Nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát

04/07/2019 10:18

Trong nhiệm kỳ qua, MTTQ các cấp ở Hải Dương đã kịp thời triển khai nhiều hoạt động giám sát và phản biện xã hội, bước đầu đi vào nền nếp.


Tháng 4.2019, Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh đã giám sát việc thu, quản lý, sử dụng các khoản thu ngoài kinh phí được ngân sách cấp tại 10 trường tiểu học ở TP Hải Dương năm học 2017-2018 và 2018-2019

Việc Đảng trao cho MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội thực hiện hoạt động giám sát và phản biện xã hội, chính là giúp MTTQ hiện thực hóa chủ trương xây dựng xã hội dân chủ, cụ thể hóa mối quan hệ: Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ. Ngoài ra, Đảng trao cho MTTQ thêm một chức năng mới đó là đại diện cho nhân dân mà hoạt động giám sát và phản biện xã hội là một nhiệm vụ chủ yếu nhằm thực hiện chức năng đó. Nhân dân đặt kỳ vọng vào tổ chức đại diện cho mình để thực hiện quyền giám sát các cơ quan Đảng, Nhà nước, thực hiện quyền phản biện để tham gia vào quá trình xây dựng, ban hành, thực thi chính sách bảo đảm phù hợp với thực tiễn, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

Trong nhiệm kỳ qua, MTTQ các cấp ở Hải Dương đã kịp thời triển khai nhiều hoạt động giám sát và phản biện xã hội, bước đầu đi vào nền nếp. Tuy nhiên, hiệu lực, hiệu quả chưa cao, một số nơi còn e ngại hoặc thiếu kinh nghiệm, kỹ năng tổ chức hoạt động này. Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động giám sát và phản biện xã hội trong nhiệm kỳ tới, với kinh nghiệm tích lũy được trong nhiều năm tham gia vào hoạt động giám sát của HĐND cũng như của MTTQ, tôi xin được trao đổi một số vấn đề sau:

Một là, cần có nhận thức đúng về hoạt động giám sát. Giám sát nhằm phát hiện và kiến nghị những vấn đề đang đi chệch hướng, thực hiện chưa hoặc không đúng để kiến nghị yêu cầu thực hiện cho đúng. Giám sát không nhằm mục đích tìm ra và xử lý sai phạm nhưng trong quá trình giám sát nếu phát hiện những vi phạm nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì có thể kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết. 

Điều mà giám sát thường "bỏ quên" là thiếu hoặc không kiểm tra kết quả sau giám sát. Việc xem người được giám sát có thực hiện đầy đủ các kiến nghị, ý kiến đã nêu hay không rất quan trọng. Chính sự "bỏ quên" này dẫn đến giám sát kém hiệu quả, nửa vời.

Hai là, chọn vấn đề giám sát không nhất thiết phải to tát, xứng tầm mà cần phát hiện kịp thời những việc còn đang trong "thời kỳ có dấu hiệu". Nếu không được cảnh báo, ngăn chặn kịp thời thì có thể sẽ xảy ra vấn đề lớn. Chẳng hạn như những xung đột trong nhân dân hay giữa người dân với chính quyền, những bất cập trong chính sách... nếu được phát hiện sớm và kịp thời xử lý sẽ hạn chế những điểm nóng, khiếu kiện đông người, vượt cấp. Ý nghĩa của giám sát chính là ở chỗ phát hiện kịp thời, kiến nghị xử lý dứt điểm những vấn đề đáng quan tâm của nhân dân. Việc chọn vấn đề hay chủ đề giám sát là yếu tố quan trọng góp phần làm cho hiệu quả, hiệu lực giám sát được nâng lên.

Ba là, người làm giám sát (chủ thể giám sát) cần tích lũy kinh nghiệm và có đầy đủ kỹ năng. Mỗi người đều phải qua rèn luyện, tích lũy trên nền tảng kiến thức với kinh nghiệm sẵn có trong hoạt động giám sát. Bản thân người giám sát phải căn cứ vào đề xuất của các Ủy viên Ủy ban MTTQ, kết quả giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo, hoạt động tiếp công dân, phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng để đề xuất vấn đề cần giám sát. Vấn đề được chọn phải mang tính thời sự, vấn đề bức xúc của nhân dân ở địa phương, được nhiều người quan tâm. Người giám sát phải nắm vững các quy định của pháp luật, nghị quyết HĐND cùng cấp liên quan đến nội dung giám sát; nắm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng giám sát. Cùng với đó phải thu thập được nhiều thông tin có độ tin cậy cao liên quan đến vấn đề, nội dung, đối tượng giám sát... 

Bốn là, thực hiện giám sát theo một quy trình thống nhất. Xây dựng kế hoạch giám sát, thành lập đoàn giám sát, thông báo kế hoạch giám sát và gửi đề cương yêu cầu cơ quan, đơn vị được giám sát xây dựng báo cáo; xem xét báo cáo (giám sát qua báo cáo); giám sát trực tiếp (làm việc trực tiếp với đối tượng giám sát); xây dựng báo cáo giám sát; theo dõi kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát...

LƯƠNG ANH TẾ, Ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh

(0) Bình luận
Nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát