Mặc dù có kế hoạch rất cụ thể nhưng việc thực hiện hạ ngầm đường điện ở tỉnh ta đạt tỷ lệ rất thấp do thiếu kinh phí.
Ngành điện đang phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị hạ ngầm đường điện và cáp trên đường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) trong thời gian tới
Việc hạ ngầm đường điện trên địa bàn tỉnh được khởi động và triển khai từ lâu nhưng do gặp nhiều khó khăn nên đến nay tỷ lệ hạ ngầm đạt rất thấp.
Tỷ lệ hạ ngầm đạt thấp
Quy hoạch chi tiết phát triển lưới điện trung và hạ áp sau các trạm 110 kV giai đoạn 2016- 2025, có xét đến năm 2035 của tỉnh xác định ngoài việc thực hiện hạ ngầm đường điện ở TP Hải Dương và TP Chí Linh còn thực hiện việc ngầm hóa đường điện ở khu vực có quy hoạch ổn định, khu đô thị mới, khu công nghiệp, những khu vực có yêu cầu thẩm mỹ đô thị cao. Giai đoạn 2016-2020 sẽ hạ ngầm 461 km đường dây trung thế, gồm hạ ngầm trên 253 km đường điện mới xây dựng, còn lại là cải tạo, nâng tiết diện dây dẫn rồi sau đó hạ ngầm. Quy hoạch còn xác định sẽ hạ ngầm trên 1.000 km đường dây hạ áp. Kinh phí xây dựng, cải tạo hệ thống đường dây trung thế gồm cả phần hạ ngầm và treo trên không gần 4.723 tỷ đồng. Mặc dù kế hoạch rất cụ thể nhưng việc thực hiện hạ ngầm đường điện ở tỉnh ta chưa đạt chỉ tiêu đề ra.
Năm 2006, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương đã đầu tư 77 tỷ đồng cải tạo hệ thống đường dây từ 6 kV lên 22 kV tại một số khu vực cần thiết ở TP Hải Dương. Đây là dự án hạ ngầm đường điện đầu tiên của tỉnh. Từ đó đến nay, việc hạ ngầm đường điện thường xuyên được ngành điện triển khai thực hiện nhưng đa số mới chỉ dừng lại ở hệ thống điện trung áp, chưa thực hiện ở hệ thống hạ áp. Dù vậy, đến nay toàn tỉnh mới có trên 198 km đường điện 35 kV và 22 kV được hạ ngầm. Trong số này có trên 119 km do ngành điện thực hiện, còn lại do khách hàng. So với đường điện trung thế của Hải Dương thì tỷ lệ đường điện hạ ngầm mới chỉ đạt khoảng 2%.
Việc hạ ngầm đường điện tập trung chủ yếu ở khu vực TP Hải Dương, TP Chí Linh và huyện Cẩm Giàng, các huyện còn lại rất ít nơi được thực hiện. Hiện nay, TP Hải Dương đã hạ ngầm được gần 80 km (cả tài sản của ngành điện và khách hàng), huyện Cẩm Giàng được 57 km, TP Chí Linh 32 km. Các huyện khác như Ninh Giang, Tứ Kỳ, Kim Thành, Thanh Miện, mỗi nơi mới hạ ngầm được từ 1-2 km.
Đường điện 35 kV qua thị trấn Gia Lộc không bảo đảm khoảng cách an toàn nhưng chưa được hạ ngầm do cần kinh phí quá lớn
Nhiều khó khăn
Đường điện 35 kV dài 3,1 km đi qua thị trấn Gia Lộc là nỗi ám ảnh của người dân nơi đây hàng chục năm nay. Bởi năm nào ở đây cũng xảy ra tai nạn về điện do không bảo đảm khoảng cách an toàn. Toàn tuyến có trên 200 trường hợp vi phạm khoảng cách an toàn điện, có những điểm khoảng cách giữa đường dây và nhà dân chưa đầy 1 m. Để bảo đảm an toàn trong sản xuất, sinh hoạt cho các hộ ở đây, từ năm 2004 tỉnh đã xây dựng phương án hạ ngầm đường điện kết hợp với xây dựng hệ thống thoát nước cho thị trấn Gia Lộc. Nhưng do đất khu vực này đều đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho các hộ dân nên phải đưa dây điện ra phía vỉa hè hoặc quốc lộ 37 để hạ ngầm. Tổng kinh phí thực hiện dự án khoảng 40 tỷ đồng. Do nguồn kinh phí quá lớn trong khi tiềm lực còn hạn chế nên dự án chưa được thực hiện. Thời gian gần đây, dự án này đã được Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương khởi động trở lại bằng cách vay vốn nước ngoài; dự kiến đến năm 2021 mới có thể triển khai trên thực tế.
Dự án hạ ngầm đường điện 35 kV thị trấn Gia Lộc là một trong những điển hình về khó thực hiện hạ ngầm đường điện trên địa bàn tỉnh. So với xây dựng đường điện treo trên không, việc hạ ngầm đường điện mang lại nhiều lợi ích như tiết kiệm diện tích đất, bảo đảm mỹ quan, an toàn. Nhưng kinh phí hạ ngầm đường điện là rất lớn. Theo tính toán, để hạ ngầm 1 km đường điện trung thế mất khoảng 3 tỷ đồng, cao gấp đôi so với xây dựng đường dây trên không. Theo quy định, đường điện 35 kV được hạ ngầm ở độ sâu khoảng 1 m, đường điện 22 kV sâu 0,7 m, các đường điện đều được gắn biển nhận biết nhưng trong quá trình cải tạo, sửa chữa, xây dựng công trình, không ít trường hợp đào vào cáp ngầm, làm hỏng đường điện. Khi xảy ra sự cố, việc xác định vị trí bị hỏng gặp khó khăn, mất nhiều thời gian sửa chữa, kinh phí tốn kém hơn so với sửa chữa đường điện trên không. Việc hạ ngầm ở một số vị trí còn gặp trở ngại khi người dân không đồng ý, không muốn cho sử dụng đất của gia đình, thậm chí cả khu vực công cộng gần nơi họ sinh sống.
Để ngầm hóa đường điện thuận lợi, bảo đảm kế hoạch đòi hỏi không chỉ ngành điện tập trung nguồn lực thực hiện mà cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và người dân. Các cơ quan chức năng nên sớm quan tâm tháo gỡ khó khăn về nguồn kinh phí để tạo thuận lợi cho đơn vị chuyên ngành tổ chức thực hiện.
THANH HÀ