Ngày 26-12 hằng năm là Ngày Dân số Việt Nam. Đây thực sự là một dấu mốc quan trọng làm biến đổi xã hội sâu sắc trong cả nước.
Trạm Y tế xã Thạch Khôi (TP Hải Dương) hướng dẫn phụ nữ biện pháp tránh thai. Ảnh: Đức Thành
Cách đây vừa tròn nửa thế kỷ, ngày 26- 12- 1961, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký ban hành Quyết định số 216-CP về việc sinh đẻ có hướng dẫn, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng về công tác dân số - KHHGĐ. Ngày 26-12 hằng năm cũng chính thức được chọn là Ngày Dân số Việt Nam. Đây thực sự là một dấu mốc quan trọng làm biến đổi xã hội sâu sắc trong cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng.
Ngay sau khi Quyết định số 216 được ban hành, Tỉnh ủy và Ủy ban hành chính tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành và đoàn thể trong tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho các tầng lớp nhân dân thực hiện. Khi đó, dân số tỉnh ta là 842.782 người, tỷ lệ tăng dân số là 4,1%, tổng tỷ suất sinh là 6,2 con/phụ nữ; nhưng đến năm 1975, tỷ lệ tăng dân số đã giảm hơn một phần ba, xuống còn 2,7%; tổng tỷ suất sinh giảm xuống còn 5,2 con/phụ nữ. Năm 1974, tỉnh ta (lúc đó là tỉnh Hải Hưng) được Trung ương chọn tổ chức hội nghị tổng kết công tác sinh đẻ có kế hoạch toàn quốc lần thứ nhất và được biểu dương là đơn vị dẫn đầu trong giai đoạn này.
Đất nước thống nhất, cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch tiếp tục được triển khai, đẩy mạnh trên phạm vi toàn tỉnh. Công tác sinh đẻ có kế hoạch được giao cho ngành y tế trực tiếp thực hiện. Tỉnh ta tiếp tục là đơn vị được giao tổ chức hội nghị tổng kết lần thứ hai và được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba.
Năm 1989, Ủy ban Dân số - KHHGĐ tỉnh được thành lập, hệ thống Ủy ban Dân số - KHHGĐ cấp tỉnh và cấp huyện đã có cơ quan chuyên trách. Mạng lưới cộng tác viên dân số tại thôn, khu dân cư được hình thành và phát triển. Với phương thức hoạt động “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động và cung cấp các phương tiện tránh thai, đội ngũ cán bộ dân số - KHHGĐ xã và cộng tác viên ở thôn, khu dân cư thực sự là lực lượng nòng cốt góp phần quan trọng vào thành công của chương trình dân số - KHHGĐ. Công tác dân số - KHHGĐ đã có sự thay đổi cơ bản, toàn diện cả về nội dung, cách thức, tổ chức bộ máy… Tỉnh đã đầu tư xây dựng nhiều trung tâm, phòng khám cung cấp dịch vụ KHHGĐ. Tinh ta cũng là nơi được Bộ Y tế giao nhiệm vụ tổ chức đào tạo, huấn luyện chuyển giao các kỹ thuật đình sản nữ, đình sản nam cho nhiều đơn vị trong cả nước.
Lấy mẫu máu gót chân xét nghiệm sàng lọc sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Miện
Kết quả công tác dân số - KHHGĐ trong 10 năm đổi mới (1987-1999) đã vượt các mục tiêu đề ra. Tổng tỷ suất sinh giảm nhanh từ trên 3 con/phụ nữ năm 1989 xuống 2,05 con/phụ nữ năm 1999; tỷ lệ tăng dân số giảm từ 2,1% năm 1989 xuống còn 1,1% năm 1999; quy mô dân số tăng từ 1.507.959 người năm 1989 lên 1.650.624 người năm 1999. Tốc độ gia tăng dân số đã được kiềm chế.
Bước sang giai đoạn 2001- 2010, thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam, tổ chức bộ máy của ngành dân số có nhiều thay đổi. Năm 2002, Ủy ban Dân số - KHHGĐ và Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em sáp nhập thành Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em. Tỉnh ta đã đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu cơ bản trong Chiến lược Dân số và Chương trình hành động của tỉnh đề ra sớm hơn 5 năm. Khi Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em giải thể (năm 2008), Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh và 12 Trung tâm Dân số-KHHGĐ các huyện, thành phố được thành lập. Tỉnh ta là một trong những tỉnh đầu tiên trong toàn quốc sớm kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số - KHHGĐ và làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời đối với công tác dân số -KHHGĐ. Đến năm 2009, công tác dân số -KHHGĐ của tỉnh đã hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, nhất là chỉ tiêu giảm sinh 0,2%o, góp phần cùng toàn ngành y tế hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu do Bộ Y tế và tỉnh giao.
Những thành tựu của công tác dân số - KHHGĐ đã góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập bình quân đầu người, cải thiện đời sống nhân dân, giảm tình trạng đói nghèo, tăng cường bình đẳng giới, đóng góp vào sự phát triển bền vững của tỉnh.
Tuy nhiên, công tác dân số - KHHGĐ tỉnh ta còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức cần giải quyết như: chất lượng dân số tuy đã được cải thiện song chưa cao; tỷ số giới tính khi sinh đang ở mức báo động (121 trẻ trai/100 trẻ gái), đứng ở tốp đầu trong toàn quốc; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đang ở mức cao… Để giải quyết những vấn đề đó, trong những năm tới, tỉnh ta tiếp tục thực hiện các định hướng lớn như duy trì mức sinh thấp hợp lý; triển khai thực hiện các đề án, mô hình và giải pháp góp phần nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng được nguồn nhân lực có chất lượng cao như: đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh, mô hình tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; thực hiện tốt chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đặc biệt, tập trung thực hiện đề án “Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” nhằm từng bước khống chế tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính, tiến tới ổn định cân bằng giới tính khi sinh theo quy luật tự nhiên. Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ về sức khỏe sinh sản- KHHGĐ đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, bảo đảm thuận lợi, an toàn và chất lượng. Tham mưu triển khai các giải pháp, ứng phó với già hóa dân số. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ làm công tác dân số - KHHGĐ ở các tuyến để đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
TTƯTĐOÀN MẠNH TIẾN
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế