Nâng cao chất lượng sức khỏe sinh sản

29/11/2010 14:27

Sau 10 năm thực hiện “Chiến lược quốc gia về chăm sóc SKSS", tình trạng sức khỏe bà mẹ trẻ em ở tỉnh ta, tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi… đã được cải thiện rõ rệt.


Cộng tác viên dân số phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) tư vấn kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ

Cách đây 10 năm, ngày 28-11-2000, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt “Chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) giai đoạn 2001-2010”. Sau 10 năm thực hiện chiến lược này, tình trạng sức khỏe bà mẹ trẻ em ở tỉnh ta, tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi… đã được cải thiện rõ rệt.

Thực hiện chiến lược trên, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch hành động của tỉnh. Đồng thời, xây dựng và ban hành kế hoạch tổng thể về chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe vị thành niên và thanh niên giai đoạn 2006 - 2010. Ngành y tế đã tổ chức truyền thông về chăm sóc SKSS với nhiều hình thức: thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức nói chuyện chuyên đề, giao lưu, hội thi, truyền thông trực tiếp. Ngành tăng cường phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đoàn Thanh niên… vận động chị em trong độ tuổi sinh đẻ đăng ký quản lý thai nghén, khám thai định kỳ ít nhất 3 lần trong thai kỳ, nuôi con bằng sữa mẹ, phòng, chống các bệnh nhiễm khuẩn qua đường tình dục, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, KHHGĐ, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em. Ngành y tế kiện toàn lại tổ chức và phát triển nguồn nhân lực để cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS từ tỉnh tới cơ sở. Qua đó, bảo đảm cung cấp các dịch vụ chăm sóc cho bà mẹ trước, trong và sau sinh. Tổ chức thực hiện tốt các quy định chống nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế. Thực hiện đa dạng hóa các biện pháp tránh thai bảo đảm hiệu quả, an toàn, thuận tiện. Các dịch vụ KHHGĐ được chuyển giao, đưa các dịch vụ xuống cơ sở, tạo thuận lợi cho người dân có nhu cầu sử dụng. Phối hợp truyền thông tư vấn làm giảm các nguy cơ vô sinh với các giải pháp giảm nạo phá thai, khám và điều trị các bệnh phụ khoa và nhiễm khuẩn đường sinh dục, triển khai khám và điều trị vô sinh. Huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp và chuẩn hóa về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác chăm sóc SKSS tại các tuyến, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở. Tỉnh đã thành lập được Bệnh viện Nhi và xây dựng đề án thành lập Bệnh viện Phụ sản. Trung tâm chăm sóc SKSS tỉnh đã được nâng cấp về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại. 6 trung tâm y tế cấp huyện đã được xây mới. 65% số trạm y tế có ít nhất 4 phòng dành cho công tác chăm sóc SKSS. Trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho cấp cứu sản khoa và sơ sinh, dụng cụ đỡ đẻ, dịch vụ KHHGĐ tại các trạm y tế được bổ sung. 100% số trạm y tế có nữ hộ sinh. Hằng năm, ngành y tế liên tục tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn về chăm sóc SKSS, làm mẹ an toàn, phòng, chống 5 tai biến sản khoa và tai biến dịch vụ KHHGĐ; khống chế nhiễm khuẩn, phá thai an toàn…               

Những hoạt động trên đã góp phần cải thiện đáng kể chất lượng SKSS, nâng cao chất lượng dân số của tỉnh. Các hoạt động tuyên truyền đã tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức cũng như sự ủng hộ cam kết thực hiện các nội dung chăm sóc SKSS trong mọi tầng lớp nhân dân. Toàn tỉnh có 95% số cơ sở chăm sóc SKSS thực hiện thông tin giáo dục, tư vấn về SKSS, tăng 15%; 95% số người dân tới các cơ sở chăm sóc SKSS được thông tin tư vấn, tăng 15%; 60% số trẻ vị thành niên trở lên có hiểu biết về SKSS, tăng 10% so với năm 2000. Các chỉ tiêu quan trọng đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, thấp hơn nhiều so với chỉ số trung bình của toàn quốc. Tỉnh ta duy trì vững chắc xu thế giảm sinh, bảo đảm quyền lựa chọn các biện pháp tránh thai có chất lượng của các cặp vợ chồng, giảm tình trạng có thai ngoài ý muốn và nạo hút thai. Sức khỏe của phụ nữ và các bà mẹ được nâng cao, giảm tỷ lệ tử vong mẹ, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em. 100% số phụ nữ được khám thai trước khi sinh, tăng 8%; 98% số phụ nữ được khám thai 3 lần trước khi sinh, tăng 8%; 100% sản phụ được chăm sóc sau sinh, tăng 15%; tỷ lệ tai biến sản khoa chiếm 0,5%, giảm 1 nửa so với năm 2000. Tỷ suất chết mẹ 18,6/100 nghìn trẻ đẻ sống (toàn quốc là 70/100 nghìn trẻ); tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi 4,95%0, thấp hơn 20,05%0; tỷ lệ trẻ sơ sinh nặng dưới 2,5 kg là 3,2%, thấp hơn 2,8 % so với toàn quốc. Chương trình đã tăng cường truyền thông tư vấn về vệ sinh kinh nguyệt, vệ sinh giao hợp, KHHGĐ…  do đó làm giảm số người mắc mới và điều trị tốt các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, các bệnh lây qua đường tình dục. Tỷ lệ người trong độ tuổi sinh sản mắc các bệnh qua đường tình dục chiếm 40%, giảm 5% so với năm 2000. SKSS cho người cao tuổi cũng được quan tâm, đặc biệt là việc phát hiện và điều trị sớm các trường hợp bị ung thư vú và các dạng ung thư khác của đường sinh sản nam, nữ. Kiến thức chăm sóc SKSS của trẻ vị thành niên và thanh niên được cải thiện.  Chương trình cũng nâng cao sự hiểu biết của phụ nữ và nam giới về giới tính và tình dục. Từ đó, xây dựng quan hệ tình dục an toàn, từng bước xây dựng mối quan hệ bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau nhằm nâng cao SKSS và cuộc sống. Năm 2010, toàn tỉnh có 70% số người trong độ tuổi sinh sản được tư vấn về giới tính và tình dục, tăng 25% so với năm 2000.

Những kết quả trong chương trình chăm sóc SKSS của tỉnh trong giai đoạn 2000-2010 đã và đang góp phần nâng cao chất lượng dân số của tỉnh, cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong tỉnh.

MAI LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao chất lượng sức khỏe sinh sản