Nâng cao chất lượng công tác xét xử

15/09/2013 10:16

Ban cán sự đảng, TAND tỉnh đã tăng cường công tác lãnh đạo toàn diện, trực tiếp, phát động các phong trào thi đua để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của toàn ngành...



Ngành tòa án tỉnh coi trọng đổi mới, nâng cao chất lượng xét xử theo hướng cải cách tư pháp

Trước tình hình tội phạm hình sự, các vụ vi phạm pháp luật, tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, khiếu kiện hành chính… ngày càng gia tăng cả về số vụ và tính chất phức tạp, Ban cán sự đảng, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh đã tăng cường công tác lãnh đạo toàn diện, trực tiếp, phát động các phong trào thi đua để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của toàn ngành.

Đẩy mạnh các phong trào thi đua

Những năm qua, ngành tòa án tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc phát động các phong trào thi đua gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các phương châm “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”, “Gần dân, hiểu dân, giúp dân và học dân” nhằm cổ vũ cán bộ, công chức (CBCC) toàn ngành hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn. Chỉ từ đầu năm đến nay, Hội đồng thi đua khen thưởng (TĐKT) ngành đã phát động 2 đợt thi đua (từ ngày 1-1 đến 31-3 và từ 1-6 đến 30-8-2013). Đợt 1 với mục tiêu "Phấn đấu thực hiện thắng lợi công tác 6 tháng đầu năm, trọng tâm là công tác xét xử các vụ án hình sự phục vụ đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trước và sau Tết Nguyên đán 2013". Đợt 2 với mục tiêu “CBCC ngành TAND tỉnh Hải Dương thi đua hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu công tác, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 68 năm ngày thành lập nước và Ngày truyền thống ngành TAND”. Các phong trào trên đã thu hút 100% số đơn vị, CBCC trong ngành đăng ký thi đua. Trong đó, các đơn vị, cán bộ toàn ngành đã ưu tiên đẩy nhanh tiến độ giải quyết các loại vụ án, phân loại, rà soát các vụ việc; giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài. Hội đồng TĐKT ngành thường xuyên kiểm tra việc thực hiện tại các đơn vị, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, giúp các đơn vị tháo gỡ khó khăn. Chỉ trong đợt thi đua từ ngày 1-6 đến 30-8-2013, toàn ngành đã giải quyết, xét xử 1.426 trong tổng số 1.772 vụ việc đã thụ lý, đạt tỷ lệ 80 %; tổ chức xét xử lưu động 128 vụ. Chất lượng xét xử các loại án được giữ vững, không có án oan, sai nghiêm trọng, chỉ có 2 vụ bản án bị hủy do lỗi chủ quan của thẩm phán, chiếm 0,14% (thấp hơn so với quy định của ngành). Kết thúc đợt thi đua đặc biệt này, toàn ngành đã khen thưởng 19 cá nhân có thành tích tiêu biểu.

Bên cạnh tổ chức tốt các phong trào thi đua, ngành cũng chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, thẩm phán, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ theo yêu cầu cải cách tư pháp. Công tác tập huấn, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiên cứu xét xử cho thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký toà án hai cấp được quan tâm. Các toà án chủ động tổ chức học tập, nghiên cứu các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, các bản án cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm đã xét xử; phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tổ chức các phiên toà mẫu về tổ chức điều hành, thẩm vấn, tranh tụng tại phiên toà để rút kinh nghiệm nâng cao chất lượng xét xử của thẩm phán, biên bản phiên toà của thư ký. Với 18 đơn vị trực thuộc, toàn ngành hiện có 207 CBCC; trong đó có 71 thẩm phán, còn lại thẩm tra viên, thư ký và các chức danh khác. Trình độ chuyên môn  của đội ngũ CBCC được nâng cao với trên 50% số cán bộ có trình độ cử nhân luật; 13 cán bộ có trình độ lý luận chính trị cao cấp.

Xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật

Hiệu quả lớn từ các phong trào thi đua đã tác động rõ nét đến chất lượng công tác xét xử trong toàn ngành. Riêng trong năm 2012, nhiều đơn vị tòa án đã giải quyết các loại vụ án đạt tỷ lệ cao, chất lượng tốt, như: TAND huyện Ninh Giang giải quyết 100% số vụ thụ lý, TAND các huyện Thanh Miện, Kim Thành, Kinh Môn và thị xã Chí Linh đều đạt 99%; các đơn vị khác đạt trên 97%; tỷ lệ án hủy, sửa thấp hơn so với quy định. Tiêu biểu như TAND huyện Tứ Kỳ không có án hủy; có 7 đơn vị tổ chức xét xử lưu động trên 20 vụ/năm.


Các phiên xét xử lưu động do Tòa án Nhân dân tỉnh tổ chức đều có tính răn đe, giáo dục, phổ biến pháp luật. Trong ảnh: Phiên xét xử bị cáo Trần Văn Phúc, nguyên là sinh viên Trường Cao đẳng kỹ thuật khách sạn và du lịch (Cẩm Giàng) phạm tội giết người. Ảnh: TH


Trong khi số lượng án do các TAND thụ lý ngày càng tăng (năm 2013 đã tăng gần 270 vụ so với năm 2012), số lượng thẩm phán của ngành còn hạn chế, nhưng các đơn vị trong ngành đều nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu về tiến độ và chất lượng giải quyết, xét xử. Các án dân sự, hôn nhân và gia đình xảy ra nhiều, số lượng thụ lý hằng năm tăng, quá trình xét xử cũng gặp nhiều khó khăn, thời gian thường kéo dài. Để giải quyết tốt các loại án này, ngành TAND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tích cực điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân, tập trung hướng dẫn và giải thích pháp luật liên quan cho các bên đương sự. Trong quá trình giải quyết các án dân sự, hôn nhân và gia đình, các thẩm phán đã kiên trì hoà giải, lấy hoà giải làm trọng, chỉ đưa vụ án ra xét xử khi công tác hoà giải không đạt kết quả. Nhờ sự tận tụy, kiên trì của cán bộ toà án hai cấp, các vụ án dân sự và hôn nhân gia đình đã được giải quyết thấu tình đạt lý, tỷ lệ giải quyết xong đạt từ 90% trở lên. Qua đó đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.

Tòa án hai cấp trong tỉnh phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, VKSND xử lý kịp thời, nghiêm minh những vụ án trọng điểm, án phức tạp được dư luận xã hội quan tâm. Tích cực, chủ động phối hợp với các ngành làm án, chính quyền cơ sở tổ chức các phiên tòa lưu động để tuyên truyền giáo dục trong nhân dân.

Trước nhiệm vụ cải cách tư pháp trong tình hình mới, ngành TAND tỉnh tiếp tục tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho CBCC, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tập trung khắc phục những hạn chế, tăng cường kiểm tra, giám sát và hướng dẫn việc tổ chức các phiên tòa tranh tụng theo tinh thần cải cách tư pháp. Sửa đổi, bổ sung quy trình thụ lý, giải quyết các vụ án theo hướng thẩm phán chủ tọa xây dựng kế hoạch giải quyết từng vụ, việc trước khi tiến hành lấy lời khai, xác minh, thu thập chứng cứ, thẩm định giá, tổ chức hòa giải... theo đúng quy định của pháp luật tố tụng. Đặc biệt, ngành tiếp tục thực hiện chủ trương hướng về cơ sở, nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát và hướng dẫn nghiệp vụ, giúp TAND cấp huyện khắc phục hạn chế, thiếu sót. Để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án, đội ngũ cán bộ, thẩm phán của ngành luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm; đổi mới thủ tục xét hỏi và nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, bảo đảm dân chủ, khách quan trong hoạt động xét xử. Toàn ngành TAND tỉnh tập trung nâng cao chất lượng xét xử và cải tiến lối làm việc. Toà án hai cấp chú trọng nâng cao chất lượng việc nghiên cứu hồ sơ và kỹ năng điều hành phiên toà, chất lượng tranh tụng, tuân thủ nghiêm quy trình ban hành các quyết định, bản án của toà án. Các phán quyết của tòa đưa ra đều có căn cứ, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Với những kết quả đã đạt được ngành tòa án tỉnh phấn đấu tiếp tục đổi mới theo tinh thần cải cách tư pháp, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; góp phần tích cực giữ ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

 PV

(0) Bình luận
Nâng cao chất lượng công tác xét xử