Có một nghịch lý bất công trong xã hội Ấn Độ: người ta phá thai khi biết là con gái để rồi sau đó lại tranh nhau lùng mua cô dâu.
Đàn ông nghèo ở Ấn Độ đang gặp khó khăn khi tìm vợ - Ảnh: Reuters |
“Ngày nay chỉ có người giàu và đàn ông có công việc trong chính phủ mới kiếm được cô dâu mà thôi. Những người có thu nhập thấp hơn không thể kiếm vợ ở đây” - anh Narinder, một giáo viên sống tại bang Uttar Pradesh, than thở.
Trong bốn anh em của anh, chỉ mới có một người lấy vợ và Narinder cũng không hi vọng mình có cơ may đó. Ở khu vực anh sống, sự chênh lệch giới tính lên đến 858 bé gái/1.000 bé trai được sinh ra.
Không còn cô dâu
Ước tính trong 30 năm qua Ấn Độ có 12 triệu ca phá thai sau khi biết giới tính là con gái. Thống kê đến năm 2011 cho thấy nam giới ở Ấn Độ nhiều hơn nữ giới đến 37 triệu người. Một số quận của nước này có tỉ lệ chênh lệch đến 800 bé gái/1.000 bé trai. |
Nhưng Narinder đã 36 tuổi và anh cần một người vợ để lo việc nhà cửa, bếp núc phụ giúp cha mẹ và sinh con. Anh thậm chí dự tính sẽ chia sẻ vợ với hai người anh, em chưa có gia đình của mình.
Điều trớ trêu là dù biết rõ nguyên nhân gây ra bi kịch của mình, Narinder cho biết nếu lấy được vợ và có con, anh vẫn muốn mình có con trai.
Nạn phá thai để sinh con trai kéo dài hàng thập kỷ qua ở nhiều nơi của Ấn Độ gây ra tình trạng thiếu hụt nữ giới trầm trọng, nguyên nhân sâu xa của nhiều vấn nạn xã hội.
Có nhiều nguyên nhân khiến văn hóa Ấn Độ không thích sinh con gái, trong đó bao gồm việc phải trả của hồi môn đắt đỏ hay quan niệm rằng con gái khi lớn lên sẽ theo chồng, không còn hỗ trợ gia đình.
Bác sĩ phụ khoa Puneet Bedi ở New Delhi lo ngại nếu tình trạng này tiếp tục sẽ để lại những hậu quả nặng nề cho Ấn Độ. “Cơ cấu xã hội mà chúng ta cho là bình thường thật ra là kỳ quái khi thiếu đi 20-30% phụ nữ” - ông nói.
Hậu quả của việc mất cân bằng giới tính có thể thấy rõ ở Ấn Độ, tạo thành một vòng luẩn quẩn nhắm vào nữ giới ở nước này.
“Sự gia trưởng đang bám chặt vào xã hội của chúng ta. Các bé gái như những vị khách không mời trong gia đình của chúng ta và đó cũng là cách họ bị đối xử” - nhà hoạt động nữ quyền Poonam Muttreja bức xúc.
Bà chỉ trích đây là ý nghĩ sai lầm khi thật ra phụ nữ lo lắng cho người thân của mình hơn, gửi tiền về cho cha mẹ thì con trai lại giữ tiền để rượu chè, thuốc lá...
Mua vợ
Không thể tìm được vợ ở Uttar Pradesh, anh Narinder cho biết đã đăng ký để tìm một cô dâu ở bang khác. Nhưng cũng giống như anh, vô số nam giới khác ở Ấn Độ cũng đang tìm kiếm vợ. Nhu cầu khổng lồ này đã thổi bùng một vấn đề lớn hơn là nạn buôn bán cô dâu.
Những bang miền đông như Assam, Jharkhand, West Bengal và Odisha có tỉ lệ sinh cân bằng hơn trở thành nguồn cung cô dâu cho những bang miền bắc trù phú hơn, nơi người dân bảo thủ hơn và có điều kiện để xác định giới tính thai nhi, phá thai.
Do đó không lạ gì khi xảy ra hàng loạt vụ bắt cóc phụ nữ ở Ấn Độ. Cơ quan thống kê tội phạm quốc gia Ấn Độ ước tính trong năm 2012, trung bình mỗi ngày có khoảng 10 phụ nữ bị bắt cóc ở bang Assam.
Điều bi kịch hơn là một trong những cách mà bọn buôn người thủ tiêu đường trở về của các nạn nhân là hãm hiếp họ, lợi dụng định kiến xã hội khiến họ trở thành nỗi nhục của gia đình.
Ở một số nơi khác, cô dâu được mua công khai như một món hàng. Như hai chị em Tasleema và Akhleema bị bán về làm dâu ở Haryana vì gia đình quá nghèo.
Được mua với giá khoảng 2.000 USD, họ phải quần quật suốt ngày với việc bếp núc, dọn dẹp, ra đồng nhưng cũng không tránh khỏi bị đánh đập, hành hạ. “Thậm chí trẻ em trong làng đối xử với chúng tôi như chó” - hai chị em cho biết.
TRẦN PHƯƠNG (Tuổi trẻ)