Sáng 21-3, Sở Y tế phối hợp tổ chức hội thảo đánh giá kết quả triển khai thực hiện Thông tư 35 của Bộ Y tế về chăm sóc sức khỏe NCT trên địa bàn.
Tham dự hội thảo có các đại biểu đến từ Văn phòng Quỹ Dân số Liên hợp quốc, đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, Sở Y tế, Hội NCT tỉnh, các cơ sở y tế trên địa bàn.
Thời gian qua, tại mỗi khoa của các bệnh viện trong tỉnh đều bố trí từ 1-2 phòng phục vụ bệnh nhân NCT, không để NCT phải nằm chung giường (nhất là các cụ 80 tuổi trở lên). 100% số cơ sở y tế trong tỉnh đưa nội dung chăm sóc sức khỏe NCT vào kế hoạch hoạt động. Số lần NCT được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế cũng như được lập hồ sơ quản lý sức khỏe tại các tuyến đều tăng cao... Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có hơn 182 nghìn NCT được chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh tại các bệnh viện, gần 400 nghìn người được chăm sóc, khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Tổng kinh phí cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe NCT hơn 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động chăm sóc sức khỏe NCT vẫn còn nhiều hạn chế như: chế độ, chính sách của nhà nước về khám, chữa bệnh cho NCT vẫn chưa phù hợp với tình hình thực tế, thiếu trang thiết bị để can thiệp điều trị một số bệnh: ung thư, tim mạch; kinh phí dành cho hoạt động chăm sóc sức khỏe NCT còn thấp...
Đa số ý kiến tham luận cho rằng, để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe NCT các cấp, ngành, đoàn thể cần phối hợp chặt chẽ trong triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho NCT; khắc phục tình trạng đơn lẻ của từng ngành dẫn đến hiệu quả thấp. Hội NCT các cấp cần chủ động đề xuất với các đơn vị y tế triển khai các hoạt động phổ biến, tư vấn, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho NCT tại cộng đồng. Nhà nước cần có chính sách ưu tiên hỗ trợ 100% kinh phí cho NCT mua bảo hiểm y tế...
PV