Vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm, chất lượng hàng hóa tại các quán cóc và bán hàng rong vẫn bị thả nổi.
Quản lý hàng rong, quán cóc là một vấn đề khó trong quản lý đô thị hiện nay
Quán cóc vỉa hè, người bán hàng rong ngày càng trở nên phổ biến ở TP Hải Dương. Mặt hàng của hình thức “kinh doanh” buôn bán này cũng đa dạng, từ quần áo, mũ bảo hiểm, băng đĩa đến đồ ăn, thức uống... Tuy nhiên, vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm, chất lượng hàng hóa tại các quán cóc và bán hàng rong vẫn bị thả nổi.
Vào các buổi chiều, trên đường Vũ Hựu tập trung nhiều điểm bán quần áo vỉa hè. Khu vực này có nhiều trường đại học, cao đẳng, nhà trọ sinh viên nên khách mua chủ yếu là học sinh, sinh viên, người thu nhập thấp. Chỉ với miếng bạt được trải trên nền vỉa hè, bày vài chục chiếc áo quần là đã thành một điểm kinh doanh. Do không mất tiền thuê mặt bằng và thuế nên giá cả các mặt hàng được bày bán khá “mềm”. Tuy nhiên, hoạt động mua bán diễn ra vào lúc chiều tối, nhìn không rõ mặt hàng nên người mua khó xác định được chất lượng thật của sản phẩm. Người tiêu dùng với tâm lý “tiền nào của ấy” nên cũng chỉ chọn lựa kiểu dáng, mẫu mã mà không quan tâm tới chất lượng sản phẩm.
Trong khuôn viên Công viên Bạch Đằng thường xuyên có hàng chục quầy bán nước giải khát quây kín đường đi, lối lại. Tối đến, ở đây lại có thêm những quán “rượu mực” để phục vụ dân nhậu. Những chủ hàng trải chiếu la liệt trên thảm cỏ công viên, người mua, người bán tùy tiện xả rác thải ra khắp vườn hoa, lòng hồ, gây mất vệ sinh, mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến trật tự an ninh. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay và được người dân, cơ quan báo chí phản ánh nhiều lần nhưng vẫn chưa được xử lý.
Quán nước bao vây Công viên Bạch Đằng
Dọc các đường phố có rất nhiều quán ăn đêm vỉa hè với đủ loại mặt hàng như: chân gà nướng, ốc luộc, nem rán... Buổi tối, những quán ăn này khá đông khách hàng, xe máy dựng chật cả vỉa hè. Những món ăn nhìn khá bắt mắt nhưng nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm luôn tiềm ẩn.
Cùng với quán cóc còn có đội ngũ bán hàng rong đông đảo hoạt động trên từng con đường, ngõ phố. Những mặt hàng ví da, lót giày, bật lửa, đĩa VCD, DVD, sách... thường không có nguồn gốc, chất lượng kém. Những người bán đĩa, sách lấy hàng từ các mối in, sao chép đĩa, sách lậu nên giá bán rẻ hơn rất nhiều so với bản phát hành, chỉ 5.000 đồng/đĩa. Ngoài những đĩa phim, ca nhạc đơn thuần thì những người bán rong luôn thủ sẵn những đĩa phim có nội dung không lành mạnh. Những đĩa phim "đen" này được những người bán dạo mời chào công khai và bán với giá cũng rất rẻ, chỉ 10 nghìn đồng/đĩa. Tình trạng trên không những khiến việc phát hành sách, đĩa của các nhà sản xuất, nhà xuất bản gặp khó khăn mà những văn hóa phẩm không lành mạnh, chưa được cấp phép cũng tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội, nhất là đối với giới trẻ.
Tình trạng quán cóc, hàng rong đang tồn tại ảnh hưởng rất nhiều đến trật tự an toàn giao thông, văn hóa đô thị, an toàn, vệ sinh thực phẩm... Một vấn đề đặt ra hiện nay là giải quyết như thế nào đối với tình trạng trên để chỉnh trang bộ mặt thành phố, văn minh đô thị mà không ảnh hưởng đến "miếng cơm, manh áo" hằng ngày của hàng nghìn người dân lao động. Ông Trần Hồ Đăng, Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố cho biết: "Thành phố đã và đang thực hiện nhiều đề án bảo đảm trật tự vệ sinh môi trường, xây dựng tuyến phố văn minh đô thị, bảo đảm trật tự giao thông đô thị... Các đội quản lý trật tự đô thị cùng thường xuyên tổ chức ra quân dẹp bỏ hàng quán, họp chợ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tái diễn và là một vấn đề khó giải quyết dứt điểm trong quản lý đô thị hiện nay".
HẠO NHIÊN