người được xin ý kiến với người được đưa ra lấy ý kiến; điểm khác nhau cơ bản là việc lấy phiếu tín nhiệm thường sử dụng trong quy trình chuẩn bị bổ nhiệm, hay bầu cử các chức danh cán bộ. Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xây dựng quy chế, quy định cụ thể về đối tượng, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm, xử lý kết quả lấy phiếu tín nhiệm trình Quốc hội thông qua, nhưng cũng nên hoàn thành sớm trong năm 2012 để có sự đồng bộ với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Đề nghị báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri cả nước nên có hai loại báo cáo, báo cáo tổng hợp chi tiết và báo cáo tóm tắt ý kiến của cử tri cả nước do Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày tại phiên khai mạc của kỳ họp. Có cơ chế cụ thể giám sát việc tiếp thu và giải trình, giải quyết các ý kiến của cử tri đối với các bộ, ban, ngành của Trung ương và địa phương.

Cần giám sát những việc giải quyết những ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp, giám sát lời hứa của các vị bộ trưởng tại Quốc hội, thực hiện nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp. Nên cải tiến cách thức điều hành chất vấn tại hội trường của chủ tọa kỳ họp để các vấn đề “nóng” nhiều đại biểu quan tâm thì tiếp tục điều hành chất vấn tới cùng để làm rõ trách nhiệm của người được chất vấn.

Về hoạt động tiếp xúc cử tri: Cần đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri theo hướng đa dạng các hình thức tiếp xúc cử tri, tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội tiếp cận nhiều hơn với cử tri. Cần quy định rõ tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn; tiếp xúc theo tổ, hay cá nhân từng đại biểu tiến hành tiếp xúc; số lượng các buổi tiếp xúc cử tri. Bên cạnh hình thức tiếp xúc trực tiếp, có thể tiếp xúc gián tiếp thông qua tiếp xúc online qua mạng, hay tổ chức hội nghị trực tuyến. Nên tăng cường tiếp xúc cử tri trước kỳ họp.

Chú trọng phân định rõ trách nhiệm giải quyết kiến nghị của nhân dân của từng cấp, từng cơ quan, từng tổ chức; tiếp nhận, xử lý các kiến nghị hoặc kịp thời chuyển đến các cơ quan, tổ chức thẩm quyền giải quyết, thông báo công khai, kịp thời kết quả tiếp xúc cử tri trên các phương tiện thông tin đại chúng.

(0) Bình luận
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội là hết sức cần thiết