Nâng cao giá trị - Phát triển thị trường nước mắm truyền thống

27/04/2019 07:31

Chương trình hỗ trợ bán hàng cho nước mắm truyền thống sẽ xây dựng App hỗ trợ bán hàng, cải thiện hình ảnh nhận diện thương hiệu các sản phẩm nước mắm truyền thống...

Chế biến nước mắm theo phương pháp cổ truyền là gài nén. Nguồn: phanthietvn

Ngày 26.4, tại Hội thảo “Nâng cao giá trị - Phát triển thị trường nước mắm truyền thống” do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia cho biết qua khảo sát, tỷ lệ bầu chọn nước mắm công nghiệp tuy có giảm nhưng vẫn chiếm tỷ lệ dẫn đầu xu hướng tiêu dùng nước mắm. Đồng thời, mức độ lựa chọn của người tiêu dùng là còn giới hạn đối với nước mắm truyền thống. 

Cụ thể, kết quả khảo sát cả người tiêu dùng và điểm bán do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện chỉ ra rằng, kênh bán lẻ hiện đại như hệ thống siêu thị là điểm đến được ưu tiên lựa chọn cho xu hướng và quan niệm tiêu dùng, chiếm khoảng 2/3 tỷ trọng tiêu dùng. Đồng thời, đối với sản phẩm nước mắm, kênh phân phối online chưa phải là thế mạnh. Riêng kênh bán lẻ truyền thống vẫn giữ vai trò chủ đạo trong phân phối do sự thuận tiện, thói quen tiêu dùng và sự cân nhắc về giá cả, chiếm tỷ lệ khá đồng đều, không chênh lệch nhiều giữa các kênh. 

Còn theo Hội Lương thực, Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi năm thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 250 triệu lít nước mắm; trong đó, nước mắm truyền thống chiếm khoảng 60 triệu lít, nước chấm công nghiệp (nước mắm tự nhiên pha loãng và thêm hương vị) chiếm khoảng 190 triệu lít, tương đương 70% thị phần nội địa.

Ghi nhận thực tế, có khoảng 50% sản lượng nước mắm được phân phối thông qua mối sỉ, phần còn lại đến từ nhà phân phối chính thức. Song song đó, đa số người bán lẻ đều nhận biết và phân biệt tốt khái niệm nước mắm truyền thống với nước mắm công nghiệp.

Trong bối cảnh này, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao triển khai Chương trình hỗ trợ bán hàng cho nước mắm truyền thống dành cho các Hội Nước mắm thuộc tỉnh, thành trên cả nước và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nước mắm. Chương trình này không nằm ngoài mục tiêu tạo điều kiện tiếp thị thị trường, kết nối cho việc đưa hàng vào kênh phân phối hiện đại và mạng lưới chợ truyền thống tại các thị trường lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội…

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết chương trình sẽ triển khai một số hoạt động thiết thực như xây dựng App hỗ trợ bán hàng, thực hành doanh nghiệp về marketing, cải thiện hình ảnh nhận diện thương hiệu các sản phẩm nước mắm truyền thống… Vì trong bối cảnh thị trường ngày càng xuất hiện nhiều các vụ bê bối liên quan đến vệ sinh, an toàn thực phẩm thì các yếu tố liên quan đến vấn đề an toàn, sức khỏe được người tiêu dùng quan tâm hơn cả như sản phẩm vệ sinh, thông tin về nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, thành phần sản phẩm... 

Đặc biệt, ngoài yếu tố cảm nhận về chất lượng (ngon, hợp khẩu vị), yếu tố tạo sự thuận tiện trong việc tiếp cận sản phẩm cũng được người tiêu dùng khá quan tâm (dễ tìm mua/ mua đâu cũng có), Chương trình sẽ trở thành công cụ hiệu quả giúp các đơn vị sản xuất, kinh doanh chinh phục người tiêu dùng. Bên cạnh đó, thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi những đơn vị sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống phải nâng cao khả năng tiếp thị, phân phối… trong cuộc chiến giành thị phần.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao giá trị - Phát triển thị trường nước mắm truyền thống